Chị Hường bên ao nuôi cá của HTX (Ảnh: Tư liệu) |
Chú trọng môi trường sinh thái
Chị Nguyễn Thị Hường – Chủ tịch HĐQT HTX Phú Trên, cho biết HTX có tiền thân là một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay thu hút trên 10 thành viên với số vốn huy động trên 100 triệu đồng phục vụ chăn nuôi nông thủy sản.
Hiện, HTX Phú Trên đang canh tác trên tổng diện tích hơn 7 mẫu đất vườn. Bên cạnh các mô hình chăn nuôi cá, tôm, ba ba, thành viên HTX còn kết hợp trồng rau VietGAP các loại như bí đao, bắp cải, rau muống…
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ngay từ khi bắt tay liên kết, các thành viên HTX đã đổi mới tư duy, chủ động ứng dụng khoa học – kỹ thuật, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái.
“Nhằm thoát khỏi tình trạng được mùa mất giá, sản xuất khoa học là điều bắt buộc, vì vậy HTX đã cử cán bộ đi tập huấn, cập nhật các kỹ thuật chăn nuôi mới nhất, đồng thời sử dụng các loại thức ăn chăn nuôi an toàn, phù hợp”, chị Hường chia sẻ.
Việc chú trọng khoa học kỹ thuật đã giúp HTX nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó đảm bảo thu nhập cho thành viên, ngươi lao động.
HTX đang có thị trường tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các thành viên. Hiện tại, doanh thu cả ao của HTX vào khoảng 300 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho gần 10 lao động với mức lương từ 4 triệu đồng/tháng.
Không chỉ gia tăng về mức thu nhập, sản xuất khoa học còn giúp HTX giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái, qua đó nâng cao sức khoẻ cho thành viên.
Đơn cử, trong nuôi cá, HTX loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, ưu tiên các chế phẩm sinh học để xử lý nguồn nước, sử dụng các loại cám hữu cơ được tuyển chọn kỹ lưỡng.
Trong quá trình chăm sóc, lượng thức ăn được tính toán kỹ lưỡng để vừa đáp ứng nhu cầu sinh trưởng của cá, vừa hạn chế lãng phí, bảo vệ môi trường sinh thái.
Thành công của HTX trở thành động lực cho nhiều hộ sản xuất học tập (Ảnh TL) |
Lan tỏa "mô hình điểm"
Chủ tịch HĐQT HTX Nguyễn Thị Hường chia sẻ: “Môi trường sinh thái luôn là yếu tố quan trọng quyết định thành bại của các đơn vị chăn nuôi. Vì vậy, trong quá trình sản xuất, bên cạnh khoa học – kỹ thuật, thành viên HTX luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGAP để giảm thiểu ô nhiễm”.
Không chỉ tạo lợi ích cho thành viên, HTX Phú Trên còn tích cực tư vấn để giúp nhiều hộ gia đình, đặc biệt là phụ nữ trong xã chuyển đổi từ mô hình nuôi ba ba, cá, thỏ quy mô nhỏ sang nuôi tôm, cá thịt và cá giống theo hướng hàng hóa, mở hướng phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống.
Thông qua các chương trình của Hội Phụ nữ xã Phú Hòa, HTX tổ chức chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm, nuôi chim cút, trồng các rau sạch theo hướng VietGAP gắn với bảo vệ môi trường sinh thái cho các hộ dân, đặc biệt là phụ nữ tại địa phương.
Hàng năm, thông qua các chi hội phụ nữ, HTX cũng đăng ký cho thành viên, nông dân đi tập huấn 2 - 3 lần về cách hoạch định kinh doanh, sản xuất an toàn sinh thái, hoàn thiện liên kết để nâng cao hiệu quả.
Theo chị chị Nguyễn Thị Hường, để mô hình nông nghiệp phát triển trên quy mô lớn cần được sự quan tâm của các cấp ngành địa phương, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý, điều hành.
Vì vậy, HTX cũng cần nâng cao năng lực, trình độ sản xuất của các thành viên, chủ động thích ứng với thị trường và đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng.
Nhật Minh