Tam Đảo có khoảng hơn 80 nghìn dân, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50%. Để đẩy mạnh công tác giảm nghèo, những năm gần đây, huyện tích cực triển khai nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ để hỗ trợ người dân, nhất là ở khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế. Một trong những giải pháp mang lại hiệu qủa tích cực đó là phát triển các đặc sản địa phương thông qua các mô hình liên kết.
Đất giàu nhờ trồng na dai
HTX nông nghiệp dịch vụ và thương mại Tam Đảo, đóng trên địa bàn xã Bồ Lý đã trở thành “bà đỡ” mát tay khi đứng ra khuyến khích và hỗ trợ người dân phát triển trồng na dai có kế hoạch, quy trình.
Theo Ban giám đốc HTX, na dai Bồ Lý vốn có chất lượng, phù hợp với điều kiện tự nhiên nhưng chưa có thương hiệu nên thu nhập của người trồng loại cây này không cao. Chính vì vậy, HTX vận động người dân sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP. Ngoài việc cải tạo những gốc cây cũ, các thành viên còn trồng thêm cây mới để mở rộng diện tích và nâng cao giá trị sản phẩm. Cây na trồng mới đến năm thứ 2 là cho bói quả và đến năm thứ 3 là cho thu hoạch đồng loạt.
Để giúp đỡ thành viên, HTX đảm nhiệm các khâu kỹ thuật, đầu ra, quảng bá sản phẩm, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, HTX còn chú trọng xây dựng và đăng ký nhãn hiệu tập thể. Đến nay, sản phẩm xuất ra thị trường đều có tem nhãn truy xuất nguồn gốc và được kiểm soát quy trình.
HTX đang tích cực nâng cao chất lượng quả na để giúp người dân nâng cao đời sống. |
Từ khi quả na dai được công nhận nhãn hiệu tập thể, giá trị kinh tế na dai Bồ Lý được nâng cao, thị trường được mở rộng. Hiện, na không chỉ cung cấp cho các thương lái trong tỉnh mà còn được tiêu thụ trong các hệ thống cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn của các tỉnh, thành phố lân cận như Phú Thọ, Hà Nội.
Đến nay, HTX Tam Đảo đã thu hút được 18 thành viên, sản xuất trên diện tích 8 ha. Từ khi tham gia HTX, đời sống thành viên được nâng cao. Anh Nguyễn Văn Dũng, thành viên HTX, cho biết gia đình anh đang trồng 600 gốc na. Ngoài được hỗ trợ kỹ thuật và tem nhãn, vào mùa thu hoạch, sản phẩm đều được HTX thu mua với giá na loại 1 là 45-55 nghìn đồng/kg, na loại 2 là 30-40 nghìn đồng/kg. Trung bình mỗi vụ, gia đình anh lãi 120-140 triệu đồng từ trồng na.
Hiện, HTX đã đưa sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện. Để đạt được chuẩn OCOP, HTX Tam Đảo đang khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích phù hợp đi đôi với nâng cao chất lượng. Vì theo Ban giám đốc HTX, việc xây dựng thương hiệu cho na dai Bồ Lý chỉ là kết quả bước đầu, thời gian tới, HTX tiếp tục khuyến khích bà con tham gia HTX và sản xuất theo quy trình VietGAP, mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng và đặc biệt là có thể giúp người dân làm giàu từ cây na.
Theo UBND xã Bồ Lý, đến năm 2020, toàn xã thu hút được 300 hộ trồng na trên diện tích120ha. Việc phát triển cây na theo hướng hàng hóa là bước đi đột phá trong phát triển kinh tế, giúp đời sống của người dân được nâng lên. Nhờ trồng na, không ít hộ đã giảm nghèo thành công, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu chính đáng.
Nâng cao đời sống, tích cực giảm nghèo
Phát triển trồng na dai ở Bồ Lý chỉ là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả tiêu biểu ở huyện Tam Đảo. Bên cạnh đó, các xã trên địa bàn huyện đều chú trọng thành lập các mô hình HTX để giúp người phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.
Tiêu biểu như HTX nấm Tam Đảo (xã Hợp Châu), HTX chăn nuôi Tam Đảo (xã Yên Dương), HTX Phú Thịnh (xã Đạo Trù)… Các mô hình này góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Tam Đảo giảm đều, trung bình từ 1-2%/năm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 2,95%, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
HTX nấm Tam Đảo là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu của huyện. |
Có được kết quả trên là do huyện tích cực tuyên truyền, khuyến khích và nhân rộng gương điển hình trong sản xuất kinh doanh giỏi, các mô hình kinh tế giảm nghèo hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức năng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ giảm nghèo ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý và tăng cường huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...
Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế đi đôi với đào tạo nghề, trung bình mỗi năm, huyện giải quyết việc làm mới cho hơn 3.000 lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động, giải ngân gần 2.000 tỷ đồng giúp nhân dân các địa phương phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa ở xã Bồ Lý, nuôi gà ở xã Tam Quan, nuôi lợn ở xã Minh Quang…
Phát huy các kết quả đạt được, hết năm 2020, huyện Tam Đảo phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện đang tập trung vào hỗ trợ người dân phát triển sản xuất đi đôi với phát triển các HTX theo chuỗi giá trị bền vững.
Cùng với đó là gắn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để vừa giảm nghèo vừa phát triển kinh tế xã hội về mọi mặt.
Huyền Trang