La Pán Tẩn là xã nghèo đặc biệt khó khăn với 99% người dân là đồng bào dân tộc H Mông. Một thời, nơi đây từng là “thủ phủ” của cây thuốc phiện, người nghiện chiếm gần 80% dân số xã, người nghèo chiếm 100%. Thế nhưng giờ đây, mảnh đất này lại đang được biết đến là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng của không chỉ riêng huyện Mù Cang Chải.
Đầu tư phát triển du lịch
La Pán Tẩn là xã vùng sâu nằm chót vót trên đỉnh Khau Phạ, nơi được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Tây Bắc. Với chiều cao gần 2.000 mét so với mực nước biển, cùng 2.200ha ruộng bậc thang xếp thành từng lớp như một bức tranh sơn dầu nhuốm màu xanh tươi. Ruộng bậc thang nơi đây được ví đẹp tựa vân tay của trời. Ngoài ra, La Pán Tẩn còn hút khách bởi vẻ đẹp thuần khiết của những đồi mâm xôi, cánh đồng hoa tớ dầy (đào rừng), hoa cải hay sự hùng vỹ của thác Phú Nhu.
Ruộng bậc thang tại La Pán Tẩn được ví đẹp tự vân tay của trời |
Từ năm 2015, khách du lịch đến xã ngày một đông nhờ điều kiện tự nhiên và nét đẹp văn hóa đặc trưng. Nhằm đáp ứng nhu cầu ăn, ở, trải nghiệm cho du khách, đặc biệt đối với du khách nước ngoài, xã đã chủ trương phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Để làm được điều này, xã đã nhận được sự giúp đỡ tích cực của huyện khi đưa một số hộ đi học hỏi kinh nghiệm làm du lịch ở thị xã Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La).
Những gia đình phát triển mô hình du lịch cộng đồng được hỗ trợ vốn không lãi suất 20 triệu đồng/hộ để sửa nhà, xây dựng thêm các công trình vệ sinh. Thông qua các lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp và sự chủ động học hỏi, đến nay, không ít người dân có thể giao tiếp với du khách bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.
Chị Vàng Thị Lý, người dân La Pán Tẩn, chia sẻ vợ chồng chị bắt đầu làm du lịch cộng đồng vào cuối năm 2017, du khách chủ yếu là người nước ngoài. Để giao tiếp được với du khách, chị đã lên thị xã Sa Pa làm nhân viên chạy bàn để học tiếng Anh. Trong 5 tháng, chị có thể giao tiếp được với người nước ngoài.
Không chỉ tận dụng điều kiện tự nhiên, người dân và chính quyền xã La Pán Tẩn còn nhận thấy, người H Mông có những giá trị văn hóa như làm nương, đám cưới, lễ hội, dệt vải, nhuộm chàm; ẩm thực phong phú… Những điều này cũng thu hút khách du lịch. Chính vì vậy, trong phòng ngủ của du khách, các hộ dân đều trang trí chăn ga, gối, đệm bằng thổ cẩm của người H Mông để du khách cảm nhận rõ nét văn hóa của đồng bào nơi đây. Thức ăn cũng là những món truyền thống...
Điều đặc biệt là người dân nơi đây đã biết mời khách du lịch ở lại để dạy tiếng anh. Công dạy học chẳng có gì ngoài một bữa sáng miễn phí mà khách cũng rất hứng thú vì có thêm thời gian tìm hiểu cuộc sống của người dân. Hiện, lớp học tiếng Anh như vậy được duy trì đều đặn vào tất cả các buổi tối trong tuần, thu hút khoảng 20 - 25 người dân tham gia.
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, người dân La Pán Tẩn đã kết nối với các công ty lữ hành tích cực quảng bá về những điểm nổi bật của địa phương cũng như các homestay của mình trên nhiều trang web về du lịch uy tín, mạng xã hội facebook. Đến nay, những người làm du lịch đã thành thạo trong hỗ trợ tư vấn dịch vụ, đặt phòng trực tuyến, kêu gọi vốn đầu tư… Không chỉ trồng lúa, diện tích ruộng bậc thang cũng được luân phiên trồng lúa mì để nâng cao kinh tế, thu hút du khách.
Để hỗ trợ người dân, địa phương đã thành lập Câu lạc bộ "Đoàn viên thanh niên phát triển du lịch cộng đồng” với sự tham gia của 25 thành viên. Đây là nơi các thành viên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế từ làm du lịch.
Cuộc sống ấm no
So với vùng thấp, du lịch cộng đồng ở xã La Pán Tẩn cho thu nhập chưa cao nhưng với cách làm bài bản và chú trọng phát triển theo hướng bền vững, du lịch cộng đồng giúp đồng bào người Mông tại La Pán Tẩn từng bước xóa đói giảm nghèo.
Nhờ làm du lịch, đời sống kinh tế người dân khấm khá lên từng ngày. Hiện tại ở La Pán Tẩn không còn cảnh trẻ em thất học, quanh năm suốt tháng theo bố mẹ khó nhọc kiếm cái ăn trên nương rẫy. Thay vào đó, các em đều được bố mẹ dành thời gian chăm nuôi, cho ăn học đàng hoàng. Cảnh nghèo đói không có cái ăn, chỉ trông chờ vào nương ngô cũng đã lùi lại phía sau.
Cuộc sống người dân La Pán Tẩn dần ấm no nhờ chú trọng phát triển du lịch |
Nhờ phát triển du lịch, năm 2019, tỷ lệ giảm nghèo toàn xã đạt 11%, tương đương 104 hộ nghèo, vượt 3% theo kế hoạch; thu nhập bình quân của người dân đạt 15 triệu đồng/người/năm. Hiện tại, hộ nghèo toàn xã còn 333/857 hộ toàn xã, phấn đấu năm 2020 giảm 10%.
Ông Hảng Xáy Chông, Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn, cho biết trước đây người H Mông luôn có suy nghĩ bằng lòng với cuộc sống hiện tại, qua tuyên truyền vận động của chính quyền địa phương, hiện nay người dân đã dần chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa, tích cực phát triển thế mạnh là du lịch cộng đồng. Nhiều con em tại địa phương sau khi học đại học đã tập trung cùng gia đình phát triển kinh tế, du lịch. Từ đó, tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức, tăng thu nhập, bảo đảm an ninh lương thực cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.
Không bó hẹp trong suy nghĩ, người dân nơi đây đã không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, dám nghĩ dám làm để đưa vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa của người H Mông đến với nhiều người. Vì thế, lớp áo xù xì vì đói nghèo tại La Pán Tẩn nay được thay bởi cuộc sống ấm no của người dân.
Huyền Trang