Tại hội thảo “Phát triển HTX theo Luật HTX 2012: Khó khăn, vướng mắc và giải pháp” tổ chức sáng 29/11 tại Hà Nội, các đại biểu tham dự đến từ Liên minh HTX các tỉnh cho rằng Luật HTX 2012 gần như chỉ dành cho lĩnh vực nông nghiệp, do vậy cần phải sửa đổi. Nếu không sửa đổi Luật, các HTX sẽ gặp khó khăn, loay hoay giải quyết đến mấy cũng không được.
Phát triển chậm và khó
Quá trình thực hiện Luật HTX 2012 dù đã giải quyết được một số bất cập, song phải nhìn nhận thẳng thắn rằng còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Việc xác định HTX, Liên hiệp HTX là tổ chức kinh tế tập thể (KTTT) dễ làm cho người dân nghĩ đó là mô hình “cha chung không ai khóc”.
Hoặc, theo quy định phải có ít nhất 4 HTX mới thành lập 1 Liên hiệp HTX, điều này làm khó cho doanh nghiệp (DN) muốn tham gia liên hiệp để tổ chức hợp tác liên kết theo chuỗi.
Tỷ lệ góp vốn tối thiểu một thành viên không vượt quá 20%/tổng vốn điều lệ của HTX, khó cho HTX huy động thêm vốn của thành viên, trong khi HTX không có thế chấp để vay ngân hàng…
Đánh giá về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật HTX 2012, ông Lê Thanh Long - Phó Trưởng Ban Chính sách và Phát triển HTX, Liên minh HTX Việt Nam, cho rằng về luật, cơ chế chính sách; từ tổ chức thực hiện cho đến quản lý nhà nước và bản thân nội tại các HTX đang tồn tại nhiều vấn đề. Đặc biệt, nhận thức của không ít cán bộ, lao động và thành viên HTX, Liên hiệp HTX về Luật HTX 2012 chưa thống nhất.
Việc đăng ký lại và tổ chức sản xuất kinh doanh còn chậm và không triệt để, lúng túng trong định hướng hoạt động và đầu tư phát triển sản xuất.
Sau chuyển đổi, nhiều HTX hoạt động mang tính hình thức, gặp khó khăn trong công tác thống kê, đánh giá vốn, quỹ và xử lý công nợ đọng của HTX, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.
Nguyên nhân hàng đầu của những vướng mắc tồn tại trong phát triển HTX theo Luật HTX 2012 được cho là do Luật chưa được “thông thoáng”, còn nhiều rào cản, thiếu thực tiễn với điều kiện cụ thể ở Việt Nam hiện tại. Bên cạnh đó, nhiều nơi còn xem nhẹ, chưa nhận thức đầy đủ về bản chất, vai trò, vị trí, tính tất yếu khách quan của kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
Các cấp, các ngành, địa phương chưa chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo hỗ trợ tuyên truyền, tạo điều kiện cho HTX phát triển. Đội ngũ cán bộ quản lý HTX phần lớn chưa qua đào tạo; trình độ, năng lực điều hành, tổ chức sản xuất còn nhiều hạn chế đã khiến cho quá trình phát triển HTX đã chậm lại gặp khó.
Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại Hội thảo |
Kinh nghiệm từ các HTX
Tham dự và phát biểu ý kiến tại hội thảo, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của chúng ta là phải phân tích sâu sắc, đầy đủ, toàn diện, chính xác bức tranh hiện tại của HTX, đặc biệt là tác động của Luật HTX đối với việc hình thành và phát triển HTX. Thông qua đó, có những giải pháp, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành sửa đổi, bổ sung Luật theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX phát triển”.
Theo bà Lưu Thị Chỉ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Bình, từ khi Luật HTX 2012 ra đời, các quy định trong Luật hầu như chỉ chuyên về nông nghiệp. Nói đến HTX nông nghiệp, người ta chỉ nghĩ đến hai từ “dịch vụ” với nghĩa là phục vụ là chính.
Bà Chỉ nêu ra quan điểm nếu như chuyên ngành môi trường, chăn nuôi không có quy định cụ thể thì rất khó “chơi”. Khó ở khía cạnh đối với hộ thành viên, góp vốn không khó nhưng sử dụng lại khó và HTX nông nghiệp thì sử dụng dịch vụ không khó nhưng sản xuất, kinh doanh góp vốn lại cực kì khó. Cung ứng dịch vụ do HTX tự nghĩ theo tiêu chí phù hợp với điều kiện của mình nhưng lại quy định phải theo Luật là không hợp lý. Đã gọi là Luật thì phải bao quát.
Dẫn chứng cho quan điểm nêu trên, bà Chỉ cho biết: Ở Thái Bình, HTX điện năng đang hoạt động hiệu quả nhưng trong Luật không quy định danh mục cụ thể cho lĩnh vực điện năng, dẫn đến việc chỉ tập trung các nguồn lực vào HTX nông nghiệp, không tạo ra cơ chế thông thoáng cho lĩnh vực khác phát triển, thậm chí kìm hãm, dẫn đến hoạt động đi xuống.
Trong xu hướng phát triển hiện nay, mục đích chính của HTX là không chỉ mang lại lợi ích cho thành viên mà phải hướng tới sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, sản xuất tập trung mới phát triển được, cho nên, các HTX đề xuất phải thay đổi nhận thức về tư duy.
Kinh nghiệm của HTX Dương Liễu (Hà Nội) là xác định rõ và gắn kết vai trò quản lý, điều hành trong HTX; chú trọng đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực; ban hành các văn bản để quản lý và tổ chức tốt công tác tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên theo nguyên tắc: Tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và bình đẳng dân chủ trong quản lý HTX.
Hà Xuyên