Năm 2017, ông Nguyễn Thái, ở xã Bình Định, quyết định đầu tư gần 700 triệu đồng để chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa lưới. Một quyết định mạo hiểm nhưng những kết quả đạt được hiện tại khiến mọi người đều phải trầm trồ.
Mạnh dạn thay đổi
Ông Thái cho hay trang trại của ông hiện có trên 1.000 gốc dưa chuột và 2.000 gốc dưa lưới được trồng 3 vụ/năm với diện tích 1.500m2 trong nhà màng theo quy trình khép kín, bảo đảm an toàn từ khâu chăm sóc đến thu hoạch.
Đặc biệt, khu sản xuất được trang bị hệ thống tưới nước, tưới phân và phòng trừ sâu bệnh tự động bằng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Các bước vận hành đều được cài đặt trên điện thoại thông minh có thể điều khiển chăm sóc cây ở bất kỳ thời điểm, vị trí nào, qua đó giảm thiểu công lao động, nâng cao hiệu quả.
Những thay đổi trong tư duy sản xuất đang giúp nông dân Kiến Xương ngày càng giàu (Ảnh: Thu Thủy/BTB). |
Để gia tăng giá trị sản xuất, theo ông Thái, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định. Vì vậy, ông cùng các lao động làm việc tại trang trại đều đặc biệt chú ý đến 3 giai đoạn phát triển của dưa, từ nhỏ đến khi có hoa, từ hoa đến đậu quả, cuối cùng là giai đoạn tạo ngọt.
Trong 3 giai đoạn trên, giai đoạn 3 cũng là giai đoạn quyết định đến năng suất, giá trị cây trồng do đó được ông Thái dành nhiều tâm huyết, công chăm sóc. Một trong những khâu quan trọng là tưới kali để tạo ngọt và thường xuyên đo nồng độ đường đạt tiêu chuẩn mới cho ra thị trường.
Ngoài ra, sản phẩm làm ra phải bảo đảm sạch, kiểm soát chặt chẽ mọi vấn đề về an toàn thực phẩm, các loại hóa chất độc hại bị loại bỏ hoàn toàn, qua đó đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của mọi khách hàng, từ tiểu thương đến các siêu thị.
Khắt khe là thế song mỗi năm ông Thái vẫn bán được 12 tấn dưa lưới, 6 tấn dưa chuột, trừ chi phí thu lãi 270 triệu đồng. Năm 2022 là năm được mùa nhất bởi năng suất đạt cao, số lượng và cân nặng của quả đều tăng, riêng dưa lưới đạt trên 13 tấn, trừ chi phí thu lãi gần 300 triệu đồng. Năm 2023 này, lợi nhuận cũng được đảm bảo.
Bắt tay liên kết
Ông Nguyễn Thái chỉ là một trong rất nhiều nông dân trên địa bàn huyện Kiến Xương giàu lên nhờ mạnh dạn “thay cũ, trồng mới”, đầu tư thích đáng cho khoa học - kỹ thuật.
Đáng chú ý, không chỉ là những “cánh chim lẻ”, nhiều nông dân ở Kiến Xương đã chủ động bắt tay, liên kết thành lập HTX, tổ hợp tác để nâng cao nội lực, sức cạnh tranh, hướng tới sản xuất chuỗi, từ đó gia tăng hiệu quả kinh tế.
Điển hình, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Vũ An chính là một trong những điển hình trong tổ chức sản xuất, tạo hiệu quả cao cho nông dân địa phương. Với đóng góp của HTX, rất nhiều sản phẩm chủ lực của xã như khoai tây, dưa gang, lạc đỏ... đang cho giá trị ngày càng cao.
Các HTX có vai trò quan trọng trong quá trình liên kết, phát triển chuỗi giá trị trong nông nghiệp ở Kiến Xương (Ảnh: Thu Thủy/BTB). |
Đặc biệt, để hướng tới xây dựng sản phẩm đặc trưng, đạt tiêu chuẩn OCOP, HTX đã đồng hành cùng ngành nông nghiệp xã Vũ An xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể cho từng sản phẩm, trong đó có sản phẩm lạc đỏ bởi đây là sản phẩm ít xã có được.
