Những năm qua, trồng trọt được huyện Vụ Bản cơ cấu lại theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung với hàng loạt mô hình “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị giữa hộ nông dân, hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp với doanh nghiệp.
Đổi mới tư duy sản xuất
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Vụ Bản, hiệu quả sản xuất từ các mô hình “cánh đồng lớn” và “cánh đồng lớn liên kết” đều tăng 15-20% so với trồng đại trà.
Những thay đổi trong tư duy sản xuất giúp nông dân Vụ Bản nâng cao giá trị canh tác (Ảnh TL). |
Điển hình, với sự đồng hành của các HTX, người sản xuất rau màu trên địa bàn xã Thành Lợi đang chủ động ứng dụng các công nghệ cao để điều tiết nhiệt độ, ánh sáng, phát triển thiên địch, giảm sử dụng phân bón hóa học, đảm bảo rau màu phát triển tốt và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Chị Hoàng Thị Minh, thành viên HTX nông nghiệp Thành Lợi, cho biết gia đình chị chuyển đổi 1 ha trồng lúa sang trồng màu VietGAP, hữu cơ cách đây 3 năm. Những đổi mới về tư duy sản xuất giúp thu nhập bình quân của gia đình chị tăng từ chưa đầy 40 triệu đồng/ha/năm, lên xấp xỉ 100 triệu đồng/năm.
Theo chị Minh, với sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính của HTX, các loại rau màu truyền thống như rau cải canh, rau ngót, rau gia vị hành hẹ, mùi, húng… hầu hết đều được thành viên trồng trong nhà lưới, hệ thống tưới tiêu tự động, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, chỉ sử dụng các hoạt chất vi sinh, thân thiện môi trường.
“Sự đầu tư về công nghệ giúp chúng tôi dễ dàng áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn sinh thái, giảm thiểu hóa chất độc hại, qua đó nâng cao chất lượng, giá bán sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, chi Minh nói.
Thời gian qua, tại vùng đất khu vực Bãi Quỹ, được sự hỗ trợ của Dự án thương mại sinh học BioTrade, người dân xã Thành Lợi đã thực hiện thành công mô hình trồng quất dược liệu đạt chuẩn an toàn sinh thái của Tổ chức Y tế thế giới.
Hiện tại, người dân xã Thành Lợi đang tiếp tục thử nghiệm trồng các loại dược liệu cung ứng ra thị trường. Nhờ trình độ thâm canh cao và tư duy năng động tiếp cận thị trường của người dân, thu nhập bình quân trên 1 ha đất canh tác của xã đạt 115 triệu đồng/năm.
Tìm hướng phát triển bền vững
Cùng với trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi của huyện Vụ Bản cũng đang phát triển theo hướng trang trại, gia trại tập trung quy mô vừa và nhỏ, được áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với an toàn sinh thái.
Vụ Bản tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn sinh thái. (Ảnh TL) |
Nhiều trang trại áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến như chuồng lồng, chuồng kín tự động, chủ động điều khiển được tiểu khí hậu chuồng nuôi, tăng quy mô đàn/m2 nuôi.
Tiêu biểu như HTX chăn nuôi Long Phú, xã Hợp Hưng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ thỏ với quy mô trên 1.000 con thỏ bố mẹ, trên 10.000 con thỏ thương phẩm/lứa; HTX cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh, xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ mỗi năm 150 tấn thịt lợn, thịt gà sạch…
Đáng chú ý, công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi được người chăn nuôi, nhất là trong các trang trại, gia trại, HTX trên địa bàn Vụ Bản áp dụng rộng rãi như công nghệ sử dụng đệm lót sinh học, phun men vi sinh, công nghệ biogas.
Hiệu quả của công nghệ chăn nuôi hiện đại đã góp phần giảm thiểu phát sinh dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, nâng cao được hiệu quả chăn nuôi.
Ngoài ra, nuôi thủy sản của huyện Vụ Bản chuyển dần từ nuôi quảng canh sang thâm canh, hình thành các vùng nuôi tập trung ở các xã Hợp Hưng, Hiển Khánh, Tam Thanh, Tân Khánh, Đại Thắng. Các mô hình cho giá trị kinh tế hàng trăm triệu/ha/năm, đồng thời cho thấy tính ưu việt về môi trường sinh thái.
Với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, huyện Vụ Bản đã hoàn thành đạt và vượt một số chỉ tiêu Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đề ra. Năm 2020, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt đạt 100 triệu đồng, đất nuôi trồng thủy sản 125 triệu đồng.
Thời gian tới, huyện Vụ Bản xác định tiếp tục tăng cường, tiếp nhận khảo nghiệm, đưa các tiến bộ khoa học – kỹ thuật mới vào trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản. Nhân rộng các điển hình, xây dựng các mô hình sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, đáp ứng yêu cầu của thị trường, đảm bảo khả năng tiêu thụ cho nông dân. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX thực hiện các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế.
Lệ Chi