Theo thống kê, toàn xã Phúc Xuân hiện có trên 330 ha trồng chè, hàng năm cho sản lượng trên 5.000 tấn chè tươi. Cây chè đang được coi là cây kinh tế mũi nhọn của địa phương, với xấp xỉ 80% số hộ dân trong xã có đời sống kinh tế chủ yếu trông vào cây chè.
Ưu điểm vượt trội
Dù được manh nha trong nhiều năm, tuy nhiên, mô hình trồng chè theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường trên địa bàn xã Phúc Xuân chỉ thực sự được đẩy mạnh từ cuối năm 2016 và hiện đang cho thấy những ưu điểm vượt trội.
Sản xuất chè hữu cơ vừa nâng cao kinh tế, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường (Ảnh TL). |
Chị Tống Thị Kim Thoa, Tổ trưởng tổ hợp tác trồng và chế biến chè VietGAP Kim Thoa, chia sẻ việc chuyển đổi sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ giúp cây chè nâng cao năng suất, chất lượng, qua đó ổn định thị trường tiêu thụ, nâng cao giá bán sản phẩm.
Theo đó, nhờ sản xuất hữu cơ, giá chè búp khô của thành viên tổ hợp tác hiện dao động từ 350 đến 400 nghìn đồng/kg, cao hơn 150-200 nghìn đồng/kg so với trước đây, thị trường tiêu thụ chè cũng ngày càng được mở rộng.
Tuy nhiên, theo chị Thoa, để làm ra sản phẩm chè hữu cơ, các hộ phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đảm bảo quy định về vệ sinh thực phẩm, thân thiện môi trường.
Cụ thể, trong quá trình canh tác, các hộ trồng chè tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ, chỉ sử dụng đạm, lân hữu cơ, phân chuồng ủ mục, sử dụng thuốc thảo mộc để diệt sâu, bọ, côn trùng. Sử dụng nguồn nước sạch để tưới cho cây…
Không chỉ tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ, nhiều hộ trồng chè ở Phú Xuân còn sáng chế ra các thiết bị máy móc để gia tăng hiệu quả sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm.
Điển hình như gia đình chị Đàm Thị Thanh Huyền, xóm Cây Thị, đã sáng chế ra chiếc máy phun thuốc trừ sâu sinh học từ một chiếc máy bơm nước. Sau khi đưa vào sử dụng, chiếc máy đã giúp giảm sức lao động, hạn chế thất thoát, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo chị Huyền, cây chè nhờ được chăm sóc tốt nên sinh trưởng phát triển khỏe mạnh. Trung bình 1 mẫu chè của gia đình chị thường cho thu hoạch 10 đợt/năm. Thu nhập từ bán chè tươi đạt bình quân 24 - 27 triệu đồng/đợt.
Hướng tới phát triển bền vững
Thống kê cho thấy, toàn xã Phúc Xuân hiện có 7 làng nghề chè truyền thống, 1 HTX sản xuất chè theo tiêu chuẩn UTZ (canh tác nông nghiệp bền vững), 1 HTX sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP.
Giá trị sản xuất chè tại Phúc Xuân ngày càng cao nhờ ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới (Ảnh TL). |
100% diện tích chè trên địa bàn xã đang triển khai các giống chè cành có năng suất và chất lượng cao, như LDP1, TRI777, Kim Tuyên... Tổng sản lượng chè bình quân hàng năm đạt gần 5.000 tấn chè tươi/năm.
Việc phát triển các mô hình chế biến chè hữu cơ, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của xã liên tục tăng, hiện đạt trên 40 triệu đồng/người/năm.
Với những thành công đang có, kể từ nay đến năm 2025, xã Phúc Xuân đặt mục tiêu tiếp tục tập trung phát triển cây chè theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường, tạo nên những giá trị bền vững.
Theo đó, xã sẽ tạo điều kiện cho các hộ trồng chè tham gia các lớp tập huấn về sản xuất chè hữu cơ do tỉnh, Thành phố tổ chức. Hỗ trợ các HTX, hộ sản xuất tham gia các kỳ hội chợ nhằm quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Xã cũng đề ra giải pháp xây dựng các HTX, tổ hợp tác và liên kết hộ, tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm cây chè. Phấn đấu giá trị sản phẩm trên 1ha chè đạt 400 triệu đồng trở lên. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 50 triệu đồng/người/năm.
Hưng Nguyên