Theo Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ, thành phố đẩy mạnh sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn, quy mô 100.000 ha/năm, đồng thời tích cực hỗ trợ HTX, THT sản xuất sạch, an toàn được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.
Liên kết sản xuất
Nắm bắt xu hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị đang được triển khai tích cực trên địa bàn Cần Thơ.
Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến nay đã đã hình thành được vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 229 ha, vùng trồng hoa cảnh với diện tích trên 50 ha và nhiều vùng cây ăn trái tập trung, sản xuất theo VietGAP và các quy trình tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện môi trường.
Bước đầu, nông dân, HTX và doanh nghiệp đã “bắt tay” đầu tư sản xuất rau, cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao như sản xuất rau trong nhà lưới, rau thủy canh, áp dụng hệ thống tưới phun tự động trên rau, cây ăn trái... nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm. Cần Thơ còn xây dựng nhiều mô hình vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận cao gấp từ 1,5 - 2 lần so với chỉ trồng cây ăn trái.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Cần Thơ đã chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bền vững, đảm bảo an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay đã có 73 trang trại chăn nuôi quy mô lớn và trên 222 ha nuôi thủy sản an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, BMP...
Để vấn đề liên kết giữa người dân với doanh nghiệp thành công, ngoài tạo điều kiện để phát triển các HTX, tổ hợp tác, ngành nông nghiệp tỉnh còn hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp. Từng bước nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân gắn với phát triển sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng, theo tiêu chuẩn, có sức cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất rau, cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao như trồng rau trong nhà lưới, rau thủy canh, tưới phun trên rau, cây ăn trái... để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Với định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện Cần Thơ đã xây dựng được 31 vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận cao gấp 1,5 - 2 lần so với chuyên canh cây ăn trái truyền thống.
Trong đó có một số HTX hoạt động hiệu quả như: sản xuất lúa của HTX Quyết Thắng 84 ha, HTX Hiếu Bình 26,7 ha, Đồng Vạn 63 ha; sản xuất rau màu của HTX rau an toàn Long Tuyền, HTX Khiết Tâm 100 ha...
Về thủy sản, tỉnh đã có 618 ha nuôi cá tra được triển khai xây dựng vùng nuôi theo tiêu chuẩn GlobalGAP, ASC, SQF, BMP, Metro GAP… nhằm cung cấp sản phẩm hàng hóa chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Sản xuất lúa sạch
Lúa là cây chủ lực của Cần Thơ nhưng những năm gần đây, để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, Cần Thơ đã phát triển những cánh đồng lớn với sự dẫn dắt của HTX và doanh nghiệp.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có những chuỗi liên kết chặt chẽ nhằm bảo đảm cho cây lúa phát triển bền vững nhờ sự liên kết giữa doanh nghiệp và HTX như: Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) và HTX Hiếu Bình, công ty CP Gentraco và HTX Đại Lợi, công ty Trung An và HTX An Xuân, công ty CP Giống cây trồng Thái Bình và HTX Khiết Tâm.
Cần Thơ đã xây dựng được vùng sản xuất lúa gạo sạch |
Thực hiện liên kết xây dựng chuỗi giá trị lúa sạch, HTX Khiết Tâm ở xã Thạnh Lợi ở huyện Vĩnh Thạnh đã nhanh chóng tìm hướng đi mới, khuyến khích thành viên và người dân. Bên cạnh việc nâng cao sản xuất, lợi ích của các thành viên cũng được HTX quan tâm.
Anh Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm cho biết: Những năm trước đây, trình độ của nông dân còn lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ theo phương thức hộ gia đình thường gặp cảnh được mùa mất giá, lại khó tiêu thụ. Bà con trồng lúa theo tập quán cũ như: Gieo sạ mật độ dày, sử dụng giống chất lượng kém, sử dụng phân bón, thuốc BVTV không đúng quy trình, thu hoạch bằng thủ công gây thất thoát và chi phí sản xuất cao, dẫn đến thu nhập thấp. Khi phát triển cánh đồng lớn theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP), HTX tiến hành gieo một loại giống, xuống giống đồng loạt. HTX cũng áp dụng đầy đủ các giải pháp kỹ thuật và cơ giới hóa.
HTX và doanh nghiệp tham gia sản xuất lúa sạch phải ký biên bản ghi nhớ, áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng và “1 phải, 5 giảm”, xây dựng quy trình lúa sạch về dư lượng thuốc BVTV, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.
Đặc biệt là các giải pháp kỹ thuật tiên tiến như: Dùng giống lúa xác nhận, giảm lượng nước vừa đủ, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc BVTV, giảm phân bón… Các kỹ thuật này được nông dân áp dụng, vừa tăng hiệu quả, giảm chi phí, vừa cải thiện tốt môi trường đồng ruộng.
Được biết, trong năm 2019, ngành nông nghiệp Cần Thơ phấn đấu diện tích lúa cả năm là trên 216.000 ha với tổng sản lượng đạt trên 1,3 triệu tấn. Môi trường nông thôn cũng được cải thiện nhờ các chuỗi liên kết.
Huyền Trang