Với hàng nghìn ha mặt nước hồ, nhất là các hồ thủy điện lớn, huyện Đak Đoa có tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là mô hình nuôi cá lồng bè. Đặc biệt, với sự tham gia của các HTX, mô hình đang phát triển theo hướng an toàn sinh thái, giá trị gia tăng.
Hiệu quả từ nuôi cá lồng
Tháng 9/2020, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh triển khai thêm mô hình nuôi cá lồng sinh thái trên hồ thủy điện Đak Krong.
Sau 3 năm triển khai, mô hình đã và đang dần trở thành một trong những mô hình sản xuất điểm, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương. Nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, thành viên HTX đang có thu nhập bình quân 100-250 triệu đồng/năm.
![]() |
Nuôi cá lồng đang là mô hình kinh tế làm giàu cho nhiều hộ dân ở Đak Đoa. |
Theo thống kê, toàn huyện Đak Đoa hiện có trên 100 hộ phát triển mô hình nuôi cá lồng bè, tổng diện tích hàng nghìn ha. Những năm qua, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP gắn với bảo vệ môi trường cũng là hướng đi được huyện khuyến khích, chú trọng hỗ trợ các HTX, hộ chăn nuôi.
Để tăng hiệu quả, huyện đã đẩy mạnh thực hiện chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hướng dẫn người dân thực hiện nuôi theo đúng mật độ, khoảng cách giữa các cụm lồng/bè phải bảo đảm theo quy định; khuyến cáo người nuôi không thả cá giống khi các yếu tố môi trường nước chưa bảo đảm.
Trong quá trình nuôi, các HTX, hộ chăn nuôi được khuyến cáo không cho cá ăn thức ăn hết hạn sử dụng, thức ăn không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
Đối với thức ăn tươi sống, các hộ nuôi được cơ quan chức năng hướng dẫn cho cá ăn theo đúng khẩu phần ăn hàng ngày, không để thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường vùng nuôi…
“Xác định thủy sản là một trong những lĩnh vực kinh tế chủ lực, huyện sẽ tiếp tục dành nhiều nguồn lực đầu tư để xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời liên kết các hộ chăn nuôi trong các HTX, tổ hợp tác để nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng giá trị”, đại diện Phòng NN&PTNT huyện Đak Đoa nhấn mạnh.
Làm giàu với cây cà phê
Bên cạnh nuôi cá lồng, trồng cà phê cũng là một trong những hướng thoát nghèo, làm giàu bền vững cho người dân trên địa bàn huyện Đak Đoa. Đặc biệt, với sự đồng hành của các HTX, kết nối với doanh nghiệp, hiệu quả của cây cà phê ngày càng được nâng lên.
Sở hữu vườn cà phê rộng 1,2 ha, chị Đào Thị Nguyệt, hộ liên kết của HTX Đak Krong, chia sẻ gia đình có nghề trồng cà phê từ nhiều năm trước, tuy nhiên do khai thác trong thời gian dài, đất đai bạc màu, lại không nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên cây cà phê phát triển không đồng đều, năng suất thấp.
Phải đến khi tham gia mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C của HTX, hoạt động sản xuất mới dần khởi sắc. Cụ thể, vào HTX, chị Nguyệt được tập huấn kỹ thuật trồng cà phê sạch theo hướng bền vững.
![]() |
Huyện Đak Đoa sẽ tiếp tục thúc đẩy các cây trồng thế mạnh như cà phê để xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho người dân. |
“Nhờ sự đồng hành của HTX, những năm qua, sản lượng cà phê nhân của gia đình tôi luôn đạt trên 5 tấn/ha. Đặc biệt, với việc được đảm bảo thị trường tiêu thụ, giá cao hơn thị trường 10-25%, tôi cùng các thành viên HTX rất yên tâm canh tác theo tiêu chuẩn 4C”, chị Nguyệt chia sẻ.
Xuất phát điểm với chỉ 13 hộ khi thành lập vào năm 2018, đến nay, HTX Đak Krong thu hút được 185 thành viên, hộ liên kết, 40% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng diện tích vùng nguyên liệu đạt trên 320 ha. Đáng chú ý, với mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị, đảm bảo tính bền vững của mô hình, HTX đã liên kết với doanh nghiệp để hỗ trợ thành viên áp dụng quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn 4C, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tương tự, ở xã Glar, thời gian qua, bà con địa phương rủ nhau tham gia vào HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh để trồng cà phê sạch theo hướng bền vững, từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Với vai trò hỗ trợ kết nối, HTX này đã thành lập 3 Tổ liên kết sản xuất cà phê sạch tại các xã Glar, A Dơk và xã Trang thuộc huyện Đak Đoa. Bên cạnh 19 thành viên HTX, đã có thêm 31 nông hộ khác tham gia canh tác. Đến nay, HTX là đầu mối kết nối người dân trên địa bàn sản xuất khoảng 70 ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C và UTZ cung cấp nguyên liệu sạch cho Công ty TNHH Vĩnh Hiệp.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Thành công của cây cà phê cũng như mô hình nuôi cá lồng là những điểm tựa để ngành nông nghiệp huyện Đak Đoa đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, qua đó giúp nông dân làm giàu.
Đáng chú ý, sự hình thành của các HTX, tổ hợp tác là một trong những nhân tố quan trọng giúp nhiều địa phương trên địa bàn huyện Đak Đoa thúc đẩy quá trình chuyển đổi quá trình tái cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, đặc biệt là chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả.
Đơn cử, Tổ hợp tác trồng trọt Bia Tih, xã A Dơk hiện đang thu hút hơn 20 hộ thành viên, tổng diện tích sản xuất gần 30 ha. Nhờ sự chủ động trong ứng dụng kỹ thuật mới, cơ giới hóa ở những khâu cơ bản như làm đất, tưới tiêu, vận chuyển… đã giúp gia tăng thu nhập cho thành viên.
Chị Lương Thị Tĩnh, thành viên Tổ hợp tác, chia sẻ trước đây dù có gần 1 ha đất đồi, nhưng vì thiếu nước tưới nên cây lúa cho năng suất thấp, thu nhập không đáng là bao, sau vụ mùa là chị phải đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập.
Năm 2018, may mắn được tạo điều kiện tham gia Tổ hợp tác Bia Tih, gia đình chị Tĩnh chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng cây ăn quả, với táo và bưởi là hai cây trồng chính. Đến nay, vườn cây phát triển ổn định, thu nhập bình quân 80 – 100 triệu đồng/năm.
Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Đak Đoa, hiệu quả của quá trình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả góp phần nâng cao giá trị sản xuất bình quân của huyện lên xấp xỉ 100 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác đang giúp nông dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, an toàn sinh thái, từng bước hình thành chuỗi giá trị.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, xây dựng các mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu, rộng hơn. Đồng thời, nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong liên kết sản xuất, hình thành thương hiệu thế mạnh cho sản phẩm của địa phương.
Lệ Chi