Mô hình trồng lúa thông minh đang cho thấy tính ưu việt về kinh tế, môi trường (Ảnh Tư liệu) |
Ưu điểm vượt trội
Mô hình trồng lúa thông minh của HTX Mỹ Đông 2 được triển khai thực hiện từ vụ Đông Xuân 2017 – 2018, trên tổng diện tích gần 8 ha, trước sự ủng hộ nhiệt tình của tất cả các thành viên.
Để thực hiện và phát huy hiệu quả của mô hình, HTX đã liên kết với Công ty Rynan Smart Fetilizers (Trà Vinh) nhằm có được sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời về khoa học – kỹ thuật và thị trường tiêu thụ.
Giám đốc HTX Mỹ Đông 2, ông Ngô Phước Dũng cho biết đặc điểm nổi bật của mô hình trồng lúa thông minh là các hộ sản xuất áp dụng phương pháp bón phân tan chậm kết hợp với sử dụng các chế phẩm sinh học không gây hại cho môi trường sinh thái.
Bón phân tan chậm được áp dụng đồng bộ ba khâu trong một máy cơ giới gồm cấy lúa, bón phân vùi theo gốc lúa, kết hợp phun xịt thuốc diệt cỏ dại tiền nảy mầm, diệt ốc. Phương pháp này giúp người nông dân dễ dàng áp dụng biện pháp quản lý dịch tổng hợp.
“Hình thức này giúp lượng phân bón được giữ lại trong đất, giảm tỷ lệ bốc hơi, rửa trôi, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng. Mô hình cũng giúp lúa phát triển tốt, lúa cứng cây, không đổ ngã khi gặp gió mưa” Giám đốc Ngô Phước Dũng phân tích.
Kết quả canh tác cho thấy, sản xuất lúa thông minh giúp nông dân giảm thiểu lượng giống, chỉ khoảng 8 kg/công. Năng suất bình quân đạt 7 – 8 tấn lúa tươi/ha, chi phí sản xuất giảm 45 – 50% so với phương thức canh tác cũ, đảm bảo lợi nhuận cao cho người sản xuất.
Mô hình đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ (Ảnh TL) |
Cho giá trị “kép”
Là một trong những thành viên đầu tiên tham gia vào mô hình trồng lúa thông minh, ông Nguyễn Văn Khi – thành viên HTX Mỹ Đông 2, chia sẻ: “Không có năng suất vượt trội, nhưng nhờ chi phí giảm lại được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường 200 – 400 đồng/kg nên hiệu quả canh tác luôn được đảm bảo”.
Không chỉ đảm bảo về kinh tế, mô hình trồng lúa thông minh của HTX Mỹ Đông đang cho thấy những ưu điểm tích cực trong bảo vệ môi trường. Việc sử dụng phương pháp bón phân tan chậm kết hợp với chế phẩm sinh học giúp HTX giảm thiểu lượng phân bón, hạn chế tác động xấu đến môi trường.
Mô hình áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp cũng giúp thành viên HTX giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật, thay thế các loại thuốc hóa học độc hại bằng các loại thuốc trừ sâu sinh học và đặc biệt là sử dụng thiên địch để phòng trừ sâu bệnh hại.
“Mô hình mới giúp nông dân giảm chi phí vật tư, công lao động 2 – 3 lần, số lượng phân bón giảm 250 kg/ha, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật và tuyệt đối không sử dụng thuốc trong 20 ngày trước khi thu hoạch, góp phần hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời mang đến nguồn sản phẩm sạch cho người dùng”, ông Nguyễn Văn Khi vui vẻ nói.
Một ưu điểm nữa về môi trường là HTX được doanh nghiệp hỗ trợ đặt hệ thống cảm ứng mực nước thông minh dùng năng lượng mặt trời để theo dõi mực nước cần và đủ cho từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa. Việc này giúp HTX đảm bảo hiệu quả sản xuất và tiết kiệm tối đa lượng nước tưới.
Những giá trị về kinh tế và môi trường giúp mô hình trồng lúa thông minh của HTX Mỹ Đông 2 nhận được phản hồi tích cực của người dân trong và ngoài địa bàn. Xuất phát điểm với hơn 7 ha, mô hình được nhân rộng lên 50 ha và sắp tới là 170 ha.
Nhật Minh