Huyện Chợ Mới là địa phương cửa ngõ phía Nam của tỉnh Bắc Kạn, nằm trên tuyến Quốc lộ 3 nối liền Thủ đô Hà Nội với các tỉnh tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, huyện có lợi thế về giao lưu, buôn bán. Kết hợp với đặc điểm khu vực nhiều vùng đất đai rộng lớn, huyện đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa để nâng cao kinh tế.
Tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa
Nhờ quy hoạch theo vùng và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở phù hợp với địa bàn và hoạt động canh tác của người dân, đến nay, Chợ Mới đã chuyển đổi được rất nhiều diện tích sản xuất tập trung, trồng các loại cây có giá trị cao thay vì lúa, ngô nương như trước.
Theo thống kê, toàn huyện hiện có 380ha cây mơ, hơn 600ha trồng chè, 300ha cây ăn quả các loại, 300ha cây chuối tây, 800ha trồng hồi. Bên cạnh đó, để tận dụng lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, huyện còn liên kết đưa vào sản xuất thêm một số cây trồng ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế cao như ớt chỉ thiên, khoai tây, dưa chuột Nhật Bản, giúp cho người dân nâng cao thu nhập. Năm 2023, toàn huyện trồng 15ha cây ớt chỉ thiên, tập trung tại các xã Cao Kỳ, Như Cố, Thanh Thịnh, Nông Hạ và thị trấn Đồng Tâm.
![]() |
Cây mơ vàng góp phần phát triển kinh tế xã Cao Kỳ. |
Ông Đồng Phúc Toản, Chủ tịch UBND xã Cao Kỳ cho biết: “Để giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, địa phương đang tập trung ưu tiên phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao như mơ, ớt, khoai tây, mía theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết tiêu thụ”.
Trong đó, cây mơ vàng được đánh giá rất phù hợp, đem lại sự chuyển đổi tích cực về kinh tế của xã. Theo ông Hà Quảng Đường, ở thôn Nà Nguộc, xã Cao Kỳ, gia đình hiện có 5ha mơ, mỗi héc ta trồng khoảng 250 cây mơ, trung bình mỗi cây thu được 80kg/vụ, những cây lớn có thể thu về cả tạ. “Quả mơ bán được giá, trung bình cũng từ 8.000-10.000 đồng/kg, kỷ lục nhất có vụ bán được 13.000 đồng/kg. Thu nhập một năm của gia đình có thể được hơn 800 triệu đồng, trừ chi phí thuê hái, chăm sóc cũng lãi hơn nửa tỷ đồng”, ông Đường nói.
Theo ông Toản, nhờ chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao mà đời sống của người dân xã Cao Kỳ từng bước được nâng lên, thoát khỏi đói nghèo. Năm 2022, thu nhập bình quân toàn xã đạt 38,3 triệu đồng/người/năm, năm 2023 phấn đấu đạt 40 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh các loại cây ăn quả, hoạt động trồng cây hồi tại địa phương cũng đem về lợi ích kinh tế khá đáng kể. UBND huyện cho biết hiện Chợ Mới có vùng trồng hồi tập trung tại 3 xã phía đông là Yên Hân, Yên Cư, Bình Văn. Trong 800ha trồng thì đã có 639ha đã cho thu hoạch với năng suất trung bình 30 tạ/ha, đem lại giá trị trung bình khoảng 300 triệu đồng/ha, mỗi năm trong điều kiện thuận lợi, người dân có thể thu về tới 30 tỷ đồng từ cây hồi.
Anh Ma Văn Tình, người dân thôn Phiêng Dường, xã Yên Cư cho biết, gia đình có khoảng 200 cây hồi đang cho thu quả. Mỗi vụ, gia đình anh thu được hơn 1 tấn hoa hồi, với giá bán hồi tươi khoảng 30.000 đồng/kg thu về khoảng 30 triệu đồng/vụ.
Theo anh Tình, việc trồng hồi giúp đem lại cho gia đình anh thu nhập rất ổn định vì sản phẩm thu hoạch được có giá trị cao mà cây dễ trồng và dễ chăm sóc, hầu như không bị mất mùa, giá cả thị trường tương đối ổn định, việc thu hái thuận lợi.
Xác định hồi là một trong những cây chủ lực, mang lại kinh tế cao, huyện đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng trọt, chỉ đạo mở rộng thêm diện tích mới trên cơ sở diện tích hiện có. Cho đến nay, tổng diện tích trồng hồi của huyện đã đạt 804ha, trong đó trồng mới được 102ha cây hồi phân tán.
