Mới đây, người trồng sầu riêng Hạ Lâm có thêm niềm vui chung khi đón nhận thông tin Sở NN&PTNT Lâm Đồng đang xây dựng hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thôn 1, thôn 2 và thôn 4 của xã.
Liên kết sản xuất “xanh”
Cụ thể, gồm 156 hộ sản xuất trên 300ha sầu riêng, đạt giá trị thu nhập bình quân từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Trong đó, chiếm 60% diện tích trồng các giống sầu riêng đạt năng suất, chất lượng vượt trội như: Mongthong, Ri6, Dona… Riêng diện tích sầu riêng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận với 101ha.
Xã Hà Lâm đã có hàng chục tỷ phú nhờ trồng sầu riêng theo hướng công nghệ cao (Ảnh: TL) |
Toàn bộ sản phẩm trái sầu riêng trong vùng thôn 1, thôn 2 và thôn 4, xã Hà Lâm này đều đạt tỷ lệ 100% áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất; sử dụng hệ thống tự động tưới phun mưa, phun thuốc phòng trừ dịch hại, không sử dụng các loại phân bón từ xác bã động vật chưa qua xử lý…
Hành trình làm giàu của xã Hà Lâm bắt đầu vào năm thành lập 1986. Phần lớn cư dân của xã là người tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) vào đây xây dựng kinh tế mới từ những năm 80 của thế kỷ trước. Tên xã là sự kết hợp giữa Hà (Hà Tây) và Lâm (Lâm Đồng). Vốn có đức tính ham làm, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất của người Hà thành, người dân Hà Lâm tích cực trồng trọt, bón chăm và đã làm cho vùng đất này trở thành một địa bàn trù phú, giàu có nhất huyện Đạ Huoai hiện nay.
Trong danh sách đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi năm 2019 xã Hà Lâm có tới 369 hội viên nông dân, nghĩa là số hộ có mức thu nhập khá, giàu chiếm gần 40% tổng số hộ trong toàn xã.
Có thể nói, việc hình thành các câu lạc bộ (CLB) đã tạo ra bước ngoặt lớn trong sản xuất sầu riêng ở Hà Lâm. Trước đó, nông dân sản xuất theo kinh nghiệm cũ nên gặp nhiều khó khăn, lúng túng, đặc biệt đối với các giống sầu riêng mới, đòi hỏi kỹ thuật khắt khe hơn. Từ khi tham gia CLB, được hướng dẫn chu đáo, tường tận kỹ thuật tưới nước, bón phân đúng cách, tỉa hoa, tỉa trái, khống chế sâu bệnh, nhất là bệnh xì mủ gây chết cây sầu riêng… đã giúp nông dân “sáng” ra. Theo đó, sản lượng và chất lượng sản phẩm nâng lên rõ rệt, thu nhập của các hộ tăng gấp 2 lần so với trước khi tham gia CLB.
Điển hình như CLB làm vườn thu nhập cao xã Hà Lâm (tiền thân là CLB thu nhập 200 triệu) được thành lập ngày 10/7/2013, với 47 hội viên tham gia. CLB có ban chủ nhiệm phụ trách chung để điều hành, duy trì sinh hoạt. Tổng diện tích cây sầu riêng, chủ yếu là giống sầu riêng ghép (Ri 6 và Monthong) chiếm 78ha/tổng số 162,4ha vườn của các hội viên CLB đang sở hữu, canh tác.
Mục đích thành lập CLB làm vườn thu nhập cao xã Hà Lâm là tập hợp những hộ gia đình có thu nhập cao từ sản xuất sầu riêng để trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật và hướng dẫn việc áp dụng công nghệ mới vào thâm canh, chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh trên cây, nâng cao năng suất, chất lượng sầu riêng và các loại cây ăn quả khác cho nông dân; hỗ trợ giữa các hộ dân cùng giúp nhau làm giàu...
Lan tỏa mô hình kinh tế hợp tác
CLB làm vườn thu nhập cao xã Hà Lâm thực sự trở thành điểm sáng trong ngành nông nghiệp của huyện Đạ Huoai và tỉnh Lâm Đồng. Để nhân rộng, phát triển mô hình, thu hút khách du lịch nhằm quảng bá thương hiệu sầu riêng địa phương, tháng 8/2016, UBND xã Hà Lâm đã thành lập thêm 2 tổ hợp tác (THT) với 51 thành viên và đến tháng 7/2017 thành lập HTX Nông nghiệp và Du lịch miệt vườn xã Hà Lâm với 17 thành viên.
Nâng cao giá trị trái sầu riêng nhờ liên kết sản xuất qua các mô hình kinh tế hợp tác (Ảnh: TL) |
HTX hiện có 25 thành viên tham gia, tự góp vốn điều lệ gần 500 triệu đồng. Đến nay, HTX đã hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc cho chế biến và tiêu thụ sản phẩm. HTX chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp thành viên áp dụng quy trình sản xuất VietGAP đối với sầu riêng - cây trồng chủ lực của địa phương.
HTX hoạt động có hiệu quả giúp thành viên áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để nâng cao thu nhập. Chỉ hơn 2 năm đầu hoạt động, có tới 11/25 thành viên đạt thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm (44%). Trong đó, nhiều hộ gia đình là thành viên có mức thu nhập rất cao: hộ ông Lê Quang Sơn (thôn 1) có 4ha sầu riêng, thu nhập 2,4 tỷ đồng/năm; hộ ông Nguyễn Thanh Nghị (thôn) thu nhập 3,7 tỷ đồng...
Trên địa bàn xã Hà Lâm còn có HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Phúc Thịnh, quy tụ hơn 10 thành viên là những hộ trồng sầu riêng diện tích lớn, chung mục tiêu trồng sầu riêng an toàn và tìm hướng tiêu thụ ổn định. Các thành viên đã được tập huấn sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm làm ra sẽ được đăng ký và dán tem truy xuất các thông tin cần thiết với khách hàng cũng như đăng ký nhãn hiệu độc quyền nhằm bảo hộ thương hiệu…
Ngoài CLB làm vườn thu nhập cao, các HTX và 2 THT hoạt động rất hiệu quả, năm 2020, tại 4 thôn của xã Hà Lâm đã thành lập mới 4 THT trồng sầu riêng và cây ăn quả, thu hút 90 hộ gia đình tham gia.
Hoạt động có hiệu quả của các mô hình CLB, HTX và THT trên địa bàn xã trong những năm qua đã tạo ra phong trào thi đua sản xuất mạnh mẽ trong nhân dân; góp phần nâng số hộ gia đình có thu nhập cao, đặc biệt số hộ tỷ phú ngày càng gia tăng, xã hiện không có hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Đức Nguyễn