Hậu Giang đang có vùng NTTS tập trung 1.500 ha, phân bố đều khắp ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đây là cơ sở để các tổ hợp tác (THT), HTX liên kết cùng với DN triển khai các dự án đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về nuôi trồng và chế biến thủy hải sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
HTX là nền tảng
Nhằm chủ động trong đầu vào và đầu ra, các HTX, THT thủy sản trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi thành công theo Luật HTX 2012. Tiêu biểu như HTX Thủy sản Hưng Điền (xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp), HTX Chăn nuôi ba ba Thạnh Lợi (xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A), HTX nuôi thủy sản Đại Thắng (thị xã Ngã Bảy)…
Với vai trò đại diện tập thể, các HTX NTTS đã đứng ra giúp thành viên tiếp cận dễ dàng hơn với các chính sách hỗ trợ.
HTX Đại Thắng với 22 thành viên nuôi cá tra thương phẩm trên diện tích 8ha. Tuy chịu nhiều ảnh hưởng của thị trường và khí hậu nhưng vẫn có 18 hộ thành viên tiếp tục gắn bó với nghề. Nhờ thực hiện NTTS sạch, khoa học, HTX đã mang lại lợi nhuận trung bình 1 tỷ/năm.
Sỡ dĩ HTX hoạt động hiệu quả, chống chọi được sự biến động bất thường của giá cá, chèn ép của thương lái là do HTX làm ăn bài bản. Ngoài nguồn thu từ cá, thành viên góp vốn còn nhận được lãi cổ tức và trợ giá thức ăn, thuốc trị bệnh cho cá.
Khi tham gia vào HTX, các thành viên được tiếp cận nhiều hơn với các kỹ thuật NTTS thông qua các lớp tập huấn do Liên minh HTX tỉnh và các tổ chức đoàn thể tổ chức nên việc nuôi và chăm sóc các loại thủy sản có nhiều thuận lợi, ít dịch bệnh.
Không những xuất bán thủy sản thương phẩm, hàng năm, các HTX còn cung cấp con giống có năng suất, giá trị kinh tế cao như ba ba, cá tra, tôm… cho thị trường.
Trên nguyện vọng và nhu cầu chung, các HTX NTTS còn huy động các nguồn lực để mở đại lý thức ăn thủy sản, trước hết phục vụ cho các thành viên trong HTX và sau đó là cho các hộ nuôi trồng. Như tại HTX Đại Thắng, các hộ thành viên có thể mua cám rẻ hơn 10 - 12% thông qua dịch vụ của HTX.
Hoạt động NTTS ở Hậu Giang đã có những bước phát triển mạnh mẽ |
Phát triển bền vững
Không chỉ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong NTTS, từ việc lựa chọn, ươm giống, mật độ thả, vệ sinh ao nuôi... đến việc chủ động phòng bệnh, các thành viên trong HTX, THT còn thường xuyên được tham quan thực tế và tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật khuyến nông. Nhờ vậy, tư duy sản xuất của các thành viên đã có chuyển biến tích cực.
Điều ghi nhận là các HTX thủy sản đã chú trọng công tác VSATTP, gắn sản xuất với BVMT; thực hiện phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGAP.
HTX Chăn nuôi ba ba Thạnh Lợi thành lập năm 2009 với 11 thành viên. Tổng diện tích của HTX là 10.000 m2, trong đó, thả nuôi trên 40.000 con ba ba, 1.000 con cua đinh.
Theo kinh nghiệm của các thành viên, để nuôi ba ba và cua đinh thành công, các bể, ao nuôi phải đúng quy cách, vệ sinh môi trường thật tốt để bảo đảm trong quá trình nuôi không bị mắc dịch bệnh.
Không chỉ ghi chép đầy đủ nhật ký trong quá trình nuôi, các hộ thành viên còn không được sử dụng các chất kháng sinh phòng trị bệnh; không cho thủy sản ăn cám chăn nuôi có hoóc môn tăng trọng; không dùng chất kháng sinh và chế phẩm vi sinh ngoài danh mục được Bộ NN&PTNT cho phép.
Vì vậy, dù nuôi ba ba và đinh cua trên diện tích lớn nhưng chất lượng thủy sản vẫn được đảm bảo. HTX cũng sớm ký được hợp đồng với các đầu mối bao tiêu, giúp các thành viên trong HTX chủ động trong lựa chọn chủng loại, số lượng thủy sản nuôi ngay từ khi bắt đầu mùa vụ.
Có thể nhận thấy, với cách làm bài bản, đoàn kết và đi vào hoạt động đúng với thực chất của Luật HTX 2012, những HTX NTTS đã trực tiếp thúc đẩy hoạt động chăn nuôi thủy sản ở địa phương phát triển theo hướng hiệu quả bền vững; nhân tố cơ bản giúp nâng cao giá trị kinh tế và tăng thu nhập của người sản xuất.
Như Yến