Đối với đầu ra, huyện cũng tích cực đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm đầu ra, bao tiêu sản phẩm ổn định cho người dân; đầu tư xây dựng 1 nhà máy chế biến tinh dầu hồi tại địa phương để nâng cao giá trị. Hiện nay, một sản phẩm của Tổ hợp tác Ngàn Hương, xã Bình Văn là hồi sấy khô đã đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Liên kết cùng HTX phát triển sản phẩm OCOP
Cùng với chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang hướng hàng hóa, huyện Chợ Mới cũng chú trọng thành lập, liên kết với các HTX để phát triển sản xuất tập trung, tiêu thụ sản phẩm. Hiện, trên địa bàn huyện có 69 HTX, trong đó có 55 HTX nông nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi.
Sau một thời gian hoạt động, tiếp cận với những chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh và của Chính phủ, nhiều HTX đã đạt được thành công. Các HTX liên kết người dân sản xuất và thực hiện kết nối bao tiêu sản phẩm, từ đó mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, nhiều sản phẩm do các HTX sản xuất, chế biến được chứng nhận OCOP giúp tiêu thụ tốt hơn và nâng cao thu nhập cho bà con.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết: “Huyện đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Chủ trương không chạy đua theo số lượng, mà tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng bền vững, đến nay huyện đã 22 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh”.
Những sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện có thể kể đến Bún khô của HTX 20/10 xã Nông Hạ; Trà Như Cố và Trà mướp đắng rừng của HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố; Trà Shan tuyết của HTX Chè Shan tuyết Bản Cháo, xã Yên Cư; Mật ong rừng nguyên chất của HTX Thành Đạt, xã Nông Hạ… Các sản phẩm đều đạt chất lượng tốt, hình thức, mẫu mã đẹp, bán được giá và có sức cạnh tranh cao. Nhiều sản phẩm đã được đưa đi các tỉnh khác để giới thiệu và bày bán, trở thành thương hiệu tiêu biểu đại diện cho nông đặc sản Bắc Kạn.
![]() |
Các HTX sản xuất, chế biến, thương mại theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP giúp người dân xoá đói, giảm nghèo. |
Mỗi sản phẩm OCOP đều gắn với chuỗi sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người dân, tạo vùng trồng nguyên liệu, phát triển kinh tế tập thể và liên kết chế biến thành sản phẩm hàng hóa. Trong thời gian tới, ông Hùng cho biết huyện Chợ Mới tiếp tục xác định Chương trình OCOP là giải pháp trọng tâm để thúc đẩy kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.
Địa phương sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ, đầu tư nâng cao năng lực của các HTX sản xuất, chế biến, thương mại theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng ưu tiên các sản phẩm có lợi thế địa phương nhằm phát huy bản sắc vùng miền, nâng cao giá trị thương hiệu nông sản Bắc Kạn bền vững gắn với xây dựng, phát triển kinh tế địa phương.
Kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực
Từ áp dụng kết hợp những giải pháp linh hoạt, hiệu quả, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Chợ Mới đã đạt những kết quả rõ rệt. Với sản xuất nông nghiệp là chủ đạo, huyện đã chuyển dịch thành công cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chuyển đổi thành công nhiều diện tích đất 1 vụ năng suất thấp sang trồng các loại cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Đồng thời, hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng như vùng chuyên canh cây cam, quýt, chè; cây mơ, quế, hồi,... với mô hình cánh đồng 70 triệu đồng/ha, trên 100 triệu đồng/ha.
Tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện năm 2021 là 21,32%, đến hết năm 2022 đã giảm 3,15% chỉ còn 18,97%. Thu nhập bình quân đầu người của huyện từ mức 22,53 triệu đồng/người/năm vào năm 2017, đến năm 2022 đạt 38,7 triệu đồng/người/ năm, đến năm 2023 đạt 40 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, huyện đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Vũ Hùng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Chợ Mới thông tin, năm 2022, huyện đã tạo việc làm mới cho 945 người, đạt 145,4% kế hoạch. Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện tạo việc làm mới cho 567 người, đạt 75,6% kế hoạch.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Chợ Mới vẫn xây dựng kế hoạch phát triển cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, kết hợp với phát triển các ngành công nghiệp - dịch vụ, chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế theo chỉ thị của các Bộ, ngành tỉnh Bắc Kạn.
Theo Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Hoàng Nguyễn Việt, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020 - 2025 đạt 7,32%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 45 triệu đồng/người/năm và đạt trên 90 triệu đồng/người/năm vào năm 2030; thu ngân sách đạt 20 tỷ đồng năm 2025 và đạt trên 25 tỷ đồng vào năm 2030.
Bích Tâm