Ruồi lính đen là loại côn trùng có sẵn trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam, được tìm thấy ở những nơi có địa hình ẩm thấp, rậm rạp, nhiều cây. Khi trưởng thành, ruồi lính đen chỉ sống được 6 - 8 ngày. Tuy nhiên, đây lại là vật nuôi được HTX Hưng Điền lựa chọn nhằm tạo ra phân bón và thức ăn chăn nuôi và quan trọng hơn là giúp giải quyết lượng lớn rác thải.
Xuất phát từ ý tưởng bảo vệ môi trường
Từng nuôi các loại côn trùng như rắn mối và dế, nên việc chuyển sang nuôi ruồi lính đen là việc không mấy khó khăn đối với các thành viên HTX. Tuy nhiên, một nguyên nhân mà các thành viên đều ủng hộ mô hình này là vì góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường.
Các thành viên quá quen với cảnh rau, củ, quả tại các chợ phải bỏ đi làm phế thải gây ô nhiễm môi trường. Mỗi ngày, lượng rác thải từ nông sản tại các chợ quanh khu vực HTX sản xuất có thể lên đến hàng chục tấn. Đây chính là nguồn thức ăn cho ruồi lính đen, nếu tận dụng nguồn phế thải này để chăn nuôi ruồi sẽ giúp tăng thêm nguồn thu nhập.
Để đảm bảo vệ sinh trong quá trình nuôi, HTX phải đầu tư khu vực nhà lưới kín và phân chia thành các khu vực với chức năng khác nhau như khu vực nuôi ấu trùng, khu vực nuôi ruồi trưởng thành…
Ruồi lính đen trưởng thành thường sống dưới các bóng cây ngoài tự nhiên và không ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Vòng đời phát triển của ruồi lính đen khoảng 30 - 45 ngày. Ruồi trưởng thành thường có kích thước dài khoảng 10 - 15mm và hay chọn những khu vực ẩm ướt để đẻ trứng, sau đó trứng trở thành ấu trùng, phát triển thành nhộng rồi lột xác thành ruồi. Theo các thành viên, giai đoạn ấu trùng được xem là thời kỳ đóng góp tốt cho việc xử lý rác thải, bởi chúng có thể phân hủy nông sản phế phẩm để phát triển.
Khu vực nhà lưới nuôi ruồi lính đen trưởng thành. |
Trung bình 1 tấn rau, củ, quả để nuôi ấu trùng có thể cho ra 250 - 270kg nhộng ruồi lính đen. Hiện nay, ngoài tận dụng nguồn rác thải từ nông sản, HTX còn dùng nguồn phân gia súc, rác sinh hoạt để nuôi ruồi. Chỉ với 1m2 ấu trùng có thể ăn lên đến 40kg phân lợn tươi mỗi ngày. Trong vòng 1 tiếng, ấu trùng có thể xử lý 1kg rác thải sinh hoạt hữu cơ và từ 24 - 48 tiếng để xử lý 1kg phụ phẩm nông nghiệp.
Đặc tính phàm ăn đã biến ấu trùng ruồi lính đen thành một trong những “chiến binh xử lý rác thải” hiệu quả, đơn giản nhất. Bởi lẽ chúng không gây ra mùi hôi và không tăng thêm hiệu ứng nhà kính, trái lại còn có thể giảm chất thải ở một con số cao, giúp HTX tiết kiệm chi phí đầu tư.
Bên cạnh đó, ruồi lính đen là thiên địch của rất nhiều loại côn trùng có hại, trong đó có ruồi nhà. Nuôi ruồi lính đen sẽ làm hạn chế sự có mặt của các côn trùng có hại xung quanh môi trường sống, khu vực sản xuất, từ đó đảm bảo sức khỏe cho con người cũng như cải thiện chất lượng môi trường xung quanh.
Hiệu quả kinh tế
Nhờ nắm vững được vòng đời của ruồi lính đen cũng như các kỹ thuật để nuôi ấu trùng, HTX có thể cung cấp cho khách hàng số lượng ruồi theo đúng yêu cầu. Mỗi ngày, HTX có thể sản xuất hàng tấn ấu trùng làm nguồn thức ăn bổ dưỡng cho chim yến, thủy sản, gia súc, gia cầm với giá bán 20.000 đồng/kg. Riêng sản phẩm trứng ruồi lính đen bán với giá khá cao, khoảng 12 - 15 triệu đồng/kg.
Nhiều đơn vị và cá nhân đã đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm nuôi ruồi lính đen tại HTX Hưng Điền (Ảnh:TL) |
Không chỉ cung cấp sản phẩm ở thị trường trong nước, HTX còn phân phối giống, mua bán ruồi lính đen thương phẩm cho nhiều thị trường trong nước và ngoài nước. Các thành viên cũng tận dụng nguồn ấu trùng để phục vụ chăn nuôi với mục đích có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng, gia tăng hiệu quả kinh tế.
Từ ngày theo đuổi mô hình kinh tế với loài ruồi này, kinh tế các hộ thành viên được nâng cao và hỗ trợ cho khoảng 20 lao động không có việc làm tại địa phương và các tỉnh, thành trong nước.
Ngày càng có nhiều cơ sở kinh doanh, nhiều người tìm đến học hỏi “bí quyết” chăn nuôi loại côn trùng “tiền tỷ” của HTX. Ngoài ra, các công ty, nhà máy chế biến, nhà máy xử lý chất thải phế phẩm nước ngoài cũng đang kết nối, hợp tác để tiêu thụ chất thải thực phẩm dư thừa.
Với những lợi ích của ruồi lính đen, các thành viên tin chắc người nuôi sẽ thu được nhiều lợi ích từ chúng, từ đó sẽ cải thiện được kinh tế và môi trường.
Huyền Trang