Nhận thấy trước đây, người dân sản xuất manh mún, chưa chú trọng đầu tư máy móc để phục vụ sản xuất hay chưa đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật nên hiệu quả sản xuất thấp, gây khó khăn về bảo vệ môi trường (BVMT) theo đúng quy định trong sản xuất nông nghiệp.
Sản xuất cánh đồng lớn
Trước thực tế trên, HTX đã thực hiện dồn điền, sản xuất tập trung trên cánh đồng lớn. Hiện nay, diện tích sản xuất của HTX là 100ha, thu hút hơn 300 người dân tham gia sản xuất theo hướng hàng hóa.
Cách làm của Phước Hưng là phá bờ thửa, mở rộng bờ vùng tại 2 thôn Lương Lộc và Tân Hội, 2 thôn này có cánh đồng nối liền, mỗi thôn 50 ha. HTX cũng đúc trụ bê tông, cắm phân ranh giới từng thửa ruộng theo bờ thửa cũ, diện tích ruộng của mỗi hộ vẫn được phân định riêng.
Bờ thửa được phá, ruộng đã trở thành cánh đồng lớn, máy cày máy gặt thoải mái hoạt động, không còn bị vướng bờ vướng góc như trước. Việc tổ chức sản xuất trở nên thuận lợi hơn.
Nhờ liên kết được với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, thành viên và người dân đều được hướng dẫn kỹ thuật quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ quy trình “3 giảm- 3 tăng”, “1 phải- 5 giảm” nên lúa sinh trưởng tốt, đồng đều, sâu bệnh được khống chế, hạn chế tình trạng phải sử dụng các loại thuốc trừ sâu hóa học bán tràn lan trên thị trường.
Qua đó, giúp nông dân nâng cao nhận thức chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng xây dựng cánh đồng lớn, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí môi trường.
Sản xuất theo cánh đồng lớn góp phần bảo vệ môi trường |
“Việc thực hiện mô hình cánh đồng lớn cũng góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe của nông dân do giảm số lần phun xịt thuốc trừ sâu. HTX chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” và dùng thuốc nằm trong danh mục cho phép lưu thông trên thị trường và nâng cao chất lượng hạt gạo:-ông Trần Tăng Long-Giám đốc HTX cho biết.
Không dừng lại ở đó, HTX còn đầu tư trên 500 triệu đồng mua 2 máy cuốn rơm và tổ chức thu mua rơm để cung ứng theo hợp đồng cho trang trại chăn nuôi bò sữa Bình Định và công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (tại Gia Lai), mang lại doanh thu 500 - 600 triệu đồng/năm. Hoạt động này cũng giải quyết tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường của người dân những năm trước đó.
Năng động trong kinh doanh
Để người dân yên tâm tham gia HTX, hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật HTX, đảm bảo quyền và lợi ích của thành viên.
Lợi nhuận được chia cho thành viên theo mức độ góp vốn và sử dụng dịch vụ, nên các thành viên đều sử dụng dịch vụ của HTX. Cán bộ, nhân viên được HTX bố trí công việc phù hợp với trình độ chuyên môn, phát huy được năng lực bản thân. Nhờ vậy, doanh thu của HTX ngày càng tăng.
Để tăng lực sản xuất, HTX đã mở rộng sang dịch vụ điện và kinh doanh xăng dầu. Lợi nhuận từ kinh doanh điện đạt trên 8 tỷ đồng/năm, lợi nhuận gần 500 triệu đồng; doanh thu kinh doanh xăng dầu từ 14 - 18 tỷ đồng/năm, lợi nhuận gần 400 triệu đồng…
Có thể thấy, những lĩnh vực mới phù hợp với sự phát triển của thị trường nhưng để mang lại hiệu quả, HTX không quên chú trọng đến yếu tố môi trường theo quy định của Nhà nước.Các thành viên, người lao động đều được tập huấn kỹ năng, bổ sung kiến thức phục vụ sản xuất.
Đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, các thành viên HTX đều phải hiểu được tính chất, cơ chế ảnh hưởng của chất độc hại trong xăng dầu đối với môi trường và sức khỏe con người; nắm vững cách xử lý, khắc phục, hạn chế tác động của ô nhiễm môi trường trong kinh doanh xăng dầu.
Nhờ đó, khu vực sản xuất của HTX luôn bảo đảm an toàn, thành viên người lao động cũng được bảo vệ chính đáng, hạn chế những tác động đến môi trường và sức khỏe.
Huyền Trang