Phú Lý là xã thuần nông, người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Những năm qua, người dân ở đây luôn cần cù, chịu khó, tích cực sáng tạo trong lao động sản xuất nông nghiệp nên đời sống ngày càng nâng lên, đẩy lùi cái nghèo.
“Điểm sáng” ở Phú Lý
Đặc biệt, việc áp dụng trồng trọt hữu cơ đã giúp đảm bảo đầu ra thuận lợi cho các sản phẩm tại xã Phú Lý. Các HTX trên địa bàn xã được chính quyền huyện Vĩnh Cửu tạo mọi điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
![]() |
Tham gia vào HTX giúp đời sống nông dân trồng xoài ở xã Phú Lý ngày càng khá giả. |
Sức sống mới của xã Phú Lý cũng nhờ bàn tay lao động của người dân. Thời trước, người dân và đồng bào dân tộc Chơro nơi đây mưu sinh chủ yếu bằng nghề rừng, cuộc sống du canh du cư rất bấp bênh, nghèo khó. Sau này, bà con cải tạo đất để trồng điều nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao.
Còn trong những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước và tham gia vào các HTX nông nghiệp trong xã đã giúp cho bà con chuyển đổi diện tích điều kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng các loại cây chủ lực như xoài và các loại trái cây có múi như: quýt, cam, bưởi… Nhờ đó, đời sống của bà con ngày càng được nâng lên.
Ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Cửu đã hỗ trợ cho 2 HTX trong xã Phú Lý để đăng ký chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa nông sản. Đó là HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại du lịch xoài Phú Lý với nhãn hiệu hàng hóa trên sản phẩm trái xoài Phú Lý và HTX Nông nghiệp Lý Lịch với nhãn hiệu hàng hóa xoài Lý Lịch.
Những năm qua, các HTX trong xã Phú Lý đã dần chuyển đổi sang hướng hữu cơ nên không còn tình trạng cả khu vườn nồng nặc mùi thuốc sâu. Thay vào đó là những khu vườn bên dưới cỏ mọc xanh tốt, trên cây trái vẫn sum suê, không gian trong lành rất dễ chịu.
Điển hình như HTX Thương mại dịch vụ Bình Minh chuyên trồng 3 loại cây ăn trái có múi theo hướng hữu cơ là cam sành, bưởi da xanh, quýt đường với tổng diện tích khoảng 50ha.
Theo anh Hà Thắng, Giám đốc HTX, với vốn đầu tư không quá cao, nhà vườn có thể thu hoạch khoảng 50-60 tấn/ha, có những năm trúng mùa thì sản lượng thu được 80 tấn/ha. Sản phẩm được HTX nhập cho các thương lái, các cửa hàng, đại lý kinh doanh sản phẩm hữu cơ. Ngoài tiêu thụ trong nước, HTX cũng đang tích cực để tìm hướng xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
“Ngày xưa có mơ cũng không dám nghĩ tới”
HTX Bình Minh cũng đang nỗ lực khuyến khích các thành viên áp dụng các giải pháp sản xuất theo hướng hữu cơ. Làm trái cây sạch chuyển từ phân hóa học sang dùng nhiều phân hữu cơ, sử dụng thuốc sinh học, cây sẽ sung sức hơn, tuổi thọ tăng lên, năng suất cao và dịch bệnh cũng giảm nên chi phí đầu vào thấp hơn 20-30%, giá thành giảm xuống.
![]() |
HTX Thương mại dịch vụ Bình Minh chuyên trồng các loại cây ăn trái có múi theo hướng hữu cơ. |
Theo anh Hà Thắng, vùng chuyên canh cây có múi của HTX canh tác theo hướng hữu cơ, chủ yếu dùng phân chuồng bón cho cây, phòng trừ dịch bệnh bằng thuốc bảo vệ thực vật từ thảo mộc. Nhờ làm theo hướng an toàn, vườn cây khỏe, chất lượng trái ngon, an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người trồng. Các thành viên của HTX đều tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, cùng chung tay xây dựng thương hiệu trái cây sạch để có đầu ra bền vững hơn.
"Nhờ bám sát chủ trương của xã để “mần ăn” đúng hướng nên vài năm trở lại đây, doanh thu các thành viên HTX đều tăng từ 35-40%. Ngày xưa có mơ cũng không dám nghĩ tới, mà nay có những hộ thu nhập cả tỷ đồng", anh Thắng chia sẻ.
