Với những điều kiện tuyệt vời về khí hậu, thổ nhưỡng, Bình Sơn có lợi thế đặc biệt trong phát triển kinh tế đồi, vườn, rừng, đan xen nông lâm nghiệp. Những năm qua, xã được biết đến với những đồi chè bát ngát, rừng keo, rừng nguyên liệu giấy, cây ăn quả, cây dược liệu,… 4 mùa hoa trái.
Điểm tựa từ cây chè
Trong số nhiều loại cây trồng mang lại hiệu quả, chè xanh đang được xác định là cây kinh tế mũi nhọn ở Bình Sơn. Kể từ năm 2016 đến nay, xã đã tích cực chuyển đổi các vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc vùng nguyên liệu.
Cây chè đang là cây trồng kinh tế chủ lực ở Bình Sơn, nhờ phương thức sản xuất khoa học (Ảnh TL). |
Năm 2016, HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn được xã hỗ trợ chuyển đổi theo Luật HTX 2012. Qua đó, trở thành đơn vị đầu tàu trong liên kết, phát triển vùng chè sạch, quy mô lớn tại địa phương, nâng cao chất lượng, nâng tầm thương hiệu sản phẩm trên thị trường.
Ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX Bình Sơn, cho hay sau nhiều năm gắn bó với phương thức sản xuất cũ, tư duy manh mún đã ăn sâu vào tiềm thức của người trồng chè. Vì vậy, khi xác định đưa cây chè thành cây kinh tế chủ lực, xã đã tăng cường tập huấn kỹ thuật cho người dân.
Để tạo sức lan tỏa, 20 thành viên của HTX, chiếm trên 70% diện tích chè toàn xã, trở thành những tấm gương bằng cách tuân thủ tuyệt đối các quy định và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, tạo ra những sản phẩm chè sạch, thơm ngon đặc trưng.
Đơn cử, trong quá trình canh tác, thay vì lạm dụng các loại phân bón hóa học dùng tràn lan như trước kia, các thành viên HTX thay thế bằng phân bón chuyên canh, đặc hữu dành riêng cho cây chè Bình Sơn.
Chị Cao Thị Hoa, chủ đồi chè tại thôn Đông Tranh, chia sẻ: “Mọi quy trình sản xuất phải tuân theo khuyến cáo và hướng dẫn của HTX, ngay cả bón phân cũng phải lấy phân hữu cơ từ bã sắn do HTX cung ứng. Mọi khâu chăm sóc, chúng tôi phải tuân thủ để có sản phẩm an toàn, tạo uy tín, có đầu ra bền vững”.
Các khu chăn nuôi được di dời xa khỏi vùng trồng chè để giảm thiểu ô nhiễm, loại bỏ nguồn vi sinh vật gây bệnh, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu, tăng độ thơm mát cho chè thành phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
“Việc các thành viên HTX đi đầu trong sản xuất VietGAP, hữu cơ, thân thiện môi trường, duy trì tính hiệu quả của mô hình, đã truyền cảm hứng cho các hộ trồng chè còn lại trên địa bàn, giúp vùng chè sạch, chất lượng cao trên địa bàn xã liên tục được mở rộng”, ông Lê Đình Tú nhấn mạnh.
Đến nay, toàn xã Bình Sơn đã phát triển thành công hơn 350 ha trồng chè, hầu hết các diện tích đảm bảo chất lượng VietGAP, hữu cơ. Các sản phẩm chè của Bình Sơn đang được thị trường đón nhận, có chỗ đứng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM…
Nâng tầm thế mạnh
Với lợi thế có vùng chè sạch, cùng nhiều loại hoa trái tự nhiên, xã Bình Sơn chủ động phát triển thêm vùng nuôi ong mật. Đến nay, toàn xã đã có hơn 700 đàn ong, tạo thu nhập cao cho các hộ sản xuất.
Trên những đồi chè, sản phẩm mật ong Bình Sơn ra đời, cho giá trị kinh tế cao (Ảnh TL) . |
Giống như với cây chè, HTX Bình Sơn cũng đang là đơn vị chủ lực phát triển vùng nuôi ong tại địa phương, với hơn 400 hộ liên kết. Theo HTX, do giáp ranh với vùng lõi của các lâm trường nên nguồn hoa rừng tự nhiên cho đàn ong rất phong phú, cộng thêm đặc điểm riêng của hoa chè nên mật ong Bình Sơn có hương vị, độ thơm ngọt rất đặc trưng.
Hiện tại, cả hai sản phẩm chè búp nhãn hiệu “Chè Bình Sơn” và sản phẩm “Mật ong 4 mùa hoa rừng nguyên chất” được nuôi trên đồi chè và rừng địa phương đã được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa. Các loại sản phẩm này từng trưng bày ở nhiều triển lãm trong và ngoài tỉnh, có thị trường rộng mở.
Theo đại diện UBND xã Bình Sơn, nhờ kết hợp tốt giữa cây chè và nuôi ong, thế mạnh tự nhiên của xã Bình Sơn được nâng tầm rõ rệt. Giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích của xã hiện đạt trên 200 triệu đồng/năm. Trên 70% lao động của xã có việc làm từ việc chăm sóc và sơ chế chè, nuôi ong.
Trong thời gian tới, xã sẽ hỗ trợ HTX tiếp tục mở rộng thêm 20 ha diện tích chè, phát triển thêm 150 - 200 đàn ong, trên 10 ha cây ăn quả, đồng thời tham gia thêm 2 sản phẩm OCOP là trà xanh túi lọc, trà cà gai leo túi lọc.
Sự đồng hành của địa phương cùng sự năng động của HTX chắc chắn sẽ là điểm tựa để các sản phẩm nông sản địa phương đứng vững trên thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần xây dựng quê hương Bình Sơn nói riêng và huyện Triệu Sơn nói chung ngày một phát triển.
Nhật Minh