Nhằm ứng dụng đồng bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, xã Sông Lô đã chủ động phát huy thế mạnh tự nhiên của từng vùng, tập trung xây dựng các mô hình sản xuất lớn, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, an toàn sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Nông dân hưởng nhiều lợi ích
Trong trồng trọt, xã chủ động mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao, khuyến khích sản xuất liền vùng, cùng trà, cùng giống, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, tăng diện tích trà xuân muộn trên 75% và trà mùa sớm trên 60% tổng diện tích gieo cấy.
Nông nghiệp sạch đang có đà bứt lên trên địa bàn xã Sông Lô (Ảnh TL). |
Với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, các hộ sản xuất triển khai mô hình gieo mạ bằng phương pháp che phủ nilon, thâm canh lúa cải tiến SRI, áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, không sử dụng thuốc trừ cỏ trên đồng ruộng, sử dụng kỹ thuật phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái… góp phần tăng năng suất, chất lượng, tiết kiệm nhiều công lao động, và đặc biệt là bảo vệ môi trường sinh thái.
Cùng với phát triển cây lúa chất lượng cao, xã Sông Lô đã đẩy mạnh chuyển đổi những diện tích trồng màu không hiệu quả sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao, dần hình thành một số mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Điển hình có thể kể đến mô hình thâm canh một số giống dưa thơm, dưa lưới trong nhà màng có ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt với diện tích 2,5ha, trồng chuối Tây Thái Lan diện tích trên 50ha, trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh trên diện tích 5ha... Các mô hình này đã và đang mang lại lợi ích kép về kinh tế và môi trường sinh thái.
Điển hình, hơn 5 năm qua, anh Phan Văn Định, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp Sông Lô đã xây dựng thành công mô hình phát triển kinh tế tổng hợp cho hiệu quả cao.
Theo anh Định, với sự hỗ trợ của Tổ hợp tác, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư mô hình nhà màng trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn hữu cơ. Với quy trình sản xuất an toàn, sản phẩm của gia đình anh sản xuất ra tới đâu được thương lái đặt mua hết tới đó, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
“Hệ thống nhà màng có ưu điểm vượt trội giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập cùng với kết hợp canh tác theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường, giúp gia đình tôi tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, thuyết phục thương lái đến tận nơi thu mua”, anh Định chia sẻ.
Thêm động lực, mở rộng vùng sản xuất
Theo lãnh đạo UBND xã Sông Lô, một trong những giải pháp được xã thực hiện hiệu quả trong những năm qua là khuyến khích các HTX, tổ hợp tác, nông dân chủ động tích tụ, tập trung đất đai để xây dựng vùng chuyên canh quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn sinh thái, từng bước nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Đến nay, giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác của xã đạt trên 140 triệu đồng/ha.
Cần thêm chính sách hỗ trợ để các mô hình chuyên canh được nhân rộng (Ảnh TL). |
Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, trên địa bàn xã đã hình thành các vùng chăn nuôi xa khu dân cư, nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, hạn chế nuôi thả rông, ứng dụng triệt để khoa học công nghệ để tạo nguồn giống gia súc, gia cầm cho năng suất cao, chất lượng tốt, đồng thời thực hiện tốt công tác phòng trừ dịch bệnh cũng như bảo vệ môi trường sinh thái.
Chị Hoàng Thị Huệ, thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi Sông Lô, đang phát triển trang trại nuôi lợn hơn 70 con, cho biết trước đây hầu hết các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, dịch bệnh cho vật nuôi.
“Kể từ năm 2015 đến nay, với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, chúng tôi chủ động xây dựng hệ thống xử lý chất thải, xây dựng hầm biogas, từ đó môi trường được cải thiện, giá trị chăn nuôi được nâng lên. Với trang trại lợn quy mô 60 - 70 con/lứa, mỗi năm gia đình tôi thu về trên dưới 100 triệu đồng”, chị Huệ cho hay.
Hiện, toàn xã Sông Lô có tổng đàn trâu bò trên 500 con, đàn lợn trên 1.100 con, đàn gia cầm 7.500 con và gần 40ha nuôi trồng thủy sản. Các mô hình được định hướng phát triển theo hướng an toàn sinh thái.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, xã Sông Lô tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư cho các chương trình khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, nâng cao vai trò của HTX, tổ hợp tác, từ đó xây dựng cầu nối gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm…
Nhật Minh