Với nỗ lực phát triển các HTX theo hướng bền vững như vậy đã góp phần giúp cho xã Phú Lý không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá, hộ giàu ngày càng tăng. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người ở xã năm 2023 đạt 88 triệu đồng/năm, tăng trên 24 triệu đồng so với năm 2019.
Một thành viên của HTX là ông Phạm Công Mạnh ở ấp Lý Lịch 1 (xã Phú Lý) với 6ha đất đang canh tác cây có múi theo hướng hữu cơ. Nhờ sản xuất giỏi, ông Mạnh là hộ dân tộc Chơro ở ấp này thuộc diện khá giả. Hoặc như bản thân anh Hà Thắng với vườn quýt canh tác hữu cơ cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/ha, cũng là một hộ khá giả ở ấp Lý Lịch 2 (xã Phú Lý).
Hoặc như ấp Bàu Phụng trước kia vốn là ấp nghèo, khó khăn nhất nhì xã Phú Lý, với hơn 700 hộ dân, đa phần có nguyên quán đến từ các tỉnh phía Bắc. Qua chính sách định hướng chuyển đổi cây trồng, khuyến khích nông dân tham gia vào HTX, đã giúp cho ấp này trở thành ấp giàu, phong trào mạnh của xã. Khi kinh tế khá lên, người dân trong ấp Bàu Phụng càng có điều kiện để chung sức cùng ấp, xã giúp nhau giảm nghèo, làm giàu cho bà con địa phương.
Cùng với các HTX ở xã Phú Lý, số lượng HTX ở huyện Vĩnh Cửu không ngừng tăng lên, quy mô HTX ngày càng lớn, lĩnh vực hoạt động ngày càng rộng, hiệu quả ngày càng cao và đã đáp ứng nhu cầu của các thành viên HTX.
Hiện nay, toàn huyện Vĩnh Cửu có 38 HTX, trong đó có 16 HTX trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, 4 HTX lĩnh vực thương mại dịch vụ... Ngoài ra, huyện còn có 72 tổ hợp tác với 2.846 thành viên.
Thúc đẩy các HTX vào chuỗi giá trị
Tính đến nay trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu đã có 5 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Huyện đang tiếp tục triển khai đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho một số loại cây trồng khác trên địa bàn, tạo thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của người nông dân.
![]() |
Huyện Vĩnh Cửu đang khuyến khích các nông dân tham gia vào các HTX để thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. |
Chẳng hạn như việc triển khai đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trên cây có múi của HTX Thương mại dịch vụ Bình Minh và trên trái bưởi da xanh của huyện Vĩnh Cửu, trong đó nòng cốt là HTX Dịch vụ - Nông nghiệp Bình Lợi.
Trong năm 2023, huyện Vĩnh Cửu đã thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ thành lập mới HTX, tổ hợp tác và hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác xúc tiến thương mại quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Đơn cử như tổ chức cho các HTX tham gia Hội chợ thương mại quảng bá sản phẩm trái bưởi, rượu bưởi của HTX Tân Triều; Xoài của HTX Xoài Phú Lý; Nhung Hươu Nai của HTX chăn nuôi Hươu, Nai Hiếu Liêm…
Ngoài ra, huyện Vĩnh Cửu còn tổ chức cho các HTX, tổ hợp tác trồng xoài, bưởi, cam, quýt, rau, tham gia các hội nghị về tiêu thụ nông sản vào Chợ đầu mối Nông sản Thực phẩm Dầu Giây. Huyện còn mời các doanh nghiệp về khảo sát các vùng chuyên canh cây chủ lực của huyện (xoài, bưởi, cam, quýt) để thực hiện liên kết với HTX tiêu thụ sản phẩm…
Với việc chú trọng phát triển kinh tế như vậy, huyện Vĩnh Cửu được đánh giá là một trong những địa phương phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế góp phần giảm nghèo bền vững tại tỉnh Đồng Nai. Nhờ đó mà huyện hoàn thành mục tiêu về số xã không còn hộ nghèo trước 2 năm.
Để góp phần giúp cho người dân thoát nghèo bền vững, có cuộc sống giàu có, huyện Vĩnh Cửu đã đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 100 tổ hợp tác với khoảng 1.000 thành viên và 50 HTX với khoảng 700 thành viên. Đặc biệt, bảo đảm trên 70% tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn huyện đạt loại tốt, khá, trong đó 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị.
Huyện Vĩnh Cửu cũng sẽ đẩy mạnh phát triển các HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mặt khác, huyện sẽ phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Thanh Loan