Hiện nay, những mô hình kinh tế tập thể, HTX đang từng bước trở thành nhân tố tích cực đem lại giá trị kinh tế cao, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững.
Khát vọng thoát nghèo của thanh niên
Xã Như Cố, huyện Chợ Mới là địa phương có địa hình đồi núi, khí hậu thuận lợi cho trồng trọt các loại cây nông nghiệp và công nghiệp. Đây cũng là địa phương có nguồn nhân lực dồi dào, nhiều kinh nghiệm trong lao động sản xuất nhưng người dân vẫn chưa có thu nhập ổn định.
Nhận thấy những tiềm năng còn đang bị bỏ ngỏ, những thanh niên người dân tộc thiểu số tại địa phương đã ấp ủ và quyết định khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2017, Tổ hợp tác Thanh niên Như Cố được thành lập với 11 thành viên đều là thanh niên dân tộc Tày chăm chỉ, cần cù, chịu khó.
Tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh các chương trình, dự án, giải pháp nhằm xoá đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho người dân. |
Với sự cố gắng, chăm chỉ, miệt mài cùng nỗ lực quyết tâm chinh phục giấc mơ làm nông sản sạch, bước đầu Tổ hợp tác đã thành công với một số loại rau củ quả như rau bí siêu ngọn, dưa chuột, dưa hấu, cà chua, rau cải...
Từ thành công bước đầu, Tổ hợp tác đã thống nhất ý kiến của các thành viên và quyết định "nâng cấp" Tổ hợp tác lên thành HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố. Không chỉ giúp đỡ đoàn viên thanh niên vơi bớt khó khăn về nguồn vốn sản xuất, HTX còn là nơi các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, tìm hướng làm ăn hiệu quả, đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế tại địa phương.
Anh Hà Văn Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố cho biết: "Hiện nay, HTX đã thực hiện tổ chức sản xuất thông qua việc liên kết với các hộ dân trong việc bao tiêu nguyên liệu như thóc Khang Dân, mướp đắng rừng, mật ong, chè, lá vối, cà gai leo, xạ đen và hỗ trợ kết nối sản phẩm truyền thống cho một số hộ dân trên địa bàn xã, tạo công ăn việc làm, góp phần giảm nghèo tại địa phương".
Những năm tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm như: Chè xanh, mướp đắng rừng, bún khô, cà gai leo, dưa lê… và hoàn thiện nhiều mẫu mã bao bì thân thiện với môi trường. Đồng thời cải thiện những mặt còn yếu của HTX trong việc canh tác nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị nông nghiệp qua tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh đưa HTX hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, lấy thu nhập cho thành viên và người dân địa phương làm mục tiêu phát triển, góp phần giảm nghèo tại địa phương. Đặc biệt, HTX chú trọng nâng cao năng lực tư duy mới về nền nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ.
Nhiều mô hình tạo việc làm, nâng cao thu nhập
Hiện nay, Bắc Kạn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Các HTX khi làm chủ đầu tư, được tiếp xúc với cơ chế, chính sách, trực tiếp triển khai, chịu trách nhiệm đã nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Một số sản phẩm nông sản đã trở thành hàng hóa, tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và xuất khẩu sang châu Âu.
Điển hình như HTX Tài Hoan ở huyện Na Rì tạo việc làm cho khoảng 15 - 20 lao động địa phương với thu nhập trung bình hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, HTX ký hợp đồng bao tiêu hơn 70 ha cây dong riềng đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, tạo việc làm cho gần 500 hộ dân liên kết. Riêng sản phẩm miến dong của HTX đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia và được xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu.
Hay như HTX Hợp Giang ở huyện Bạch Thông tạo công ăn việc làm cho 19 lao động, trong đó có 7 hộ nghèo, cận nghèo tham gia sản xuất nấm, thu nhập bình quân từ 4,5 - 6 triệu/người/tháng.
Cũng tại huyện Bạch Thông, HTX Thiên An (xã Vi Hương) có nhiều sản phẩm OCOP là dược liệu và nông sản đặc trưng của người Dao. Hiện nay, HTX đang tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp như làm chuối sấy, khoai lang sấy, mật ong rừng... Nhờ đó, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động nữ tại địa phương, giúp đỡ các thành viên trong HTX có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vươn lên thoát nghèo.
Tại huyện Chợ Đồn, HTX Quỳnh Trang luôn ưu tiên cho người lao động hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số làm việc để có thu nhập ổn định, bình quân khoảng 5,5 triệu đồng/tháng.
Tại huyện Pác Nặm, HTX Giáo Hiệu vận động 42 hộ nghèo và cận nghèo tham gia ký liên kết với HTX về trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm nông sản, tạo việc làm cho 97 lao động thời vụ thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Năm 2022, có 200 hộ liên kết đạt doanh thu trên 800 triệu đồng. Cuối năm 2022, qua rà soát đã có 14 hộ thoát nghèo...
HTX đang từng bước trở thành nhân tố tích cực đem lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động. |
Thu nhập bình quân tăng theo từng năm
Với quan điểm cho “cần câu” chứ không cho “con cá”, Bắc Kạn đã chỉ đạo tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là liên kết với các doanh nghiệp để tham gia vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, bảo đảm ổn định và hiệu quả sản phẩm.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm, nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ, năng lực về đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản, tập huấn về thương mại điện tử, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh sản phẩm OCOP trong HTX nông nghiệp, bồi dưỡng pháp luật về HTX và kiến thức về quản lý, sản xuất kinh doanh...
Ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, việc liên kết theo chuỗi giá trị đồng nghĩa phải thay đổi tư duy và tập quán canh tác nhỏ lẻ của đồng bào miền núi.
Do đó, bên cạnh việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ vốn trực tiếp và gián tiếp thông qua các HTX để liên kết sản xuất, thời gian tới, tỉnh tiếp tục vận động, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân thực hiện sản xuất theo hướng tập trung, liên kết chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Đồng thời, tỉnh khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, HTX để thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tạo thuận lợi về hành lang pháp lý để tăng cường thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
“Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 70% HTX hoạt động nông nghiệp và nông nghiệp tổng hợp, tỷ lệ HTX hoạt động khá, tốt đạt từ 75% trở lên”, ông Phạm Duy Hưng cho biết.
Đoàn Huyền