Việc HTX Hiệp Thuận đầu tư trồng 200ha rừng, trong đó có 100ha được chứng nhận tiêu chuẩn trồng rừng bền vững FSC đã góp phần không nhỏ vào công cuộc chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Đặc biệt, khi mùa mưa đến, rừng sẽ làm giảm xói mòn, rửa trôi đất, phòng chống lũ lụt, hạn hán.
Gỗ lớn mang lại giá trị cao
Ông Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận cho biết, trồng rừng, đặc biệt là rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với rừng gỗ thông thường. Người dân tự trồng rừng có độ tuổi từ 4-5 năm chỉ thu được từ 50-60 triệu đồng/ha, chưa kể đến việc giá cả có khi hạ xuống thấp vì thương lái ép giá, đầu ra khó khăn. Còn rừng gỗ lớn phải có tuổi từ 8 năm, người trồng sẽ thu được trên dưới 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, gỗ từ rừng gỗ lớn đang ngày càng được thị trường ưa chuộng nên người trồng không lo về giá cả và đầu ra.
HTX đã liên kết cùng địa phương hỗ trợ vốn vay cho người trồng rừng, cũng như đưa giống mới có năng suất cao vào trồng. Các hộ đều áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, xác định mật độ trồng, bón phân, chăm sóc rừng để nâng cao năng suất và bảo đảm chất lượng gỗ đồng bộ.
Điểm ưu việt của mô hình trồng rừng gỗ lớn là rất thân thiện môi trường. Nếu trồng rừng truyền thống ở khâu ươm cây giống thường dùng túi bầu bằng ni lông thì HTX lại dùng túi bầu tự hủy.
Theo ban giám đốc, ban đầu người dân cứ nghĩ rằng đầu tư túi bầu ni lông tự hủy sẽ đắt nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, trong khi chất lượng cây giống ít bị ảnh hưởng, tỷ lệ sống của rừng trồng tăng khoảng 30%.
Đặc biệt, hướng sản xuất giống cây trồng này còn giúp giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường, xóa bỏ tình trạng “trắng rừng” bởi túi bầu ni lông sau khi trồng của người dân. Người trồng rừng cũng không mất công tháo túi bầu trước khi trồng.
“Đây là thành công bước đầu của kỹ thuật sản xuất cây giống lâm nghiệp chất lượng cao theo hướng hiện đại và thân thiện với môi trường, từ đó tạo nền tảng cho toàn bộ quá trình sản xuất rừng về sau”, ông Nguyễn Hữu Dương chia sẻ.
Đến nay, HTX đã xúc tiến đầu tư hạ tầng xây dựng vườn ươm giống với quy mô 6.000m2, đảm bảo cung ứng nguồn cây giống chất lượng tốt, rõ nguồn gốc và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc theo quy trình mới cho người dân và thành viên trong HTX theo mô hình trồng rừng gỗ lớn FSC.
Vườn ươm giống của HTX cung cấp khoảng 2 triệu cây giống cho bà con trong vùng mỗi năm. Trong đó có khoảng 30% cây giống là phục vụ hỗ trợ miễn phí cho bà con tham gia mô hình liên kết.
Đẩy mạnh sơ chế, tận dụng tiềm năng
Với mục tiêu phát triển rừng theo hướng bền vững, HTX Hiệp Thuận đang hướng đến chuỗi giá trị sản xuất khép kín từ cung ứng cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch, bao tiêu sản phẩm.
HTX đầu tư 3,5 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ cho việc cưa xẻ gỗ thành các sản phẩm thô ban đầu để xuất ra thị trường.
Theo đó, ngoài diện tích rừng của thành viên, trên địa bàn xã Hiệp Thuận còn có gần 800ha rừng. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ sơ chế để cung cấp ra thị trường. Trung bình mỗi năm, HTX thu mua của bà con đến hơn 3.000 tấn gỗ để sơ chế và xuất ra thị trường.
Gỗ của các hộ gia đình sản xuất ra đúng theo hợp đồng sẽ được HTX cam kết thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường khoảng 20%. Từ lợi ích này mà có rất nhiều hộ ngoài mô hình liên kết đã ký hợp đồng bao tiêu với HTX.
Sơ chế gỗ giúp nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp. |
Đến nay, HTX Hiệp Thuận đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 140 hộ dân trong và ngoài xã, tổng diện tích khoảng 760ha rừng keo gỗ lớn có giấy chứng nhận FSC, phục vụ cho việc sơ chế gỗ cây thành gỗ miếng, cung cấp cho các nhà máy sản xuất gỗ ghép thanh công nghiệp.
Ngoài đảm bảo đầu ra với giá cao hơn thị trường, giúp bà con có thêm thu nhập, HTX còn tạo việc làm cho khoảng 30 lao động thường xuyên với mức lương thấp nhất là 6 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi năm của HTX đạt hơn 5 tỷ đồng.
Trồng rừng gỗ lớn kết hợp sơ chế đang là xu hướng trên thế giới và cũng là giải pháp quan trọng để thay đổi thực trạng sản xuất kinh doanh lâm nghiệp hiện nay. Để phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn có lợi ích kép này, HTX sẽ tiếp tục cùng địa phương tuyên truyền về hiệu quả kinh tế, môi trường, cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa từ rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn.
Khi làm tốt được những việc này, HTX sẽ khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình liên kết đầu tư kinh phí trồng rừng thâm canh gỗ lớn và bao tiêu đầu ra, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển được tiềm năng sẵn có tại địa phương.
Tùng Lâm