Từng dốc cả cơ nghiệp vào giống gà quý, ông Lê Mạnh Thắng, Giám đốc HTX gà Đông Tảo cho biết, giống gà vốn được mệnh danh là “quái thú” này đã có ở Đông Tảo từ hàng trăm năm, xưa chỉ nuôi để tiến vua, nay là giống gia cầm quý, được đưa vào sách đỏ nhằm nhân giống và bảo tồn nguồn gen.
Thành lập HTX để bảo tồn gen loài gà quý
Điều ông Thắng nói có lẽ cũng là câu trả lời cho thắc mắc của nhiều người rằng, gà Đông Tảo có gì đặc biệt mà có giá cao "ngất ngưởng" khiến đại gia, giới nhà giàu săn lùng nhiều đến vậy? Thậm chí, người bình thường chỉ cần nghe giá cũng không khỏi giật mình.
"Nhiều người nói rằng, gà Đông Tảo có nguồn gốc từ gà Hồ (Bắc Ninh), nhưng qua nhiều giai đoạn, các nhà nghiên cứu của Khoa chăn nuôi, Học viện Nông Nghiệp Việt Nam đã khẳng định trong máu gà Đông Tảo không có máu của gà Hồ, nhưng trong máu của gà Hồ lại có máu của gà Đông Tảo. Như vậy, gà Đông Tảo xuất phát từ Gà Hồ", ông Thắng cho biết.
Cặp chân khủng của gà Đông Tảo được nhiều đại gia yêu thích và săn đón. |
Trước kia, ở xã Đông Tảo có đến 90% hộ dân nuôi gà và chủ yếu dùng để ăn, không nghĩ đến vấn đề giữ gìn bảo tồn gen. Sau này, khi số lượng người nuôi giảm, số lượng gà thuần chủng giảm đáng kể do người dân cho lai tạp với các giống gà khác.
Vốn mê gà từ nhỏ, khi nhận ra gà Đông Tảo là giống gà quý của địa phương, ông Lê Mạnh Thắng quyết định “đổ” vốn vào nuôi gà. “Năm ấy, thu hoạch 1,8 sào lúa được hơn 1 triệu, tôi dồn tiền mua 10 con gà thuần chủng độ nắm tay của các cụ cao niên trong làng để nuôi và gây giống. Sau hơn 1 năm, đàn gà cũng lên được 70-80 con nhưng chưa có kinh nghiệm, liên tiếp gặp dịch bệnh nên nhiều lần trắng tay”, ông Thắng kể.
Nuôi loài gà hiếm, lại khó chăm, nhiều người từng khuyên ông Thắng bỏ cuộc, nhưng còn một xu một cắc, ông sẽ vẫn làm và đi đến cùng. Nhờ học hỏi các kiến thức chăn nuôi khoa học cộng thêm với kinh nghiệm của người địa phương, ông Thắng nuôi gà lên tay hẳn. Đàn gà được ăn cám tổng hợp và bổ sung thêm rau, ngô, cám mạch lên men, uống rượu tỏi, nằm “giường” cao ráo, thoáng mát nên đề kháng khỏe và lớn nhanh như thổi.
Mỗi con gà có cặp cân vảy rồng có giá trị từ 15-20 triệu đồng. |
Còn nhớ, khoảng 10 năm về trước trên thị trường, loài “quái thú” này chưa được biết đến nhiều và săn đón như hiện nay, xã Đông Tảo chỉ có vài hộ nuôi gà, số lượng không nhiều. Trước nguy cơ gà Đông Tảo có thể bị xóa sổ, năm 2016, ông Thắng cùng 16 hộ dân trong xã đã liên kết, thành lập HTX gà Đông Tảo.
"Xác định tính bền vững, tôi đã thành lập HTX nhằm mục đích kết nối, liên kết các hộ chăn nuôi và thống nhất về quy trình nuôi VietGAP, đặc biệt là nhân giống, bảo tồn gen gà Đông Tảo thuần chủng”. Giám đốc HTX gà Đông Tảo nói.
Theo đó, HTX lo đầu vào cho thành viên, đứng ra ký hợp đồng với các công ty cung cấp thức ăn, thuốc thú y cho gà để đảm bảo thức ăn chất lượng và phù hợp với con gà. Về việc tiêu thụ, 5 năm gần đây, mặt hàng này hầu như cung không đủ cầu nên HTX để các thành viên sẽ chủ động đầu ra, trong các đơn hàng lớn sẽ gom gà của thành viên với giá thị trường.