Ông Nguyễn Quang Thế, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Vũ An, cho hay lạc là cây trồng có thời gian sinh trưởng sau 100 ngày cho thu hoạch, năng suất thấp cũng đạt 2 tạ/sào, cao là 2,8 tạ/sào với giá bình quân từ 14.000 - 15.000 đồng/kg. Riêng năm 2023, giá bán cao từ 17.000 - 21.000 đồng/kg, người dân thu về bình quân trên 4 triệu đồng/sào.
Cũng vì hiệu quả kinh tế của cây lạc nên xã đã quy hoạch mở rộng, từ 2 thôn đến nay phát triển ở 5/5 thôn trồng 53ha. Thời gian tới xã sẽ tiếp tục mở rộng ra những vùng có thể trồng được với khoảng 80ha, cho ra sản phẩm đóng túi bán trên thị trường.
Tương tự, HTX Sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh, xã Bình Minh, cũng đang ghi nhận những thành công tích cực nhờ mạnh dạn ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất.
Chị Trần Thị Lanh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX, chia sẻ ngay từ những ngày đầu thành lập, chị và các thành viên HTX đã chủ động áp dụng triệt để cơ giới hóa để thay thế hình thức sản xuất truyền thống, giảm sức lao động, chi phí, tăng năng suất, hiệu quả cây trồng.
Tính đến nay, HTX đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng vào các loại máy hiện đại như 4 máy cấy ngồi lái, 1 máy gặt liên hợp công nghệ cao, 2 máy làm đất cỡ lớn, 2 máy gieo mạ, 1 máy bón phân, lò sấy công suất 35 tấn/mẻ, 3 vạn khay mạ, băng tải vận chuyển mạ…
Với sự đầu tư mạnh mẽ, HTX Quang Lanh đang là một trong những đơn vị có hệ thống máy móc hiện đại nhất trong huyện hiện nay, đánh dấu bước đột phá về việc cơ giới hóa trên đồng ruộng.
Tiếp tục nâng tầm
Bên cạnh đầu tư cho cơ sở vật chất, hoàn thiện quy trình sản xuất, HTX Quang Lanh còn chú trọng thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm, bình quân mỗi vụ xuất bán 300 tấn thóc đi các tỉnh, thành trên cả nước.
Kết quả, HTX đang duy trì sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho hơn 200 ha lúa chất lượng cao, bao gồm 100 ha của HTX và hơn 100 ha cho người dân các xã lân cận, đem lại doanh thu trên 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thời vụ cho 30 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Kết hợp máy móc hiện đại và kinh nghiệm của các thành viên làm nông nghiệp lâu năm, HTX Sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh đang hướng tới sẽ sản xuất sản phẩm gạo hữu cơ đóng túi để bán đem lại lợi nhuận cao hơn.
Có thể thấy, cuộc cách mạng trong tư duy và cách thức sản xuất đang giúp nhiều nông dân trên địa bàn huyện Kiến Xương giải phóng sức lao động, nâng cao giá trị canh tác, vươn lên làm giàu bền vững. Sự thay đổi của nông dân chính là nền tảng giúp ngành nông nghiệp huyện liên tục vươn tầm.
Kết quả 10 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng 6,08% so với cùng kỳ, bằng 67,9% kế hoạch năm.
Trong đó, giá trị nông - lâm - thủy sản đạt trên 2.100 tỷ đồng, tăng 2,46%; giá trị công nghiệp - xây dựng cơ bản đạt trên 5.200 tỷ đồng, tăng 7,11%; giá trị thương mại - dịch vụ, đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng 7,13% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước 10 tháng đạt trên 1.000 tỷ đồng, bằng 86% dự toán huyện giao.
Để đạt mục tiêu tổng giá trị sản xuất năm 2023 tăng 10,50% trở lên so với năm 2022, UBND huyện Kiến Xương yêu cầu các xã, thị trấn tiếp tục chủ động, linh hoạt giải quyết các vấn đề tồn tại ở cơ sở. Tăng cường tuyên truyền, vận động, phối hợp với các ngành, cơ quan, đơn vị kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các xã, thị trấn hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu trong những tháng cuối năm.
Lệ Chi