Sản phẩm miến của HTX đã có mặt tại nhiều tỉnh thành |
Miến dong Bình Liêu giờ đây đã có thị trường ổn định nhờ khẳng định được chất lượng. Sản phẩm được đánh giá cao nhờ sản xuất theo quy trình sạch, giữ được đặc điểm riêng nhờ sợi miến sau khi nấu có độ dẻo, mềm nhưng không nhão, miến có mùi thơm của cây dong riềng…
Thay đổi nhận thức về môi trường
Đến Bình Liêu hôm nay đã có nhiều đổi thay. Nhiều nhà cao tầng có kiến trúc hiện đại đã mọc lên. Các con đường cũng được bê tông hóa kiên cố. Có được hình ảnh mới này một phần là nhờ vào nghề làm miến dong với thương hiệu “miến dong Bình Liêu”. Có thể nói, tuy là nghề phụ nhưng từ lâu, làm miến đã đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình.
Sự phát triển của nghề làm miến dong cũng kéo theo mối lo ô nhiễm môi trường càng lớn. Trong xã đã có gần 60 dây chuyền sản xuất miến. Trung bình 1 dây truyền thải ra môi trường khoảng 7-8m3 nước thải/ngày.
Để phát triển bền vững và bảo vệ môi trường luôn là mối trăn trở của người dân và các cấp chính quyền nơi đây. Trong đó, việc thành lập HTX là một trong những hướng đi hiệu quả được địa phương quan tâm.
Được sự hỗ trợ của Hội nông dân, HTX Phát triển Đình Trung ra đời với vai trò liên kết người dân sản xuất sạch thông qua những hệ thống máy móc và kĩ thuật hiện đại. Đây cũng là hướng giải quyết bài toán môi trường từ sản xuất miến dong trên địa bàn xã.
HTX cùng chính quyền địa phương xây dựng mô hình xử lý nước thải với tổng kinh phí 100 triệu đồng. Nước thải của các hộ sản xuất miến sẽ được xử lí sạch trước khi thải ra môi trường làm nước phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, HTX tổ chức các buổi tập huấn để các thành viên và bà con nông dân nâng cao ý thức về vệ sinh môi trường khu vực sản xuất miến dong, đóng kệ để kê xếp vỉ miến cho gọn gàng ngăn nắp…
Các hộ thành viên đã đầu tư máy móc nên năng suất được tăng cao, sản phẩm làm ra sạch sẽ, đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiết kiệm được thời gian và nhân công lao động.
Theo La A Nồng, Giám đốc HTX, nhờ mô hình xử lý chất thải và kiến thức được tập huấn, ý thức bảo vệ môi trường của người dân và thành viên được nâng cao. Nhờ công trình này mà các hộ yên tâm sản xuất không còn lo ngại về hiện tượng ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm miến dong truyền thống.
Khẳng định chất lượng
Bình quân mỗi ngày, HTX sản xuất và tiêu thụ gần 2 tấn miến. Miến dong được sản xuất 100% củ cây dong riềng theo quy trình công nghệ hiện đại, không sử dụng phẩm màu, không có hoá chất hoặc phụ gia và chất tẩy trắng.
Để làm ra sợi miến dai, ngon, có màu tự nhiên như hiện nay, các thành viên HTX đã phải đúc kết bằng nhiều năm kinh nghiệm, tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc bất di, bất dịch, từ khâu chọn nguyên liệu, làm sạch củ dong, xay bột, phơi…
Trước khi xuất ra thị trường, HTX đều kiểm tra kỹ lưỡng chất lượng, đảm bảo uy tín của người tiêu dùng. Hiện nay, sản phẩm của HTX đã có mặt ở một số thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc; đặc biệt các siêu thị lớn ở Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với khối lượng lớn…
“Tất cả bà con thành viên và hộ liên kết phải tuân thủ theo quy trình quy định. Miến được dán logo “miến dong Bình Liêu” và ghi rõ được sản xuất tại HTX Phát triển Đình Trung. Đáng chú ý, sản phẩm nào cũng gắn mã số của hộ sản xuất giúp truy xuất nguồn gốc và ràng buộc thành viên luôn sản xuất sạch”-anh La A Nồng nói.
Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất khoảng 60 tấn miến thành phẩm cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh, giá mỗi kg miến dong khoảng 75.000 đồng. Với quy mô sản xuất này, trừ chi phí, mỗi năm cũng đem lợi nhuận cho HTX khoảng 500 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm cho người lao động tại địa phương với thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.
Như Yến