Để thương hiệu mật ong bạc hà Mèo Vạc (Hà Giang) giữ được uy tín và phát triển bền vững, huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các phong ban chuyên môn tiếp tục phát triển đàn ong nội gắn với qui hoạch phát triển vùng nguyên liệu cây bạc hà, phấn đấu đưa ngành nuôi ong mật bạc hà của huyện trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo đối với người dân trên địa bàn của huyện.
Mật ong bạc hà Mèo Vạc được chứng nhận OCOP (Ảnh: TL) |
Nhiều mô hình nuôi ong hiệu quả
Thăm mô hình nuôi ong lấy mật mùa hoa bạc hà của gia đình anh Sùng Mí Nô, một trong những hộ có thâm niên nuôi ong ở thôn Sủng Pờ A, xã Sủng Trà, huyện Mèo Mạc, tỉnh Hà Giang, được biết, trước đây gia đình chỉ nuôi ong theo kiểu tự cung tự cấp, nay gia đình anh đã lấy nghề nuôi ong để phát triển kinh tế. Ban đầu gia đình anh nuôi 20 đàn ong, khi thấy lợi nhuận cao đã tăng 50 đàn, trừ chi phí gia đình có thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/vụ từ mật ong.
Anh Sùng Mí Nô chia sẻ, nếu thời tiết thuận lợi thì mình cho cầu nhiều, còn không thuận lợi thì cho cầu ít ong sẽ phát triển nhanh hơn. Trong thời gian này có hoa bạc hà thì phải giữ lấy hoa bạc hà, có nguồn hoa này thì ong phát triển nhanh hơn.
Với mong muốn bảo vệ và phát huy giá trị của Chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc - Hà Giang, HTX dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng - xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc được thành lập. Đây là một trong ba HTX chủ lực của huyện đã tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến các sản phẩm từ mật ong bạc hà, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững cho người nông dân trên địa bàn.
Anh Hoàng A Páo, Chủ tịch HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cho biết, năm nay HTX có 1.350 đàn ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ, chủ yếu người nuôi ong là người địa phương nuôi tại chỗ. HTX hướng dẫn họ quy trình kỹ thuật nuôi và bao tiêu đầu ra cho họ.
Một đơn vị điển hình nuôi ong bạc hà khác là HTX Tuấn Dũng, huyện Mèo Vạc. Ông Thèn Văn Hải, Giám đốc HTX Tuấn Dũng, cho hay HTX có 2.500 đàn ong, mỗi năm thu từ 15.000 – 20.000 lít mật, giá bán đạt 500 nghìn đồng/lít.
Để đạt các chứng nhận HACCP, VietGAHP, HTX luôn tuân thủ các quy trình chăn nuôi, sơ chế, đóng gói, tiêu thụ. Vừa qua, sản phẩm mật ong của HTX được công nhận đạt chất lượng 4 sao trong chương trình OCOP, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa… Ngoài việc đầu tư dây chuyền sản xuất bằng công nghệ máy hạ thủy phần và mục tiêu của HTX là mở rộng địa bàn nuôi ong ở 6 xã trên địa bàn huyện để sản xuất lượng mật lớn hơn, tạo thêm việc làm, thu nhập cho các thành viên.
Phát triển, bảo tồn đàn ong và vùng nguyên liệu
Mèo Vạc hiện có khoảng 17.000 đàn ong, tập trung chủ yếu tại các xã Xín Cái, Thượng Phùng, Lũng Pù, Lũng Chinh, Sủng Máng, Giàng Chu Phìn, Pả Vi, Sủng Trà và Tả Lủng.
Trong những năm qua, với giá bán bình quân 500 nghìn đồng/lít, có thời điểm tới 850.000 đồng/lít, mật ong bạc hà của huyện Mèo Vạc đã góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo và từng bước vươn lên làm giầu của người dân nơi đây.
Các cơ quan chức năng kiểm tra mã vạch và truy xuất nguồn gốc mật ong bạc hà Mèo Vạc (Ảnh: TL) |
Nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế của chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm mật ong bạc hà trên địa bàn, các phòng ban chuyên môn của huyện Mèo Vạc đã tham mưu cho huyện tổ chức lại sản xuất cho người nuôi ong tham gia vào các nhóm sở thích, HTX, thu hút các doanh nghiệp, các HTX làm đầu mối thu mua, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo đầu ra ổn định và bền vững cho sản phẩm.
Từ đó, trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã hình thành nên các doanh nghiệp, các HTX phát triển nuôi ong khai thác mật cây bạc hà như: HTX Tuấn Dũng, HTX Hoàng Điệp, HTX dịch vụ Tả Lủng…Nhờ đó, trong những năm qua, sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc đã khẳng định được vị thế trên thị trường và uy tín đổi với người tiêu dùng cũng như du khách khi đến du lịch trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn.
Ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết, để thương hiệu mật ong bạc hà Mèo Vạc thực sự giữ được uy tín và phát triển bền vững, huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các phong ban chuyên môn tiếp tục phát triển đàn ong nội gắn với qui hoạch phát triển vùng nguyên liệu cây bạc hà.
Đồng thời huyện cũng ban hành các chính sách khuyến khích mở rộng diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây hoa bạc hà, hỗ trợ các cơ chế, chính sách để người dân trồng cây bạc hà được hưởng lợi từ việc nuôi ong… Phấn đấu đưa ngành nuôi ong mật Bạc hà của huyện trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; góp phần thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo đối với người dân trên địa bàn của huyện.
Theo kế hoạch đến năm 2020, việc bảo tồn và phát triển đàn ong nội tại 4 huyện vùng cao là 45.000 đàn và mở rộng diện tích cây hoa Bạc hà quy mô 5.500 ha. Đồng thời, 100% các doanh nghiệp, HTX sản xuất, sơ chế và kinh doanh sản phẩm mật ong bạc hà mang Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” phải công bố tiêu chuẩn của sản phẩm và có mã vạch truy xuất nguồn gốc. 70% sản phẩm mật ong bạc hà được tiêu thụ thông qua hệ thống kênh tiêu thụ của các doanh nghiệp, HTX, đầu mối liên kết với hộ nông dân, nhóm sở thích, HTX…
Mộc Lan