Bắc Giang là tỉnh trung du miền núi, với gần 300 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó đất lúa gần 70 nghìn ha, trên 57 nghìn ha đất cây lâu năm (cây công nghiệp, cây ăn quả), trên 150 nghìn ha đất lâm nghiệp, còn lại nuôi trồng thủy sản và cây trồng khác...
Sở hữu nhiều nông sản thế mạnh
Hiện nay, Bắc Giang có hàng chục sản phẩm nông nghiệp được cấp bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó nổi bật một số sản phẩm như gà đồi Yên Thế; lạc, vải thiều sớm Phúc Hòa (Tân Yên); gạo thơm (Yên Dũng); na, dứa (Lục Nam)...
Bắc Giang đang phát triển thành công nhiều sản phẩm nông sản thế mạnh (Ảnh TL) |
Những sản phẩm này đem lại hiệu quả kinh tế tích cực đối với sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương cũng như nâng cao đời sống của người dân. Vải thiều Lục Ngạn, mỳ Kế, mỳ Chũ không những tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Pháp, một số nước ASEAN...
Điển hình, HTX cây ăn quả Lục Ngạn (xã Tân Quang) được thành lập vào năm 2017, đến nay có 22 hộ thành viên, tổng diện tích trồng cam, bưởi đạt trên 50 ha.
Đáng chú ý, 100% diện tích cây có múi của HTX đang được sản xuất theo hướng VietGAP, trong đó có 20 ha cam đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2018.
Ông Trần Đăng Vinh - Giám đốc HTX, cho biết: “Với mục tiêu tăng diện tích sản xuất theo hướng sạch, đáp ứng yêu cầu đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, cao hơn nữa là xuất khẩu, HTX đang rất chú trọng và tuân thủ quy trình sản xuất sạch, chú trọng khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái”.
Nhờ sản xuất sạch, chất lượng vượt trội, sản phẩm của HTX đang được thương lái đến tận vườn thu mua. Không chỉ có mặt tại các chợ đầu mối lớn trên cả nước, sản phẩm cam VietGAP của HTX đang bước đầu được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.
Hay tại huyện Yên Thế, tháng 5/2019, HTX Sản xuất, tiêu thụ Dê và Ong mật xã Hồng Kỳ được thành lập (tiền thân là Câu lạc bộ nuôi ong xã Hồng Kỳ).
Từ năm 2011, “Mật ong hoa rừng” đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, trở thành thương hiệu có tiếng trên thị trường. Cùng với sự đồng hành của HTX, phong trào nuôi ong đang được nhân rộng ra toàn huyện Yên Thế với khoảng 10 nghìn đàn, hơn 500 hộ nuôi.
Hướng tới sản phẩm sạch, công nghệ cao
Để tiếp tục phát huy những thành quả đã có, tỉnh Bắc Giang đang hướng tới phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, mang lại lợi ích toàn diện về cả kinh tế và môi trường sinh thái.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp sẽ được tỉnh Bắc Giang chú trọng phát triển theo hướng công nghệ cao (Ảnh TL) |
Đã có nhiều doanh nghiệp và HTX trên địa bàn mạnh dạn đầu tư công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, điển hình như trang trại lợn của HTX Trường Thành ở Hiệp Hòa, HTX Rau sạch Yên Dũng xây dựng 5.000m2 nhà màng…
Hay như, hơn 3 năm qua, nhiều người tiêu dùng đã quen với các loại rau củ quả sạch của HTX rau sạch Yên Dũng (xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng) sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là HTX tiên phong của tỉnh và huyện trong đầu tư ứng dụng công nghệ cao.
Theo đó, trong quá trình sản xuất, thành viên HTX nói không với hóa chất độc hại, ưu tiên các loại hoạt chất vi sinh, phân bón hữu cơ thân thiện môi trường.
Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được HTX áp dụng quy tắc “4 đúng” là đúng loại, đúng liều, đúng cách và đúng thời gian, từ đó giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường.
Hay như ở huyện Lục Ngạn đã mạnh dạn thử nghiệm trồng cây vải thiều theo hướng hữu cơ. Theo phương pháp này, sẽ an toàn cho cả người canh tác, lại không gây độc hại cho môi trường, không tồn dư hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm, giúp cây sinh trưởng tốt hơn, chất lượng quả vải ngọt và thơm hơn.
Trên những nền tảng đang có, thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực có thương hiệu, nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế…
Hưng Nguyên