Làng nghề bún bánh An Thái nổi tiếng với sản phẩm bún “song thằn” hay còn gọi bún "song thần" là một loại bún khô. Tên gọi xuất phát từ việc khi làm bún người thợ thường bắt dây bún từng đôi một.
Nếu như các loại bún khác được làm chủ yếu từ bột gạo thì riêng loại bún này được làm từ bột đậu xanh nên thành phẩm có màu vàng óng, hương thơm đặc biệt và giá trị dinh dưỡng cao hơn. Hiện, người dân đa dạng các sản phẩm như bún tươi, bún khô, bún làm từ đậu xanh, đậu đen, đậu tương và các loại bánh từ gạo…
Một thời ô nhiễm
Nghề làm bún truyền thống đã giúp các hộ gia đình có việc làm và thu nhập ổn định. Không ít hộ khá giả từ nghề làm bún, bánh. Theo UBND xã Nhơn Phúc, toàn xã có khoảng 200 hộ làm nghề bún bánh, tập trung chủ yếu ở thôn An Thái và Mỹ Thạnh. Tuy nhiên, do chủ yếu sản xuất theo phương pháp thủ công, chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho nên làng nghề An Thái từng rơi vào tình trạng ô nhiễm môi trường.
Làng nghề An Thái nổi tiếng với sản phẩm bún "song thằn" làm từ đậu xanh |
Mỗi ngày, hàng trăm mét khối nước thải xả trực tiếp ra vườn nhà, kênh, mương, sông… bốc mùi hôi thối nồng nặc. Vào những ngày nắng nóng, tình trạng này còn khủng khiếp hơn.
Đáng nói, nhiều hộ gia đình, cơ sở đầu tư thêm máy móc phục vụ một số công đoạn sản xuất để nâng cao năng suất. Điều này đồng nghĩa với lượng nước thải sản xuất bún, bánh tăng lên trong khi hệ thống xử lý nước thải chưa được chú trọng đầu tư xây dựng. Lượng nước thải chủ yếu được các hộ dân tự bắt ống đặt ngầm dưới đất dẫn ra môi trường mà chưa qua xử lý.
Theo UBND xã, hai năm về trước, cả làng nghề chỉ có khoảng 10% trong tổng số hơn 200 hộ làm nghề trên địa bàn đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, địa phương đã vận động các hộ chú trọng xử lý nước thải như xây dựng bể lắng, hầm biogas nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, do các phương án này cần chi phí lớn nên nhiều hộ không thể thực hiện được. Sau khi bàn bạc, giải pháp khả thi nhất được đưa ra, đó là phải di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất bún, bánh nằm trong khu dân cư vào khu vực sản xuất tập trung có hệ thống xử lý nước thải được đầu tư bài bản. Đi kèm với đó là cần có HTX, doanh nghiệp đứng ra liên kết người dân cùng nhau góp vốn sản xuất, có như vậy mới nâng cao trách nhiệm cũng như bảo đảm quyền lợi cho người làm nghề.
Đổi thay từ khi có HTX
Lý thuyết là như vậy, nhưng để thực hiện được, Chính quyền nơi đây đã phải mất rất nhiều thời gian vận động, tuyên truyền, người dân mới hiểu ra vai trò của mối liên kết sản xuất tập trung nhằm giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường. Từ đó, chủ động tập hợp nhân lực, thành lập HTX sản xuất bánh và bún thương mại thực phẩm An Thái.
Các thành viên HTX đều là những chủ cơ sở sản xuất lớn tại làng nghề, thực hiện góp vốn điều lệ 500 tỷ đồng và đăng ký hoạt động kinh doanh chính trên các lĩnh vực: sản xuất bánh tráng các loại, sản xuất bún phở tươi-khô các loại, sản xuất và chế biến các loại nem-chả, buôn bán thực phẩm...
Khi đi vào hoạt động, HTX thuê 5 ha đất cụm công nghiệp Thắng Công (nằm trên địa bàn xã) để xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc sản xuất bún-bánh bảo đảm sản lượng 300 tấn/năm. Việc này nhằm di chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi làng nghề, hạn chế tình trạng hoạt động sản xuất ảnh hưởng tới môi trường và đời sống dân cư.
Việc đầu tư sản xuất theo hướng hiện đại giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và hạn chế ô nhiễm môi trường |
Hiện, dây chuyền sản xuất bún, bánh tráng… của HTX hoạt động hoàn toàn tự động và khép kín. Người lao động chỉ hỗ trợ ở một số công đoạn. Điều thuận lợi là thành viên HTX có kinh nghiệm trong sản xuất máy móc nên hoàn toàn chủ động trong sản xuất.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, HTX đầu tư hệ thống xử lý chất thải 150 m3/ngày,đêm. Sau khi xử lý, nước thải đủ điều kiện thải ra môi trường, đảm bảo không ô nhiễm.
Theo Ban giám đốc HTX, nước thải từ quá trình sản xuất bún có nhiều tinh bột, qua quá trình phân hủy gây mùi hôi thối. Tuy nhiên, nhờ đầu tư bể xử lý chất thải kết hợp với công nghệ vi sinh, mùi hôi trong chất thải không còn, nước thải cũng có thể tái sử dụng ở những mục đích nhất định nên vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm tài nguyên.
Với quy trình sản xuất khoa học và hiện đại, đầu ra của HTX rất rộng mở. Tất cả các hoạt động sản xuất đều được chủ động vì HTX còn đầu tư thêm hệ thống máy xát gạo, xây dựng nhà hàng, nhận dịch vụ tiệc cưới. Doanh thu và lợi nhuận được đảm bảo.
Ngoài việc tạo thu nhập cho các thành viên, HTX còn tạo việc làm cho 25 lao động thường xuyên. Nhiều hộ từ làm ăn nhỏ lẻ trong làng nghề đã chuyển sang làm cho HTX, từ đó cuộc sống ổn định và phát triển hơn.
Huyền Trang