Trà Vinh có diện tích dừa lớn thứ 2 cả nước, chỉ sau Bến Tre (Ảnh Tư liệu) |
Giàu tiềm năng
Sự chủ động áp dụng khoa học – kỹ thuật trong sản xuất đã mở ra hướng phát triển bền vững cho mô hình trồng dừa sáp theo hướng VietGAP tại HTX dừa sáp Hòa Tân (huyện Cầu Kè).
Ông Thạch Phú Mỹ - Giám đốc HTX Hòa Tân, cho biết đến nay HTX đã xây dựng thành công vùng chuyên canh cây dừa sáp rộng 20ha (tương đương 5.000 cây dừa). Nhờ sản khoa học, các thành viên và nông dân trồng dừa sáp tăng thu nhập gấp 2 - 3 lần. Nhiều hộ trở thành triệu phú nhờ cây dừa sáp.
Để đảm bảo hiệu quả kinh tế cao, mở hướng làm giàu bền vững cho thành viên, HTX đã áp dụng phương pháp thụ phấn trợ lực (trồng cây với mật độ dày hơn để cây thụ phấn chéo) để tăng tỷ lệ sáp trên mỗi buồng dừa.
HTX cũng tiến hành mua giống dừa mới được thực hiện theo phương pháp cấy phôi tại Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu (Tp.HCM) để thay thế giống dừa cũ.
Nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật mới, chỉ sau 3 - 4 năm, dừa của HTX đã bắt đầu cho quả với chất lượng cao. Tỷ lệ dừa cho quả sáp đạt 40 - 50%, tính theo giá bán 130.000 - 160.000 đồng/quả, mỗi cây dừa sáp cho thu nhập trên 10 triệu đồng/năm, giúp nông dân ổn định kinh tế, làm giàu.
Đặc biệt, HTX còn được Sở KH&CN tỉnh Trà Vinh hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Sản phẩm “Dừa sáp Hòa Tân” đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, từ đó tạo tiền đề cho HTX tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn.
Trường hợp của HTX Hòa Tân là minh chứng cho thấy tiềm năng xóa đói, giảm nghèo của mô hình sản xuất dừa VietGAP tại Trà Vinh, địa phương có diện tích dừa lớn thứ hai cả nước, chỉ sau “thủ phủ dừa” Bến Tre.
Theo thống kê, đến nay tỉnh Trà Vinh có khoảng 3 triệu cây dừa với hơn 21.400 ha, tăng gấp 2 lần so với năm 2001. Trong đó, diện tích dừa đang cho trái hơn 17.200 ha, năng suất bình quân đạt 15,3 tấn/ha, tăng 17% so năm 2001, tương đương 220 triệu quả.
Sản xuất dừa đang cho hiệu quả cao nhờ liên kết (Ảnh TL) |
Hiệu quả liên kết
Đặc biệt, Trà Vinh có đặc sản giống dừa sáp độc đáo. Tỉnh đã nuôi cấy phôi dừa sáp được 2 ha và 70 ha đạt chứng nhận VietGAP, tỷ lệ sáp đạt 25-30%, tương đương mức cho trái trên 4.000 trái sáp/năm và xây dựng nhãn hiệu độc quyền dừa sáp Cầu Kè.
Cây dừa đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao, khả năng thích ứng biến đổi khí hậu tuyệt vời, vì vậy tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu phát huy hiệu quả kinh tế theo xu hướng chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp xanh, mở hướng làm giàu bền vững cho nông dân.
Trong xu thế phát triển chung, các HTX nông nghiệp ở Trà Vinh đang cho thấy vai trò quan trọng, hiện cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm từ cây dừa như trái dừa, các phụ phẩm từ dừa như lá, xơ, yếm, hoa, sọ… phục vụ cho các ngành nghề thủ công, chế biến thực phẩm, than hoạt tính xuất khẩu.
Các HTX còn chủ động hợp tác với doanh nghiệp để đảm bảo lợi ích, tạo điểm tựa cho nông dân làm giàu. Điển hình như HTX Nông nghiệp Tân Thành (huyện Tiểu Cần) liên kết với CTCP Chế biến Á Châu để tiêu thụ sản phẩm dừa hữu cơ với giá cao hơn 10-20% so với giá giá thị trường.
Với liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, hơn 180 hộ thành viên HTX Tân Thành kỳ vọng sản phẩm dừa hữu cơ sẽ trở thành tâm điểm nhân rộng để nâng cao giá trị, tạo đà vươn lên làm giàu.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, năm 2020, tỉnh ổn định 22.000 ha dừa, năng suất 16,5 tấn/ha, sản lượng trên 321.000 tấn. Đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu phát triển 25.000 ha, năng suất 17 tấn/ha, sản lượng 357.000 tấn.
Toàn tỉnh hiện có 89.000 hộ dân trồng dừa, chiếm 40% tổng số hộ khu vực nông thôn, với khoảng 170.000 lao động tham gia sản xuất, bình quân có khoảng 2,5 công dừa/hộ, thu nhập trung bình 30-45 triệu đồng/ha. Cây dừa đã và đang mở ra nhiều cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho người dân.
Nhật Minh