Theo thống kê, toàn xã Hát Lót hiện có trên 300 ha cây ăn quả, trong đó diện tích trồng xoài chiếm trên 70%. Để nâng cao giá trị sản xuất, hầu hết các hộ trồng xoài trên địa bàn xã đã chủ động triển khai quy trình canh tác theo chuẩn VietGAP, hữu cơ, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.
Lời trăm triệu với trái xoài
Từ khi bỏ trồng ngô, trồng mía để chuyển sang trồng xoài Đài Loan trên đất dốc, điều kiện kinh tế của gia đình anh Nguyễn Bá Luân, bản Nà Cang, xã Hát Lót ngày càng khấm khá, với thu nhập bình quân trên dưới 200 triệu đồng/năm.
Trồng xoài Đài Loan mở hướng đi hiệu quả cho người dân xã Hát Lót (Ảnh TL). |
Anh Luân cho biết sau nhiều năm gắn bó với các loại cây trồng ngắn ngày, giá cả bấp bênh, thu nhập không cao, năm 2014, gia đình quyết định cải tạo hơn 1,6 ha đất đồi vườn nhà để chuyển sang trồng cây ăn quả, trong đó xoài Đài Loan là cây chủ lực (chiếm 90% diện tích).
Để cây xoài sinh trưởng tốt, trước khi trồng anh Luân đào hố với kích thước khoảng 60x60x60 cm, mỗi hố trộn 40 - 50 kg phân hữu cơ đã hoai mục và 0,5kg vôi bột, 0,5kg lân vào lớp đất mặt.
Quá trình chăm sóc xoài tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn VietGAP, nói không với hóa chất độc hại, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng”, gồm đúng loại, đúng liều, đúng cách và đúng thời gian. Ưu tiên các hợp chất vi sinh, thân thiện môi trường.
“Sản xuất VietGAP giúp vườn xoài ít bệnh, trái to, đẹp, ngọt hơn. Hiện, gia đình tôi đang có hơn 200 gốc xoài, thu hoạch đến đâu thương lái đến thu mua đến đó, giá cả ổn định. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục cải tạo thêm 1,2 ha vườn tạp để mở rộng diện tích trồng xoài”, anh Luân chia sẻ.
Không chỉ hoạt động đơn lẻ, khi hoạt động sản xuất dần đi vào ổn định, nhiều hộ trồng xoài trên địa bàn xã Hát Lót đã chủ động liên kết để thành lập các HTX, tổ hợp tác để nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận những thị trường uy tín, nâng tầm thương hiệu.
Có thể kể đến cái tên HTX nông nghiệp Thiên Tân, bản Nông Xôm, hiện có hơn 20 ha trồng xoài Đài Loan, sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, cho năng suất bình quân 15 - 20 tấn trái/ha/năm.
Đảm bảo tính bền vững
Ông Nguyễn Bá Tuân, Giám đốc HTX Thiên Tân, cho biết để nâng cao chất lượng trái xoài, các thành viên HTX đã có sự tiến bộ vượt bậc trong chăm sóc cây xoài, từ khâu làm đất, đến tỉa cành, tạo tán, bón phân, bao trái… đều đúng kỹ thuật, quy trình và thời điểm.
Với sự tham gia của các HTX, xoài Hát Lót đang ngày càng vươn xa trên thị trường (Ảnh TL). |
Hiện, HTX đang áp dụng kỹ thuật bao túi cho trái xoài, mang lại hiệu quả vượt trội về kinh tế và môi trường sinh thái. Theo đó, việc bao trái giúp các hộ trồng xoài hạn chế sự xâm nhập của sâu bệnh hại, từ đó giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo ghi nhận, bao túi đúng kỹ thuật, 1 ha xoài sẽ cho lợi nhuận cao hơn 18 – 20 triệu đồng so với phương pháp cũ. Lượng thuốc trừ sâu bệnh giảm đi 5 - 10 kg/ha góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh hoàn thiện sản xuất, các HTX trồng xoài trên địa bàn xã Hát Lót cũng tăng cường đầu tư cho khoa học, kỹ thuật, đẩy mạnh chế biến, bảo quản. Điển hình như HTX Ngọc Lan, được thành lập năm 2010, hiện có hơn 50 thành viên tham gia trồng và chăm sóc trên 60 ha xoài.
HTX đang là điểm sáng trong xuất khẩu xoài theo đường chính ngạch ở Sơn La. Để đáp ứng yêu cầu của đối tác, HTX đã đầu tư dây chuyền sơ chế, đóng gói quả trị giá hơn 800 triệu đồng, công suất 100 tấn quả/ngày, với máy cẩu, băng tải, dàn xếp quả, bồn xử lý mủ, bàn đóng gói, máy đóng hộp, hệ thống quạt gió, xe đẩy...
Nhờ có dây chuyền hiện đại nên các đơn hàng xuất khẩu xoài sang các thị trường lớn như Úc, Trung Quốc… được thực hiện một cách nhanh chóng, đáp ứng mọi yêu cầu do doanh nghiệp đưa ra.
Theo đại diện UBND xã Hát Lót, mô hình trồng xoài đang phát triển mạnh trên địa bàn toàn xã, trong đó bản Nà Cang và bản Noong Xôm trồng nhiều nhất. Cách đây khoảng 5 năm, xoài ở xã hầu hết là giống xoài địa phương, quả bé, năng suất thấp và tiêu thụ rất khó khăn.
Kể từ năm 2011, người dân trên địa bàn xã bắt đầu ghép giống xoài Đài Loan có sức sinh trưởng vượt trội so với các giống xoài khác, thời gian thu hoạch quả lại khá muộn và kéo dài nên bán được giá cao.
Mô hình ghép cải tạo giống xoài địa phương bằng giống xoài Đài Loan đã mở ra một cách làm mới, giúp người nông dân trong xã có thu nhập kinh tế cao. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ hoàn thiện sản xuất theo hướng an toàn sinh thái, siết quy hoạch diện tích, ổn định thị trường, nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm, đảm bảo tính bền vững cho mô hình.
Mỹ Chí