Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh những quan điểm, mục tiêu mang tính chiến lược, lâu dài. Đặc biệt khẳng định BVMT là nhiệm vụ cần được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.
Thúc đẩy xã hội hóa bảo vệ môi trường
Ts. Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhấn mạnh, mô hình HTX là tổ chức cộng đồng làm kinh tế có tính tự chủ cao, huy động và phát huy được tối đa sức mạnh tập thể, gắn kết được số đông người dân từ những thôn, xóm, bản làng, khu vực nông thôn, miền núi.
Các HTX đã góp phần thúc đẩy xã hội hóa công tác BVMT, huy động sức mạnh cộng đồng trong BVMT. |
Với mục tiêu vì một môi trường không ô nhiễm, vì sức khỏe cộng đồng, các HTX BVMT không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá, xã hội mà còn có đóng góp quan trọng trong hoạt động cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.
Chiến lược bảo vệ môi trường đặc biệt nhấn mạnh, bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. Ưu tiên chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2025, môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và an toàn của nhân dân, đa dạng sinh học được gìn giữ, bảo tồn, bảo đảm cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, xã hội hài hòa với thiên nhiên, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp được hình thành và phát triển, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon.
“Từ mô hình HTX, phong trào quần chúng tham gia BVMT được đẩy mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố với những điển hình tiên tiến. HTX BVMT tham gia phân loại rác tại nguồn, chế biến rác thải hữu cơ làm phân vi sinh. tái chế rác thải nilon làm hạt nhựa, xử lý nước thải, khí thải, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, tận dụng chất thải xây dựng sản xuất gạch không nung, quản lý nghĩa trang nhân dân gắn với BVMT, xử lý chất thải hữu cơ nhằm tận thu thành năng lượng khí sinh học phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế hộ và BVMT”, Ts Nguyễn Văn Tài khẳng định.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Trao đổi về Chiến lược BVMT Quốc gia mới được Thủ tướng Chính phủ ký mới đây, ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bến Tre khẳng định vai trò của khu vực KTTT, cụ thể là các HTX đã chủ động kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường.
Thực hiện xanh hóa các ngành sản xuất và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao, các khu công nghiệp sinh thái. Đặc biệt là khuyến khích sử dụng các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thân thiện với môi trường.
Nhiều mô hình HTX về BVMT ra đời đã khẳng định vai trò của khu vực KTTT, HTX trong Chiến lược BVMT Quốc gia. |
Các HTX, tổ hợp tác từng bước thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tăng cường tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và các loại kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Phương, mô hình HTX BVMT nhiều nhưng chưa mạnh. Hoạt động tư vấn dịch vụ BVMT còn ít, cơ sở vật chất đơn sơ, đa số thiếu vốn hoạt động. Các HTX thiếu thông tin về các chương trình, dự án, chưa chủ động xây dựng được kế hoạch, dự án để tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương. Trình độ tổ chức quản lý của HTX BVMT chưa theo kịp với nhu cầu thực tiễn. Đặc biệt, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX BVMT về kỹ thuật, công nghệ và tài chính đều còn thiếu.
Ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông nhận định, HTX BVMT cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước về thông tin môi trường qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổ chức thi về phát triển HTX gắn với thích ứng biến đổi khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó là tổ chức triển lãm, hội chợ giới thiệu các sản phẩm của HTX, xây dựng các phim phóng sự, phim truyền hình về HTX, phát động phong trào thi đua trong các HTX.
"HTX hiện nay đang cần chính sách khuyến khích, hỗ trợ sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, tiết kiệm tài nguyên đất, tài nguyên nước... để giảm nhẹ biến đổi khí hậu", ông Khải nói.
Do đó, để khẳng định vai trò của khu vực KTTT, HTX trong Chiến lược BVMT Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Văn Tài đề xuất một số giải pháp như: Tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo, nâng cao trình độ cho các cán bộ HTX, hỗ trợ HTX về xây dựng kế hoạch, quản trị sản xuất theo hướng sản xuất xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, cần phát huy ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội về môi trường của các HTX, tổ hợp tác, các đơn vị khu vực KTTT, HTX. Nâng cao nhận thức, hiểu biết về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp, khuyến khích các đơn vị khu vực KTTT, HTX thực hiện các tiêu chuẩn, cam kết tự nguyện về môi trường. Thực hiện đánh giá, xếp hạng hàng năm các HTX phát triển bền vững.
Đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả các thành tựu của khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin, các công nghệ hiện đại trong quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát, quan trắc và cảnh báo về môi trường.
Ngoài ra, cần tận dụng các cơ hội của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) để thúc đẩy bảo vệ môi trường. Áp dụng các rào cản kỹ thuật để ngăn ngừa các tác động tiêu cực về môi trường từ quá trình hội nhập.
Kim Yến