Đến đầu năm 2020, cùng với xã Mỹ Lâm, xã Đồng Nai Thượng được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, toàn huyện Cát Tiên đã có 9/9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành văn bản về việc giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020, yêu cầu 4 huyện trong đó có Cát Tiên khẩn trương hoàn thành các tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện nông thôn mới trong năm 2020.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
UBND huyện Cát Tiên vừa thông qua kế hoạch triển khai tổng kinh phí 595 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới năm 2020, gồm: 290 tỷ đồng nguồn vốn tín dụng, 250 tỷ đồng nguồn vốn lồng ghép, 30 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình nông thôn mới, 25 tỷ đồng do nhân dân đóng góp.
Tiêu chí tổ chức sản xuất được huyện Cát Tiên chú trọng trong xây dựng nông thôn mới (Ảnh: TL) |
Lãnh đạo huyện cho biết, những nhiệm vụ trọng tâm xây dựng nông thôn mới ở Cát Tiên trong năm 2020 là: củng cố, hoàn thiện 9/9 tiêu chí công nhận huyện Cát Tiên đạt chuẩn nông thôn mới. Ở các xã nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, mỗi xã xây dựng 1 - 2 mô hình mẫu có hiệu quả kinh tế cao gắn với xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, khuyến khích xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm các loại như: lúa, gạo chất lượng cao; trồng rau sạch, trồng dâu nuôi tằm, phát triển cây ăn trái…
Trước đó, trong năm 2019, huyện Cát Tiên đã tiếp tục huy động, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Riêng trong xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động được trên 869 tỷ đồng, trong đó vốn nhân dân đóng góp gần 20 tỷ đồng. Nhờ vậy, công tác xây dựng nông thôn mới hoàn thành mục tiêu đề ra, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống nhân dân được ấm no, ổn định hơn...
Một yếu tố quan trọng khác góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Cát Tiên trong năm 2019 là cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư xây dựng khang trang, phục vụ tốt cho đời sống sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Cùng với việc triển khai các công trình trọng điểm như hồ chứa nước Đạ Sị, đường ĐT 721..., huyện tập trung phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng... Đến hết năm 2019, toàn huyện cứng hóa được gần 17km đường giao thông nông thôn, nâng tổng số chiều dài đường được cứng hóa lên gần 335km, đạt tỷ lệ cứng hóa là 85,32%; xây dựng, sửa chữa nâng cấp 25 công trình thủy lợi, kiên cố hóa gần 4,5km kênh mương nội đồng. Các loại hình dịch vụ - thương mại ngày càng phát triển đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và phục vụ tốt cho sản xuất của nhân dân.
HTX vươn lên từ vùng đất khó
Là một xã thuần nông, Phước Cát 1 đang vươn mình trở thành một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cát Tiên. Năm 2015, Phước Cát đã được tỉnh Lâm Đồng công nhận là xã điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Các HTX là một trong những "đầu tàu" phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững (Ảnh: TL) |
Giữa năm 2018, Phước Cát vinh dự được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết thành lập thị trấn Phước Cát - một đô thị mới đã được hình thành nằm giữa vùng đất giáp ranh 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước. Lãnh đạo UBND huyện Cát Tiên đánh giá Phước Cát có đủ điều kiện để tiếp tục vươn lên trở thành điểm sáng tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới của huyện.
Từ năm 2005 trở lại đây, nhờ hệ thống thủy điện trên sông Đồng Nai điều tiết nước trong mùa mưa nên Phước Cát không còn bị lũ lụt, tạo thuận lợi cho người dân trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt là sản xuất lúa nước trên vùng đất bồi, đất lầy ven sông. Từ chỗ thường xuyên phải nhận gạo cứu trợ của Nhà nước, Phước Cát trở thành trung tâm sản xuất lúa giống và gạo mang thương hiệu “Lúa - Gạo Cát Tiên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Ông Lê Văn Bảy, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Lê Gia cho biết, năm 1982, ông là một trong những người đầu tiên từ Bình Định vào Phước Cát khai hoang lập nghiệp. Gần 40 năm gắn bó với mảnh đất này, từ hai bàn tay trắng, ông đã tạo dựng nên một cơ nghiệp vững chắc. Đi lên từ nông nghiệp, nhưng mấy qua, ông Bảy chuyển sang làm dịch vụ, kinh doanh. HTX Lê Gia vừa sản xuất cây giống, cung ứng vật tư nông nghiệp, vừa thu mua chế biến hạt điều xuất khẩu.
Hiện nay, mỗi năm HTX Lê Gia thu mua của bà con nông dân trong vùng hơn 600 tấn hạt điều để chế biến, xuất khẩu, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 80 lao động.
Một điển hình khác của khu vực kinh tế hợp tác của huyện Cát Tiên là HTX Nông nghiệp Phước Cát. Hiện, HTX có nhà máy chế biến lúa gạo với công suất 18.000 tấn/năm, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng chục nghìn tấn gạo mang thương hiệu “Gạo Cát Tiên”.
Những năm gần đây, HTX Phước Cát mở thêm ngành nghề sản xuất kinh doanh mới là trồng dâu, nuôi tằm. Hiện, HTX đã có 12ha đất trồng dâu và trang trại nuôi tằm được xây dựng khép kín, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân trong vùng.
Vùng đất khó Phước Cát giờ đã thay đổi, khi trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình nổi trội trong phát triển kinh tế, như mô hình nuôi bò, trồng dâu nuôi tằm. Đồng thời, Phước Cát còn có thôn buôn đồng bào dân tộc thiểu số phát triển thổ cẩm và sản xuất rượu cần phục vụ cho khách du lịch. Đây cũng là một trong những hướng đi mới trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại Phước Cát.
Đức Nguyễn