Với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng nông sản sạch, chất lượng và an toàn cho sức khỏe, tháng 7/2017, HTX được thành lập với 9 thành viên, tổng diện tích sản xuất 70 ha. Đến nay, số lượng thành viên đã tăng lên 75 người, với 513 ha đất sản xuất lúa, trong đó có 120 ha lúa giống, 50 ha lúa sản xuất theo hướng VietGAP và 5 ha lúa hữu cơ (gạo đỏ, gạo tím và gạo Huyết rồng).
Hiệu quả kinh tế và môi trường
Là đại diện ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, HTX thu mua lúa VietGAP của nông dân cao hơn 20% so với giá lúa lương thực ngoài thị trường. Sau đó, HTX sấy, xay gạo và đóng gói bán. Nhờ đó, quyền lợi nông dân được bảo đảm và ngày càng nhiều người muốn tham gia HTX.
Anh Nguyễn Văn Bình (ấp Kinh Mới) cho biết gia đình anh chuyên sản xuất lúa và rau sạch nên sản phẩm bảo đảm chất lượng. Sau khi thu hoạch, anh Bình giao cho HTX.
“Khi tham gia HTX, chúng tôi được hướng dẫn về kỹ thuật, quy trình sản xuất nên giảm được lượng giống và vật tư nông nghiệp. Tuy năng suất chỉ bằng 50% so với lúa vô cơ, nhưng sản phẩm chất lượng nên giá bán cao hơn, bảo đảm lợi nhuận cho người sản xuất. Chúng tôi mong được hỗ trợ về vốn và đầu ra sản phẩm để mở rộng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và an tâm sản xuất”, anh Bình nói.
Để sản xuất hiệu quả mà vẫn bảo vệ được môi trường sinh thái, các thành viên khi cải tạo đất, quản lý cỏ dại và phòng trừ sâu, bệnh đều không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu hay diệt cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Trong quá trình canh tác, nông dân thả vịt và nuôi cá trên ruộng lúa để diệt sâu, rầy... Bên cạnh đó, các phương pháp phòng trừ sâu, bệnh truyền thống như dùng thảo dược (ớt, tỏi, nấm xanh, nấm trắng, vôi bột…) nhằm xua đuổi côn trùng, trồng hoa sinh thái thu hút các loài thiên địch cũng được áp dụng hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Diệu Ngân - Giám đốc HTX, khẳng định quá trình thu hoạch và xử lý sản phẩm không sử dụng bất kỳ chất bảo quản nào. Do được thu hoạch khi lúa vừa chín, sau thu hoạch thì cho vào nhà máy sấy ngay, không để lúa ủ trong bao qua đêm nên hương vị của gạo đậm đà và giàu dinh dưỡng.
Sản phẩm gạo hữu cơ của HTX còn được hút chân không nhằm bảo quản một cách hiệu quả. HTX cũng chưa dám ký những hợp đồng lớn vì số lượng sản phẩm gạo hữu cơ hiện nay chưa đủ cung cấp.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ bảo vệ môi trường |
Tạo niềm tin và thương hiệu
Gạo hữu cơ của HTX được trồng từ giống lúa thuần chủng, không biến đổi gen và canh tác hữu cơ theo quy trình khép kín. Sản phẩm gạo an toàn được sản xuất theo hướng VietGAP gồm gạo thơm hương cốm Vĩnh Hưng, gạo thơm Nàng Hoa 9.
Sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc, quy trình sản xuất sạch, tiêu chuẩn sản xuất, kiểm soát được các khâu chế biến sau thu hoạch và bảo quản. Vì thế, sản phẩm đã tạo được thương hiệu, niềm tin, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.
Ngoài canh tác lúa hữu cơ, HTX còn sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt chất lượng và bảo đảm an toàn thực phẩm. Hiện, có 4 hộ sản xuất với diện tích 3.000 m2 rau ăn lá. HTX giao sản phẩm sau thu hoạch của nông dân cho tiểu thương và các quán ăn trên địa bàn thị trấn Vĩnh Hưng. Tới đây, HTX sẽ khảo nghiệm rau thủy canh, hướng tới mở rộng sản xuất.
Sản xuất hữu cơ đang là một hướng đi đúng nhưng khó khăn hiện nay đối với HTX là chưa xây dựng được trụ sở cũng như chưa có địa chỉ cụ thể và tiêu thụ nhỏ, lẻ. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận - Nguyễn Ngọc Nghĩ: “Thực hiện chủ trương của tỉnh và huyện, chúng tôi tiếp tục kêu gọi các đơn vị mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường trên địa bàn. Đối với HTX Vĩnh Thuận, xã sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ HTX phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm”.
Hoàng Lê