Nhận thức rõ tầm quan trọng của kinh tế xanh với phát triển bền vững, những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư, đẩy mạnh chủ trương xã hội hoá, hỗ trợ các HTX cùng chung tay giải quyết, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Lượng lớn rác thải vẫn xử lý bằng chôn lấp
Theo kết quả điều tra đầu năm 2020 của Bộ TN&MT, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh khoảng 61.000 tấn/ngày, trong đó CTRSH đô thị là 37.000 tấn/ngày, CTRSH nông thôn 24.000 tấn/ngày. Địa phương có khối lượng phát sinh lớn là TP.HCM với khoảng 9.100 tấn/ngày, Hà Nội 6.500 tấn/ngày, Thanh Hoá 2.246 tấn/ngày, Bình Dương 1.764 tấn/ngày…
Đầu tư công nghệ đốt hiện đại sẽ chấm dứt tình trạng chôn lấp rác thải (Ảnh TL) |
Lượng CTRSH này chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (73%), bằng phương pháp compost và 13% bằng phương pháp đốt. Cả nước hiện có 900 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, trong đó có nhiều bãi không hợp vệ sinh, vẫn còn tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng xung quanh.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoà Bình, Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường), công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH còn gặp nhiều khó khăn. Công tác phân loại mới chỉ thực hiện thí điểm tại một số nơi theo phong trào, thiếu đồng bộ, nhiều trạm trung chuyển, một số điểm tập kết còn có hiện tượng tồn đọng chất thải kéo dài, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Còn ông Trịnh Văn Tuyên, Viện Công nghệ môi trường cho biết: “Ứng dụng tiến bộ và đổi mới công nghệ, kỹ thuật vào xử lý chất thải là tạo ra một môi trường sản xuất sạch hơn, giảm thiểu phát thải ô nhiễm. Chất thải được thu gom sản xuất thành các dạng sản phẩm hữu ích, khí sinh học, sản xuất điện, gạch không nung… Để lựa chọn được mô hình quản lý và công nghệ phù hợp, chúng ta cần đẩy mạnh tìm hiểu và ứng dụng công nghệ, giải pháp tiên tiến, hiện đại vào xử lý rác thải; tăng cường xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp, HTX trong nước với các đối tác nước ngoài”.
Công nghệ đốt rác hiện đại
Nhà máy Xuân Sơn (Sơn Tây, Hà Nội) được xây dựng bằng 100% nguồn vốn HTX Thành Công tự huy động; toàn bộ hệ thống máy móc, trang thiết bị đã được các sở, ngành của Hà Nội thẩm định. Nhà máy đã đáp ứng đầy đủ các thủ tục theo quy định hiện hành như: đầu tư; công nghệ; báo cáo đánh giá tác động môi trường; phương án phòng cháy chữa cháy; nghiệm thu đưa vào sử dụng; quản lý phân luồng tiếp nhận rác…
Nhà máy xử lý rác Xuân Sơn do HTX đầu tư (Ảnh TL) |
Theo đó, hệ thống tổ hợp lò đốt của nhà máy hiện nay gồm 4 lò, tổng công suất vận hành tối đa 300 tấn/ngày/đêm. Hiện tại, 3 hệ thống lò đốt gồm số 1, số 2, số 3 đã hoạt động ổn định và đạt kết quả tốt. Công suất của 3 hệ thống đã hoàn thiện đang tiếp nhận xử lý khoảng gần 200 tấn/ngày/đêm. Hệ thống lò đốt số 4 đã hoàn thiện phần lắp đặt, đang hoàn thiện các thủ tục kiểm tra chất lượng môi trường để đưa vào vận hành chính thức.
Về nguyên lý phân loại, rác được đổ vào khu chứa sau đó được cầu trục ngoạm phân phối cho các dây chuyền phân loại. Trong quá trình phân phối, các loại rác cồng kềnh, kích cỡ lớn sẽ được gắp sang hành lang công tác và chuyển đến máy cắt rác trước khi đến khu chờ đốt. Việc này sẽ loại bỏ và lưu giữ các thành phần rác nguy hại tại một khu riêng, chờ đơn vị đủ chức năng xử lý theo quy định.
Về hiệu suất của lò đốt, ông Phạm Thiện Lộc - Chủ tịch HĐQT HTX Thành Công cho biết: "Nhiệt độ lò đốt theo tiêu chuẩn lò sơ cấp là hơn 500 độ C, lò thứ cấp là hơn 800 độ C, thì cả hai cấp độ trên của nhà máy đều đạt (trong đó, lò sơ cấp dao động từ 900 - 1.100 độ C, lò thứ cấp 1.000 - 1.300 độ C). Từ các ngưỡng nhiệt lượng lý tưởng này, hiệu suất đốt thiêu hủy rác của các lò đang đạt ở mức 80%; 20% còn lại là các chất trơ không đốt được (gạch, đá, đất, than tổ ong) và trong số này chỉ có 5-7% là tro xỉ. Kết quả như vậy đã góp phần giảm thiểu tối đa khối lượng phải đem đi chôn lấp".
Bên cạnh đó, với quy trình khép kín, các nguồn cấp khí cho lò đốt sẽ được dẫn lưu trực tiếp từ kho chứa rác. Ưu điểm của việc này là tận dụng được các khí gas phát sinh trong quá trình phân hủy rác, giảm thiểu được sự phát tán của các khí phát sinh ra môi trường.
Ông Bùi Văn Quân - Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì, Hà Nội) - xã nằm giáp với Nhà máy Xuân Sơn, cho hay: "Trước đây, mùi hôi thối, đặc biệt là mùi khét phát sinh từ quá trình đốt rác ở nhà máy phát tán ra môi trường rất nghiêm trọng, người dân phản ánh nhiều. Thế nhưng, từ khi HTX Thành Công tiếp nhận và vận hành thành công các công nghệ mới trong công tác xử lý rác tại nhà máy, môi trường địa phương được cải thiện rõ rệt…".
Bảo Ninh