Để thúc đẩy kinh tế hợp tác (KTHT), HTX phát triển mạnh hơn, UBND Tp.Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát KTHT, HTX, để nâng cao năng lực, hiệu quả của khu vực KTHT.
Theo số liệu thống kê của Liên minh HTX Tp.Hà Nội, toàn thành phố hiện có gần 2.000 HTX, 2 Liên hiệp HTX, hơn 200 tổ hợp tác (THT) hoạt động theo Nghị định 151/2007/NÐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của THT.
67% số HTX hoạt động có lãi
Kể từ khi Luật HTX 2012 đi vào thực tiễn, khu vực KTHT, HTX Hà Nội đã có những bước phát triển tích cực, xuất hiện các mô hình HTX điển hình tiên tiến gắn với chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, gắn kết nông dân với các doanh nghiệp, HTX đã được triển khai và tạo ra được những quan hệ sản xuất mới.
Thống kê vào thời điểm năm 2017 cho thấy trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh thu bình quân của các HTX trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 990 triệu đồng/ năm, số HTX hoạt động có lãi chiếm 67%, số HTX hòa vốn là 18%. Số HTX hoạt động thua lỗ chỉ chiếm khoảng 15%. Lợi nhuận bình quân các HTX ở Hà Nội thu được đạt khoảng 75 triệu đồng/HTX/năm, nhiều HTX đã có lãi 100 - 300 triệu đồng/ năm, vốn quỹ được bổ sung, phân phối lãi cho xã viên ngày càng tăng.
Ngoài ra, các HTX nông nghiệp còn góp phần tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới, phân vùng sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Một số HTX đã thực hiện liên kết với các công ty giống cây trồng cung cấp các loại giống mới, chất lượng, năng suất cao, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt khoảng 220 triệu đồng/ ha/năm.
Tuy nhiên, phát triển KTHT còn yếu kém do quy mô nhỏ, hiệu quả kinh doanh thấp, trình độ năng lực của cán bộ quản lý HTX chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu năng động trong tổ chức điều hành sản xuất - kinh doanh.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Tp.Hà Nội - ông Nguyễn Trung Thành, cho biết hiện các chính sách hỗ trợ phát triển HTX chưa đồng bộ, chưa sát với thực tiễn về ưu đãi đầu tư, miễn giảm thuế, thủ tục đất đai... Công tác quản lý tài chính, hạch toán kế toán của HTX hạn chế, ghi chép sổ sách, chứng từ chưa đúng quy định, dẫn đến bất cập trong thực hiện chính sách thuế và tổ chức lại theo Luật HTX 2012.
Ngoài ra, bộ máy quản lý nhà nước về HTX chậm được củng cố; cán bộ quản lý, theo dõi KTHT, HTX ở các sở, ngành, quận, huyện phần lớn đều kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và chưa được đào tạo bồi dưỡng kiến thức cơ bản về HTX...
Chủ tịch Liên minh HTX Tp.Hà Nội Lê Văn Thư tham quan một gian hàng của HTX |
Kiện toàn Ban Chỉ đạo HTX
Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTHT, HTX trên địa bàn trong thời gian tới, UBND Tp.Hà Nội đã ban hành Quyết định 6332/QĐ-UBND kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTHT, HTX (BCĐ).
BCĐ do Sở KH&ĐT làm cơ quan thường trực, sẽ giúp UBND thành phố chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển KTHT, HTX đã được phê duyệt; hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trong việc triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển KTHT, HTX của Trung ương và thành phố; kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng trong quá trình thực hiện các chương trình đổi mới, phát triển KTHT, HTX.
Song song đó, để hỗ trợ KTHT, HTX phát triển, thành phố Hà Nội đã bố trí vốn khoảng 130 tỷ đồng cho Quỹ Phát triển HTX phân bổ cho các HTX. Các sở, ngành chức năng của Hà Nội cũng đã phối hợp với Liên minh HTX thành phố thành lập các tổ công tác xuống tận các địa bàn nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho KTHT, HTX phát triển ngay từ cấp cơ sở.
Theo Kế hoạch phát triển KTHT năm 2019 vừa được UBND Tp.Hà Nội ban hành, thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực HTX đạt 6,5 - 7%/năm. Các HTX công nghiệp - TTCN, giá trị sản xuất tăng 10 - 20%/năm; HTX nông nghiệp tăng 2 - 3%/ năm; mỗi năm phát triển, thành lập mới 20 - 30 HTX; dự kiến năm 2019, toàn thành phố có 1.772 HTX với tổng doanh thu hơn 4,9 tỷ đồng/HTX/năm; khuyến khích hỗ trợ các HTX mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Ngoài ra, Hà Nội đang tiếp tục tập trung các nguồn lực xây dựng các HTX điển hình tiên tiến, lấy HTX làm trung tâm cho các chương trình nông nghiệp trọng điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển chuỗi HTX nông sản an toàn, cơ giới hóa nông nghiệp…
Hồng Nhung