Để nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, các HTX thủy sản trên địa bàn huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) đang bắt tay liên kết, qua đó trở thành điểm tựa làm giàu cho thành viên, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
Hiệu quả nhờ liên kết
Theo thống kê, toàn huyện Bắc Sơn đang có 5 HTX thủy sản hoạt động theo chuỗi giá trị. Nhờ chủ động liên kết, các HTX đã đủ nội lực để hình thành chuỗi giá trị sản xuất cá nước ngọt có giá trị cao, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, tạo dựng thương hiệu, phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Đơn cử như HTX Lê Hồng Phong, Nhận thấy những hạn chế khi hoạt động riêng lẻ, tháng 8/2021, Ban Quản trị HTX Thủy sản Lê Hồng Phong đã thực hiện hợp đồng liên kết với các HTX thuỷ sản trên địa bàn huyện để cùng phát triển. Sau hơn 12 năm phát triển, từ một HTX có quy mô nhỏ, thu không đủ bù chi, HTX đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, doanh thu hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 20 lao động với mức thu nhập 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2017, HTX Lê Hồng Phong là một trong 10 HTX được UBND tỉnh Lạng Sơn chọn làm thí điểm đưa trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc. Được sự hỗ trợ, HTX đã bổ sung thành viên là cử nhân chuyên ngành chăn nuôi, thú y, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đẩy mạnh liên kết là đòi hỏi tất yếu để các HTX nâng cao nội lực, gia tăng giá trị kinh tế. |
Tương tự, vào tháng 9/2015, được sự hỗ trợ của Liên minh HTX Hà Nội, HTX Thăng Long (Hoài Đức) được thành lập với 9 doanh nghiệp và 3 cá nhân là thành viên.
Với định hướng kết nối trong sản xuất, kinh doanh ngay từ ban đầu, HTX đã không ngừng cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng cũng như đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ. Hiện, nhờ liên kết với doanh nghiệp, HTX đã tham gia sản xuất bộ sa bàn giao thông phục vụ cho học sinh với hàng chục chi tiết lắp ghép, được Bộ Giáo dục và Ðào tạo đưa vào thực nghiệm.
Ngoài ra, HTX cũng tham gia đề tài với Công ty Bình Thuận, Công ty Bách Khoa, Công ty Việt Hoa, Công ty Thủ Ðô để sản xuất bộ van chia nước giữ độ ẩm cho đất phục vụ những vùng khô hạn theo đơn đặt hàng của một doanh nghiệp Nhật Bản. Hiện, sản phẩm đang được sản xuất đại trà, đồng thời mở rộng ra nhiều thị trường tiềm năng.
Tìm đòn bẩy thúc đẩy liên kết
Giám đốc HTX Thăng Long Trần Viết Hải cho hay, bước đầu, mô hình HTX với thành viên là các doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ, đẩy mạnh tính hợp tác.
Liên kết bền vững giữa các công ty với HTX tạo ra nhiều sản phẩm sáng tạo phục vụ nhu cầu xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, đồng thời cũng tạo ra lợi nhuận cho chính HTX.
Có thể thấy, liên kết chính là chìa khóa thành công của các HTX, góp phần đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo tại nhiều địa phương, tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn nhận hoạt động của các đơn vị vẫn còn không ít khó khăn cần tháo gỡ.
Nổi bật là tình trạng các HTX thiếu vốn để mở rộng sản xuất, xây dựng nhà kho, nhà xưởng bảo quản, chế biến sản phẩm... Từ đó dẫn đến hạn chế trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoàn thiện chuỗi giá trị, khó thu hút liên kết với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khó khăn về tích tụ đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đang được xem là điểm nghẽn trong xây dựng chuỗi giá trị của các HTX.
Ông Huỳnh Đăng Khoa, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp Rạch Lọp (Trà Vinh), cho rằng để HTX phát triển, sự quan tâm của các cấp chính quyền là điều quan trọng.
Hiện, các chính sách về phát triển HTX đã có nhưng khi triển khai đến các cấp ở địa phương lại bị chậm dần. Điều này làm bản thân HTX khó phát triển, khó mở rộng sản xuất trong nền kinh tế thị trường.
Trước những khó khăn trên, theo các chuyên gia, để khuyến khích các HTX liên kết doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến tiếp cận thị trường nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, các địa phương cần lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, nhất là nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ, thúc đẩy các HTX phát triển...
Bên cạnh đó, cần tổ chức các chương trình để giới thiệu, nhân rộng các điển hình HTX kiểu mới sản xuất gắn với chuỗi giá trị trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nông sản an toàn là một kênh giúp cho việc tiêu thụ nông sản được rộng mở hơn.
Lệ Chi