Làng Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu, nằm trên tuyến đường chính nối TP Đà Nẵng với các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Ở làng Bhơ Hôồng, các sản phẩm mây tre đan nổi tiếng gắn với tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa đã được khách du lịch trong và ngoài nước phát hiện và đánh giá cao.
Khai thác tiềm năng du lịch để giảm nghèo
Tháng 6/2011, Dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền tỉnh Quảng Nam” do Chính phủ Luxembourg tài trợ và các đối tác gồm Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cùng các sở, hội đoàn thể trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như Sở VH-TT&DL, Sở LĐ-TB&XH, Sở Công Thương, Hiệp hội du lịch và các địa phương thực hiện.
Dự án đã xây dựng phương pháp tiếp cận mới để phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, khai thác tiềm năng du lịch nhằm hướng đến giảm nghèo bền vững thông qua việc tạo việc làm tại chỗ ổn định cho người dân.
Làng du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách tham quan du lịch (Ảnh:TL) |
Sau 2 năm thực hiện, Dự án đã để lại dấu ấn tích cực trong cộng đồng các dân tộc ở vùng sâu tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là mô hình phát triển du lịch ở làng Bhơ Hôồng.
Theo đó, các ban quản lý, các tổ dịch vụ, các đối tác bên ngoài, các loại hình nghệ thuật về bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc đều đã được khôi phục và xác lập.
Hưởng lợi trực tiếp từ dự án, người dân ở đây được lựa chọn để tham gia vào từng phần việc cụ thể và được tập huấn kỹ năng để tham gia mô hình du lịch dựa vào cộng đồng.
Các kỹ năng phục vụ như giao tiếp với du khách, các khóa đào tạo dịch vụ ẩm thực cho du khách nghỉ ngơi ở làng, các khóa đào tạo về hướng dẫn viên du lịch tại địa phương đã được tổ chức. Những câu chuyện dân gian, các loại hình âm nhạc, nghệ thuật truyền thống... được khơi dậy và được tổ chức một cách hợp lý để cung cấp cho đồng bào nhằm phục vụ du khách một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, tất cả các hoạt động trên mới chỉ dừng lại trong phạm vi tổ chức làng, do đó gặp khó khăn trong việc mở rộng. Tháng 6/2013, Tổ hợp tác (THT) quản lý du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng được thành lập, hướng đến các loại hình du lịch làng quê, sinh thái, homestay, thủ công mỹ nghệ mang những bản sắc riêng biệt và độc đáo.
Hấp dẫn bản sắc văn hóa Bhơ Hôồng
THT Bhơ Hôồng gồm 26 thành viên, được chia ra những nhóm dịch vụ phục vụ hoạt động du lịch như ẩm thực, đan lát, nhạc cụ cổ truyền, múa cồng chiêng, hướng dẫn viên, homestay.
Du khách đến lưu trú tại làng được phục vụ tận tình trong các homestay đầy đủ tiện nghi, được thưởng thức các món ăn dân dã và tham gia giao lưu, sinh hoạt văn hoá cộng đồng với những loại nhạc cụ, vũ điệu đặc sắc của đồng bào dân tộc Cơ Tu.
Các homestay dành cho du khách của THT Bhơ Hôồng (Ảnh: TL) |
Hàng năm, làng du lịch đón hơn 1.000 lượt khách đến lưu trú, doanh thu 325 triệu đồng và số tiền này hoàn toàn phục vụ lại cho lợi ích người trong làng tham gia hoạt động du lịch.
Theo ông Bling Bló - Tổ trưởng THT du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, thành công nhất của làng khi làm du lịch là nâng cao thu nhập và giúp bà con trong làng đoàn kết hơn vì phải thường xuyên phối hợp nhau trong đón khách. Bên cạnh đó, môi trường được chăm sóc giữ gìn, đường làng thôn, bản được vệ sinh sạch sẽ, không ai vứt rác ra đường.
“Từ khi làng làm du lịch, mình được rất nhiều thứ, Bhơ Hôồng được nhiều người biết đến, môi trường cảnh quan sạch đẹp. Làng cũng vui nhộn hơn thông qua các hoạt động văn nghệ văn hóa; và có thêm nguồn thu để lo chuyện hiếu hỉ từ số tiền mà các tổ dịch vụ trích lại 15% từ hoạt động du lịch, nên bà con ai cũng phấn khởi”, ông Bling Bló phấn khởi.
Để tạo đòn bẩy phát triển cho các sản phẩm mang tính đặc trưng và có tiềm năng của địa phương, huyện Đông Giang đã triển khai thực hiện việc hỗ trợ thiết kế, in nhãn và cung cấp bình mẫu đựng rượu truyền thống cho THT. Đồng thời, tiến hành đào tạo nghề để làm sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch. Hiện, mẫu mã sản phẩm mây tre đan phục vụ du khách tại THT ngày càng đa dạng.
Hy vọng rằng, loại hình du lịch cộng đồng ở làng Bhơ Hôồng sẽ là tiền đề bước đầu để các địa phương học tập, làm theo, nâng cao nhận thức khởi đầu cho một loại hình kinh tế mới giàu bản sắc văn hoá của dân tộc mình.
Nhật Nam