Đồng Văn là một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang với 17 xã, 2 thị trấn, gồm 225 thôn bản, tổ dân phố. Diện tích tự nhiên toàn huyện trên 45 nghìn ha, địa hình phức tạp bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, độ cao trung bình 1.200 m so với mặt nước biển. Dân số của huyện khoảng 8 vạn dân, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông chiếm 87,2%, còn lại là các dân tộc khác, như: La Chí, Nùng, Lô Lô, Hoa, Giấy…
Bền bỉ thực hiện mục tiêu
Với điều kiện nhiều khó khăn, việc phấn đấu đạt các tiêu chí nông thôn mới (NTM), đặc biệt là về kinh tế và tổ chức sản xuất có ý nghĩa quan trọng đối với địa phương này. Theo báo cáo tổng kết 10 năm xây dựng NTM, UBND huyện Đồng Văn cho biết: Trong sản xuất nông, lâm nghiệp, Đồng Văn duy trì, bảo an ninh lương thực đạt trên 2,8 vạn tấn; từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, mở rộng diện tích, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật đưa giống mới vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ cấu mùa vụ.
Huyện đã xây dựng và duy trì, phát triển nhiều mô hình ứng dụng KH-KT và được nhân rộng: mô hình thụ tinh nhân tạo bò, thực hiện được 2.829 con đã có 1.590 bê sinh ra; mô hình ủ chua cỏ gắn với chăn nuôi bò vỗ béo hàng năm; mô hình phát triển chăn nuôi hàng hóa có 68 gia trại chăn nuôi hoạt động; mô hình chăn nuôi ứng dụng đệm lót sinh học...
Các các HTX, THT, nhóm sở thích thành lập và hoạt động là đầu mối liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giúp nông dân ổn định sản xuất và tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu như: Bánh, kẹo, rượu, miến tam giác mạch; mật ong hoa Bạc hà; rượu ngô; đậu xị; đan lát; khèn Mông; may mặc; thêu dệt thổ cẩm; thịt lợn treo; xúc xích; thịt bò;…
Với những nỗ lực của toàn dân, tỷ lệ giảm nghèo của huyện mỗi năm trung bình giảm 6,0%, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 54,25%; thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/ năm. Năm 2019, mặc dù toàn huyện vẫn chưa có xã nào đạt chuẩn NTM theo quy định, mới có 11 xã hoàn thành 7 - 9 tiêu chí, 5 xã hoàn thành 10 - 14 tiêu chí, 1 xã hoàn thành trên 15 tiêu chí, tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người dân đều thấy được hiệu quả thực sự của mô hình này.
Theo Phó chủ tịch huyện Đồng Văn - ông Dinh Chí Thành, mặc dù điều kiện kinh tế, tự nhiên khó khăn mọi bề, nhưng cả chính quyền, nhân dân luôn quyết tâm bền bỉ mỗi ngày, để thực hiện mục tiêu đặt ra, mà quan trọng nhất là cải thiện chính cuộc sống của từng người dân.
Xây dựng NTM tại Đồng Văn có những đặc thù khác biệt so với các vùng miền khác |
Khai thác lợi thế du lịch
Thực tế, triển khai xây dựng NTM tại khu vực cao nguyên đá cần phải có cách làm riêng mang tính đặc thù, có những tiêu chí không thể áp dụng theo quy định chung được. Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng huyện lại có lợi thế trong phát triển du lịch.
Trong những năm qua, vùng cao nguyên đá này đã đón hàng nghìn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Chính phủ đang hướng đến mục tiêu xây dựng cao nguyên đá trở thành khu du lịch của cả nước bằng việc ký Quyết định số 438/QĐ-TTg về Phê duyệt Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn toàn Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030.
Vì vậy, có những tiêu chí trong xây dựng NTM tại đây không nhất thiết phải cố gắng thực hiện bằng được, trong khi những mục tiêu quan trọng cần tập trung như công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với khai thác giá trị di sản, tiềm năng, lợi thế nhằm phục vụ cho phát triển du lịch - dịch vụ.
Ông Nguyễn Thanh Giang - Phó trưởng Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu - cao nguyên đá Đồng Văn, cho biết: Để hoàn thành các mục tiêu về xây dựng NTM trên vùng cao nguyên đá, cần phải có cách làm mang tính đặc thù để bảo đảm vừa nâng cao đời sống của đồng bào, vừa phải giữ được bản sắc của địa phương.
Hà Xuyên