Nhận thấy nhu cầu của người dân về thực phẩm sạch, an toàn ngày càng cao và từ những chủ trương, chính sách của tỉnh về thành lập HTX kiểu mới, tháng 7/2020, chị Bùi Phương Thanh, Phó Giám đốc HTX nông sản bản địa Noọng Piêu đã cùng một số người có kinh nghiệm về trồng trọt tại địa phương góp vốn thành lập HTX Nông sản bản địa Noọng Piêu, xã Phiêng Khoài.
Nâng tầm giá trị mận hậu Noọng Piêu
Ở Noọng Piêu, cây mận được xem là một trong những cây trồng chủ lực từ nhiều năm nay của bà con. Bởi vậy, ngay từ khi thành lập, HTX đã coi việc phát triển quả mận hậu là sản phẩm chính. Tuy nhiên, nếu chỉ một mình HTX sẽ không đủ nguồn lực phát triển, đưa quả mận hậu phát triển, do vậy năm 2021, HTX đã hợp tác với Công ty cổ phần BIO FARM Việt Nam áp dụng thử nghiệm trồng mận hậu theo hướng hữu cơ và tạo dựng thương hiệu “mận Ruby”.
Tỉnh Sơn La dành nhiều nguồn lực để nâng tầm các nông sản địa phương, trong đó có quả mận hậu. |
Chỉ hơn một năm phát triển theo hướng này, HTX đã khẳng định đây là hướng đi đúng đắn và định hướng sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Với tổng diện tích mận hậu lên tới 46 ha (31,5 ha mận được cấp mã số vùng trồng). Đặc biệt, HTX đã quy hoạch vùng sản xuất, tạo các sản phẩm khác nhau, như vùng mận VIP, cho ra quả có size 10-12 quả/kg, gọi là “mận Ruby”, có giá bán cao gấp 6-8 lần loại thông thường; vùng mận chín sớm; vùng mận chín muộn... đáp ứng yêu cầu thị trường.
Quả mận hậu đã được trồng từ lâu ở Sơn La, tuy nhiên trước đây bà con do chưa biết các phương pháp trồng nên năng suất thấp, giá trị quả mận không cao. Bởi vậy, khi HTX được thành lập, trên cơ sở từ những gốc mận trước đây, thành viên HTX nông sản bản địa Noọng Piêu cắt tỉa cành, giảm số lượng quả để chăm sóc kỹ hơn về dinh dưỡng; tăng cường phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp sinh học; lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm; sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục để bón cho mận hậu.
Năm 2022, HTX tiêu thụ 300 tấn mận cho người dân, thành viên trên địa bàn, trong đó chủ yếu là người DTTS, thu nhập bình quân của các thành viên đạt từ 400-600 triệu đồng/năm. Tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức tiền công 4-5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, HTX đang hợp tác cùng Công ty cổ phần FOSACHA xuất khẩu “mận Ruby” sang thị trường EU trong năm nay.
Còn tại huyện Vân Hồ, nói đến sản phẩm rau an toàn ít ai không biết đến HTX rau an toàn Vân Hồ. Đặc biệt, đây là HTX do người dân tộc thiểu số làm chủ, với 20 thành viên phần lớn là người DTTS.
Bà Mùi Thị Năm, Phó Giám đốc HTX rau an toàn Vân Hồ cho biết: Thời gian đầu, HTX khá lúng túng, do các thành viên chưa nắm được quy trình kỹ thuật trồng rau và xử lý rau khi bị sâu bệnh. Từ khi được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chuyển giao các phương pháp xử lý sâu bệnh và học hỏi kinh nghiệm từ các HTX trồng rau của huyện Mộc Châu, HTX đã nắm được kỹ thuật và áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất.
“Nhờ vậy, năng suất luôn đạt ở mức 10 tấn rau/ha, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên. Đến nay, chúng tôi đã có 12 ha trồng các loại rau xanh, cung cấp rau quanh năm cho các bạn hàng và người dân địa phương”, bà Năm nói.
Chính quyền song hành cùng các HTX
Trên đây chỉ là hai trong số hàng trăm HTX vùng đồng bào DTTS ở Sơn La đang khẳng định hướng đi của mình bằng việc "nâng tầm" cho nông sản địa phương phát triển. Cùng là sản phẩm đó, chỉ khác là khi có sự đầu tư của các HTX, đặc biệt là việc liên kết sản xuất, các sản phẩm đó như được ‘khoác tấm áo mới’, từ đó vươn xa hơn.
Nhưng, nếu chỉ nói đến các HTX mà không nói đến sự đồng hành của chính quyền các địa phương ở Sơn La sẽ là một thiếu sót. Thực tế, các huyện, xã… ở những nơi HTX “đóng quân” đều rất quan tâm và đồng hành cùng sự phát triển của các HTX này.
Nhiều HTX trồng rau an toàn ở Sơn La đang khẳng định vị thế của mình trong việc nâng tầm giá trị rau, quả Sơn La trên thị trường. |
Như ở huyện Vân Hồ đã thực hiện nhiều giải pháp giúp các HTX vùng dân tộc thiểu số ổn định sản xuất, từng bước phát triển và xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần thay đổi cách thức sản xuất, mang lại thu nhập ổn định, mở ra cơ hội làm giàu cho nhân dân trên địa bàn.
