Vùng tả ngạn huyện Con Cuông bao gồm 5 xã Đôn Phục, Bình Chuẩn, Cam Lâm, Mậu Đức, Thạch Ngàn, với trên 4.000 hộ dân, gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của huyện cơ bản nằm nhiều ở vùng này.
Trồng chè sạch, tăng thu nhập
Thạch Ngàn là một trong những xã trồng chè trọng điểm ở tả ngạn Con Cuông với tổng diện tích trên 50 ha, thu hút hàng chục hộ sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ.
Chè Con Cuông đang ngày càng có thương hiệu nhờ sản xuất an toàn sinh thái. (Ảnh NTV) |
Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, những năm qua, người dân xã Thạch Ngàn đã chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, thay thế diện tích chè đã già cỗi bằng những giống chè cho năng suất cao như LDP1, LDP2…
Kết quả triển khai cho thấy các giống chè mới đều sinh trưởng, phát triển tốt, búp chè đẹp mắt, đều và thời gian thu hoạch cũng nhanh hơn so với các giống chè cũ.
Trong quá trình canh tác, ngành nông nghiệp xã luôn chủ động hỗ trợ các hộ sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Sở hữu gần 1 ha chè LDP1, chị Lê Thị Mỹ, thành viên Tổ hợp tác chè hữu cơ xã Thạch Ngàn cho hay, để tạo ra sản phẩm sạch, việc sử dụng phân bón, các loại phân vô cơ (đạm, lân, kali…) được tính toán chuẩn về lượng và chỉ sử dụng vào thời điểm đầu sinh trưởng của vườn cây.
Khi cây chè trưởng thành, các loại phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai (được xử lý kỹ lưỡng bằng hợp chất vi sinh an toàn) sẽ được ưu tiên, qua đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo chè chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng, đáp ứng cả yêu cầu xuất khẩu sang những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản...
Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất sạch, thân thiện môi trường, năng suất, chất lượng sản phẩm chè búp tươi và chè sau chế biến của Tổ hợp tác chè xã Yên Kỳ nói riêng và trên toàn địa bàn xã nói chung đều tăng mạnh, thị trường ổn định, giá trị kinh tế bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Hiệu quả cây chè VietGAP cũng đang được khẳng định tại các xã còn lại ở vùng tả ngạn Con Cuông. Toàn vùng hiện có trên 30 cơ sở chế biến quy mô nhỏ và vừa. Nhờ sản xuất sạch, nhiều hộ gia đình trở thành đơn vị cung cấp nguyên liệu chè búp tươi, phục vụ chế biến chè đen, đem đi xuất khẩu.
Đến nay, người trồng chè ở Con Cuông nói chung và vùng tả ngạn nói riêng đã được tập huấn kỹ thuật sản xuất, chế biến chè xanh bảo đảm chất lượng an toàn sinh thái, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, huyện thiết kế thành công bộ nhận diện thương hiệu và lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa chè Con Cuông.
Cần chuỗi giá trị bền vững
Có bước tiến vượt bậc cả về chất lượng và thương hiệu kể từ năm 2015, tuy nhiên, trong 2 năm qua, những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng khiến các hộ trồng chè ở Con Cuông gặp không ít khó khăn trong vấn đề tiêu thụ.
Cần chú trọng xây dựng chuỗi giá trị để đảm bảo giá trị bền vững cho người trồng chè. (Ảnh NTV) |
Gia đình ông Nguyễn Tiến Hữu, xã Cam Lâm gắn bó với cây chè hơn 30 năm nay và hiện có 1,5 ha chè thương phẩm nằm trong thời kỳ thu hoạch, thế nhưng ông Hữu cho biết: "Chưa có năm nào giá chè lại giảm thê thảm như năm nay".
Đây không chỉ là nỗi niềm riêng của ông Hữu, mà còn của rất nhiều người dân trồng chè ở huyện miền núi Con Cuông. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường tiêu thụ của chè bị đình trệ và suy giảm mạnh, kéo theo đó giá thu mua chè búp tươi cũng bị giảm sâu.
Ông Lô Văn Lý, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Con Cuông, cho biết: "Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có người dân trồng chè. Chính quyền địa phương đã làm việc và kiến nghị với nhà máy chè để tìm hướng tháo gỡ, thu mua bao tiêu sản phẩm cho người dân đảm bảo về giá cả. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, các giải pháp chỉ có tính tạm thời, người dân, doanh nghiệp và chính quyền cần cùng đồng hành vượt qua giai đoạn khó khăn".
Theo ông Lý, vấn đề gặp phải trong 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu cấp bách với ngành nông nghiệp huyện là cần nhanh chóng xây dựng các chuỗi giá trị nhằm đảm bảo hiệu quả bền vững cho người dân.
Được biết, toàn huyện hiện có gần 400 ha chè kinh doanh, trong đó 300 ha đã cho thu hoạch. Bên cạnh các xã vùng tả ngạn, cây chè còn tập trung ở các xã Bồng Khê, Yên Khê, Chi Khê. Dù đang gặp khó về thị trường do Covid-19, xong trong tương lai, cây chè vẫn là một trong những cây kinh tế chủ lực, nằm trong chiến lược xóa nghèo trên địa bàn huyện.
Trong thời gian tới, cùng với nỗ lực xây dựng chuỗi giá trị, để hoàn thành mục tiêu nâng giá trị sản xuất chè bình quân lên trên 120 triệu đồng/ha/năm, huyện sẽ tiếp tục nâng cao vai trò, thành lập mới các tổ hợp tác, HTX, tổ sản xuất… nhằm liên kết người dân sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, thân thiện môi trường, tạo ra những sản phẩm sạch, giàu sức cạnh tranh hơn.
Lệ Chi