Tại xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, hầu hết người dân mưu sinh bằng nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản. Nhiều năm qua, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản nơi đây được thực hiện hiệu quả. Trong đó, HTX Thủy sản Rạng Đông nhờ nhận thức đúng tầm quan trọng của môi trường trong khai thác thủy sản đã đạt tiêu chuẩn MSC (Tiêu chuẩn đánh bắt thủy sản của Hội đồng Quản lý Hàng hải) nghề cá đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á.
Bảo tồn bền vững môi trường
Ông Lê Văn Quang - Phó giám đốc HTX cho biết trước đây khi nghêu sinh sản tại bãi, HTX chỉ giữ và tổ chức khai thác. Sau khi thực hiện tiêu chí MSC, trong đó có tiêu chí bảo tồn bền vững môi trường, thiên nhiên và con giống, HTX xây dựng nội quy đánh bắt trong vùng nhằm bảo đảm khai thác không cạn kiệt.
Khai thác nghêu ở HTX |
Hàng năm, HTX chỉ khai thác khoảng 80% lượng nghêu hiện có. Nhờ đó, HTX đã duy trì sản lượng và có khả năng tái tạo nguồn lợi hiệu quả. Nhằm bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản cùng với sự hỗ trợ tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân, HTX đã tuyên truyền, tổ chức đào tạo nâng cao ý thức của cộng đồng trước những tác động của môi trường đến nguồn lợi và tài nguyên thiên nhiên.
Ngư dân tự giác loại bỏ các phương tiện cơ giới trong khai thác, hạn chế hủy diệt nguồn lợi hải sản của địa phương. Cùng với đó, nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao đang cải thiện số lượng.
Năm 2009, với sự hỗ trợ từ nguồn vốn ODA, HTX đã thực hiện thử nghiệm mô hình quản lý cộng đồng và tạo ra được sản phẩm chất lượng cao; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học ven biển. Với những kinh nghiệm trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường, HTX còn phối hợp với Ban quản lý rừng thành lập đội an ninh biên giới biển để vừa bảo tồn và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm tránh thất thoát thấp nhất nguồn lợi thủy sản.
Ông Quang cho biết thêm từ khi thực hiện tiêu chí bảo tồn môi trường chăn nuôi thủy sản, chất lượng nghêu tăng cao góp phần nâng cao kinh tế. Mỗi đợt thu hoạch, HTX thu trên 1 tỷ đồng, lãi khoảng 40% doanh thu. Hiện nay, HTX đang cung cấp nghêu giống cho các tỉnh lân cận và chất lượng giống nghêu của HTX đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường khó tính.
Nguyên tắc sống còn
Hiện nay, vùng biển trên địa bàn Thới Thuận bên cạnh nguồn lãi thu từ con nghêu còn có hệ sinh thái thủy sinh vật phong phú với các loài cá, tôm, cua và sinh vật khác. Đây là điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch tạo sinh kế cộng đồng ngư dân. Khi thu nhập tốt của người dân gia tăng sẽ tác động ngược trở lại, cộng đồng sẽ cố gắng bảo vệ môi trường để đạt được nguồn lợi thủy sản. Từ đó, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi, khai thác thủy sản bền vững.
Người dân Bến Tre thực hiện tiêu chí bảo tồn môi trường trong khai thác thủy sản |
Bà Trần Thị Thu Nga - Chủ tịch Hội Thủy sản Bến Tre cho biết vấn đề bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản không chỉ là nguyên tắc sống còn trong sản xuất mà còn là yếu tố quyết định thị trường và thu nhập của cộng đồng ngư dân. Môi trường hiện nay được hiểu ở một phạm trù rất rộng, liên quan đến đa dạng sinh học. Đó là việc bảo tồn được tính đa dạng sinh học, bao gồm hệ động vật thủy sinh và tất cả các hệ động thực vật cộng sinh với con giống được nuôi hoặc đánh bắt.
Để bảo vệ môi trường biển nói chung và môi trường khai thác thủy sản nói riêng, bên cạnh nhiệm vụ quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, Hội Thủy sản tỉnh Bến Tre luôn hướng đến cộng đồng sản xuất là chủ yếu. “Cộng đồng ngư dân nhận thức đúng ắt hẳn sẽ thay đổi hành vi, mỗi người tự kiểm soát, tự đánh giá được điều kiện sản xuất của họ trước khi Nhà nước tổ chức quản lý bằng cách thanh tra, kiểm tra" - bà Nga nói.
Để thực hiện tốt việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường ven bờ biển, tỉnh Bến Tre sẽ có những giải pháp hữu hiệu hơn để vừa giảm tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản, vừa không tác động đến cuộc sống của ngư dân. Ngành thủy sản tỉnh sẽ tìm kiếm mọi dự án kể cả chính phủ và phi chính phủ nhằm giúp cộng đồng thực hiện chiến lược nuôi trồng khai thác bền vững. Điều đó góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương trong tương lai.
Thu Huyền