Theo thống kê, năm 2020, sản lượng gà thịt thương phẩm của toàn xã Đông Tảo khoảng 50.000 con, bán với giá 200-250 nghìn đồng/kg, gà chất lượng cao có khoảng 2000-3000 con, bán giá từ 1,5-3 triệu. Thậm chí, một số cặp gà “độc-lạ-đẹp” có giá 15 triệu/con. Riêng HTX có gần 30.000 con, đem lại doanh thu hơn 10 tỷ đồng/năm.
Ông Lê Quang Thắng, Giám đốc HTX đang kiểm tra sức khỏe của gà. |
Mở lối đi bền vững...
Phát huy sức mạnh của HTX kiểu mới, HTX gà Đông Tảo không chỉ bảo tồn được nguồn gen gà quý của tổ tiên mà còn giúp các thành viên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, chất lượng gà ngày càng cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Gần 7 năm trước, công việc của anh Nguyễn Văn Luân chưa ổn định, kinh tế bấp bênh, lo ăn từng bữa nhưng từ khi chuyển sang nuôi gà và tham gia HTX gà Đông Tảo, kinh tế của gia đình anh Luân thực sự bước sang trang mới. Giờ đây, anh đã là chủ của trang trại gà rộng vài trăm m2, mỗi tuần chỉ riêng tiền bán gà giống đã thu vài chục triệu.
“Vào HTX, tôi được hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc, thức ăn, phòng bệnh và chữa bệnh cho gà. Các quy trình đã được anh Thắng tìm tòi và tích lũy từ nhiều năm nên mình không mất thời gian mà chỉ cần tuân thủ quy trình. Bên cạnh đó, HTX cũng cảnh báo các loại cúm, bệnh dịch lạ để thành viên chủ động vệ sinh chuồng trại, tiêm vaccine cho gà”, anh Luân nói.
Gà Đông Tảo chịu lạnh kém nên chuồng nuôi phải quây kín, có đệm lót, đèn sưởi sưởi ấm. |
Không chỉ anh Luân mà nhiều thành viên khác của HTX cũng cảm thấy phấn khởi khi được HTX hỗ trợ về chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm. Chị Giang Thi Hường, thành viên HTX cho biết, mỗi năm nhà chị nuôi khoảng 300 con gà Đông Tảo, bán rải rác quanh năm và cao điểm là dịp Tết. Không có nhiều cơ hội đi tiếp thị sản phẩm nên chủ yếu chỉ bán gà cho các mối quen, nhờ HTX giới thiệu gia đình chị cũng kết nối được với nhiều nhà hàng, mỗi tháng tiêu thụ vài chục con.
Ở cương vị là người "cầm lái" cho HTX, ông Lê Mạnh Thắng luôn phải tìm kiếm những hướng đi mới, nhanh nhạy để theo kịp thị hiếu tiêu dùng. Ông Thắng nói rằng, hiện HTX đã xây dựng lò mổ, quy trình giết mổ, đóng gói, hút chân không đảm bảo các quy định về ATVSTP. Các bộ phận của gà như chân gà, thịt gà, kê gà, xương gà… được chia nhỏ, làm sạch, đóng gói và gửi đi nhà hàng, siêu thị, tiêu thụ ở nhiều các tỉnh thành trên cả nước.
Đặc biệt, năm 2020, HTX cũng cho ra mắt nhiều sản phẩm chế biến từ thịt gà Đông Tảo như giò gà Đông Tảo, chân gà ngâm sả tắc… bước đầu nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.
Sản phẩm giò gà đươc chế biến, đóng gói và chuyển đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. |
“Nhờ sự kết nối của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Hưng Yên và Phòng nông nghiệp huyện Khoái Châu, HTX đã phát triển rộng rãi kênh tiêu thụ sản phẩm ở các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng giới thiệu đặc sản vùng miền, đặc sản OCOP. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các cấp với các kế hoạch kinh doanh mới của HTX”, ông Thắng nói.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng trăn trở về giá gà Đông Tảo vẫn còn khá cao, trong thời gian tới HTX có kế hoạch nghiên cứu, tự sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm giảm giá thành, nhằm mục đích "bình dân hóa" sản phẩm, để gà Đông Tảo có thể hiện hữu trong bữa cơm của mọi gia đình.
Xuân Mai