HTX chè La Bằng là một trong những đầu tàu kết nối sản xuất, đưa thương hiệu chè địa phương liên tục bay cao, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu. Để chinh phục người tiêu dùng, thời gian qua, HTX đã đẩy mạnh nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm.
Làm giàu từ cây chè
Gần 2 thập kỷ phát triển, HTX chè La Bằng đang thúc đẩy phong trào sản xuất và kinh doanh chè ở địa phương ngày càng lan rộng. Các gia đình tích cực cải tạo để trồng chè hữu cơ, VietGAP, tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật, nắm bắt thị trường để cùng thoát nghèo, làm giàu.
Hiện, trung bình mỗi hộ thành viên/liên kết của HTX tổ chức sản xuất từ 8 sào đến 1 mẫu chè. Một năm, mỗi sào chè sẽ cho thu hoạch 8 lứa chè tươi, doanh thu hơn 20 triệu đồng. Theo HTX, nhờ cây chè, các hộ đang có thu nhập bình quân 150 - 200 triệu đồng/năm, cá biệt lên đến 350 triệu đồng/năm.
Bà Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX, cho hay kể từ khi thành lập vào năm 2006, HTX đang có bước phát triển vượt bậc. Đến nay, HTX có 15 hộ thành viên, hơn 100 hộ liên kết, với tổng diện tích lên đến hơn 30 ha. Trong đó, 20 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2012, 10 ha đã sản xuất theo hướng hữu cơ từ năm 2019.
Chè đang là cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu bền vững ở vùng chè La Bằng, Đại Từ, Thái Nguyên (Ảnh: TNG). |
Hiện nay, nhờ chất lượng vượt trội, sản phẩm của HTX chè La Bằng đã có mặt tại thị trường các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Vinh (Nghệ An)…
HTX cũng đang tích cực thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu chè chế biến chất lượng cao. Ngoài ra, sản phẩm của HTX cũng đã được bày bán thông qua các trang web và các ứng dụng lớn chuyên về bán hàng (như Shopee, Tiki, Lazada,…).
Để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, những năm qua, HTX chè La Bằng đã mạnh dạn đổi mới, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, HTX đã đầu tư hệ thống máy móc tương đối đồng bộ với nhà xưởng rộng hơn 1.000 m2, gian trưng bày sản phẩm và thưởng trà rộng 200m2, đảm bảo đầy đủ điều kiện cho việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
HTX cũng đang thúc đẩy sản xuất và chế biến theo hướng xanh, bền vững. So với trước đây, phương thức sản xuất chè của người dân La Bằng tiến bộ hơn hẳn, không còn tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, thay vào đó là các loại phân hữu cơ, hợp chất vi sinh thân thiện môi trường.
Nhờ sản xuất khoa học, chú trọng bảo vệ môi trường, năng suất cây chè của HTX hiện đã tăng gấp 3 lần so với trước, các sản phẩm chè bán ra cũng được giá cao hơn. Sản xuất chè theo hướng an toàn sinh thái vừa giúp thành viên HTX đảm bảo thu nhập, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Kết nối du lịch sinh thái
Nhờ sản xuất xanh, HTX chè La Bằng không chỉ thành công trong việc tạo ra các sản phẩm OCOP giá trị kinh tế cao mà còn trở thành điểm du lịch đặc sắc, kết nối các điểm du lịch của địa phương, đáp ứng nhu cầu khám phá và trải nghiệm của du khách.
Hiện tại, trên đường đi thăm quan La Bằng với hàng loạt thắng cảnh đặc sắc, du khách có thể dừng xe lên đồi chè chụp ảnh và cùng bà con nơi đây hái chè, hoặc vào thăm các cơ sở sản xuất chè, được thưởng trà và nghe giới thiệu về quy trình sản xuất cũng như những sản phẩm trà ngon nổi tiếng.
Giám đốc HTX chè La Bằng Nguyễn Thị Hải cho biết, HTX đã chuẩn bị cơ sở vật chất để đón các đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm hái chè, chế biến chè theo phương pháp thủ công truyền thống kết hợp du lịch tại địa phương.
Đến với HTX, du khách sẽ được tham quan không gian thưởng trà và trưng bày các sản phẩm. Tại đây có rất nhiều dòng sản phẩm trà được giới thiệu như: Thanh Hải Trà (đạt OCOP 4 sao) là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019. Sản phẩm Đinh Tâm Trà (đạt OCOP 3 sao) là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2020.
Có một thực tế dễ thấy là xã La Bằng hội tụ nhiều thế mạnh cho phát triển du lịch, tạo điểm tựa để người dân phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Thống kê cho thấy, 1 mô hình làm du lịch homestay, 5 hộ gia đình mở quán ăn, 1 hộ trồng hoa kinh doanh. Doanh thu hàng năm không quá vài trăm triệu đồng. Thu nhập của người dân ở đây vẫn chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, trong đó, cây lúa, cây chè là những cây trồng chủ lực.
Vì vậy, trong thời gian tới, việc kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với tổ chức các mô hình du lịch trải nghiệm, trong đó nòng cốt là các HTX điểm như HTX chè La Bằng cần được địa phương quan tâm, thúc đẩy nhiều hơn. Từ đó, tạo thêm sinh kế cho người nông dân vốn cần cù, chịu khó và hiếu khách ở vùng đất được thiên nhiên ưu đãi này.
Lệ Chi