Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có khoảng 4.575 làng nghề, trong số đó có 13,59 % là các làng nghề sản xuất thực phẩm. Đây là loại hình sản xuất có nhu cầu sử dụng nước lớn và phần lớn lượng nước này được thải ra ngoài môi trường. Nếu không xử lý một cách khoa học, nước thải ở các làng nghề này sẽ tồn đọng ở cống rãnh thường bị phân hủy yếm khí gây ô nhiễm không khí và ngấm xuống lòng đất gây ô nhiễm môi trường đất và suy giảm chất lượng nước ngầm.
Vai trò của HTX
Thực tế, các làng nghề sản xuất bún, mì, bánh giải quyết việc làm cho hơn 11 triệu lao động nông thôn. Các làng nghề này đang phát triển và có vai trò giải quyết việc làm, tạo ra nguồn thu nhập cho nhiều tầng lớp dân cư.
Nếu như 80% làng nghề trên cả nước vi phạm pháp luật về môi trường, trở thành mối hiểm họa tới sức khỏe người dân, tạo áp lực nặng nề cho xã hội, thì một số làng nghề sản xuất bún, bánh, mì đã có những chuyển biến trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT).
Để giải quyết khó khăn về ô nhiễm môi trường, hầu hết các làng nghề đã thành lập HTX để liên kết người dân trong làng nghề sản xuất theo quy mô lớn, đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại.
Làng nghề miến dong Bình Lư (Tam Đường, Lai Châu) là một ví dụ. Đã từng một thời gian, làng nghề miến Bình Dong gặp khó khăn do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, môi trường ô nhiễm. Từ khi HTX Duy Sơn đi vào hoạt động và chú trọng hai yếu tố ngon, sạch, hoạt động sản xuất của làng nghề cũng phát triển.
Bằng việc cải tiến hệ thống vận hành, HTX có thể cùng lúc ép ra hàng trăm sợi miến với độ dài và độ đồng đều cao. HTX giảm 50% điện năng tiêu thụ trong khâu xay, ép nhờ cải tiến hệ thóng điện, từ đó giá miến giảm hơn mà năng suất lao động lại cao hơn. Hệ thống lắng bột của HTX cũng gắn với hệ thống xử lý nước thải nên bảo đảm vệ sinh môi trường.
Không dừng lại ở đó, HTX còn gắn sản xuất miến với nghề chăn nuôi gia súc và thủy sản. Vì thế những phụ phẩm của quá trình làm miến được tận dụng, vừa mang lại giá trị kinh tế đa nguồn, giúp giá thành của miến thấp hơn và bảo đảm môi trường.
![]() |
Làng nghề miến Dong Dương Liễu đã chú trọng đến vệ sinh môi trường |
Chung tay của địa phương
Tại làng nghề sản xuất bún xã Đông Thọ (Tp.Thái Bình), nghề sản xuất miến đã thu hút 80% số hộ gia đình tại địa phương thu mua nguyên liệu, chế biến và sau đó tự tiêu thụ sản phẩm, tạo được nhiều việc làm cho lao động lúc nông nhàn.
Tuy nhiên, trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, chính quyền xã Đông Thọ đã có biện pháp đối với các hộ gây ô nhiễm môi trường là cắt điện không cho sản xuất, đồng thời tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tập huấn về BVMT cho các hộ tại thôn Đoàn Kết và Thống Nhất - hai thôn tập trung sản xuất miến dong trên địa bàn xã.
Cùng với đó, xã đã phối hợp Trung tâm các chương trình kinh tế - xã hội (Liên minh HTX Việt Nam) thiết kế và lắp đặt, thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải quy mô hộ, nhóm hộ. Hệ thống này có chi phí phù hợp, vận hành dễ dàng, chủ yếu sử dụng biện pháp sinh học. Do hiệu quả mang lại tương đối lớn, hiện nay các hộ sản xuất miến đang tích cực cùng chính quyền đầu tư xây dựng các bể xử lý nước thải, chung tay bảo vệ môi trường.
Còn tại làng nghề miến Dong Dương Liễu, ngoài khuyến khích các hộ sản xuất đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, địa phương còn tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên trách, có kiến thức hiểu biết về môi trường, nắm được các quy luật của tự nhiên và phát triển kinh tế - xã hội để định hướng người dân sản xuất bền vững.
Theo ông nguyễn Danh Bảo - Chủ tịch xã Dương Liễu, để sản xuất sạch, bảo đảm vệ sinh, vào các ngày lễ, Tết và ngày thứ bảy, chủ nhật, xã đã huy động các hội, đoàn thể, nhân dân tiến hành tổng vệ sinh môi trường, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.
Như Yến