Ông Thái Bá Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vân Hồ, cho biết: Phòng tham mưu cho UBND huyện tổ chức rà soát, đánh giá các mô hình kinh tế và các HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn. Từ đó, đề xuất hỗ trợ, định hướng các mô hình và HTX duy trì hoạt động và mở rộng quy mô, giúp người dân khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế. Từng bước thực hiện mục tiêu giảm nghèo với mức bình quân 4%/năm theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Nhằm song hành cùng các HTX, huyện đang triển khai hỗ trợ 14 mô hình kinh tế và HTX hoạt động trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó, tỷ lệ HTX do người dân tộc thiểu số làm chủ chiếm khoảng 70%.
Đơn cử, năm 2022, huyện Vân Hồ đã hỗ trợ bao bì nhãn mác cho các HTX theo Nghị quyết 128/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Sơn La, với tổng kinh phí 300 triệu đồng; hỗ trợ các mô hình kinh tế và các HTX trên địa bàn kinh phí mua phân bón, cây, con giống và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp theo Quyết định số 803-QĐ/UBND ngày 31/8/2022 của UBND huyện Vân Hồ trị giá 1,2 tỷ đồng.
Hay như ở huyện Yên Châu, nơi Hợp tác xã nông sản bản địa Noọng Piêu ‘đóng quân’ đã rất quan tâm, tạo điều kiện để các HTX phát triển.
Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Toàn huyện có 64 HTX, với trên 800 thành viên; trong đó, 90% số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Huyện đã rà soát tình hình hoạt động của HTX; hướng dẫn các HTX thành lập mới, thu hút thêm thành viên, tăng số vốn điều lệ; vận dụng các cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển HTX. Tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại; từng bước mở rộng quy mô hoạt động của các HTX, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và diện mạo nông thôn trên địa bàn.
Định hướng cho tương lai
Những thành quả mà khu vực KTTT, HTX ở Sơn La như trên đang khẳng định hướng đi đúng đắn của địa phương này trong câu chuyện phát triển khu vực KTTT, HTX.
Theo Liên minh HTX tỉnh Sơn La, hiện nay, toàn tỉnh Sơn La hiện có 877 HTX đăng ký hoạt động; 06 Liên hiệp hợp tác xã và 68 tổ hợp tác đã tạo việc làm cho trên 38.000 thành viên. Kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến, từng bước phát triển ổn định.
Với những tác động tích cực từ quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, kinh tế tập thể có nhiều chuyển biến tích cực về số lượng và đa dạng các mô hình sản xuất, kinh doanh. Các HTX nói chung và HTX vùng đồng bào DTTS đã chuyển đổi hoạt động theo đúng Luật HTX năm 2012.
Đáng nói, nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư vốn sản xuất, kinh doanh, mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ, phát triển mô hình HTX kiểu mới theo hướng tích cực và đa dạng, phù hợp với nhu cầu sản xuất của người nông dân, đã giải quyết công việc làm, mang lại lợi ích kinh tế cho các thành viên HTX, góp phần thực hiện các mục tiêu của tỉnh về xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tỉnh Sơn La hiện có trên 84.000 ha cây ăn quả, dự kiến sản lượng quả thu hoạch năm nay khoảng 452.000 tấn, tăng 28% so với năm 2022.
Tỉnh Sơn La hiện có trên 84.000 ha cây ăn quả, dự kiến sản lượng quả thu hoạch năm nay khoảng 452.000 tấn, tăng 28% so với năm 2022. Để có được những thành quả này, có sự đóng góp rất lớn của các HTX trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước thay đổi tập quán sản xuất cũ, hướng vào thị trường.
Các HTX nông nghiệp hoạt động chủ yếu hỗ trợ cho kinh tế hộ thành viên như cung ứng giống cây trồng, hỗ trợ cho các hộ thành viên sản xuất các loại cây lương thực như lúa, ngô, cây ăn quả, sản xuất rau an toàn. Kinh tế tập thể, HTX góp phần hoàn thành tiêu chí thứ 13 về xây dựng Nông thôn mới, các HTX đã góp phần tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa bàn.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, nhất là các HTX nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai nhiều giải pháp như: hỗ trợ một phần kinh phí cho các hợp tác xã thực hiện xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác xã liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư với các tổ chức, cá nhân và thành viên hợp tác xã nhằm huy động nguồn vốn để xây dựng nhà kho, xưởng sơ chế, bảo quản nông sản, từng bước giải quyết dứt điểm bài toán “được mùa, mất giá”.
Rõ ràng, sự phát triển của các HTX vùng đồng bào DTTS đã khắc phục những tồn tại cố hữu đó là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Đặc biệt, tỉnh Sơn La đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các HTX, hộ nông dân tích cực ứng dụng công nghệ vào các khâu trong quá trình sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương. Từ đó, nhiều HTX với các sản phẩm ứng dụng công nghệ đã được hình thành, không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân, bà con DTTS… mà còn tạo ra sự thay đổi đáng kể trong phương thức sản xuất nông nghiệp ở địa phương này.
Trà My