Với mục tiêu đa dạng giống cây trồng để tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững và tinh thần không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, một số cộng đồng người Dao trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã chủ động tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao, tìm tòi các giống cây trồng mới mang lại hiệu quả về kinh tế.
Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ số
Tại bản người Dao Tân Thành, xã Nông Thượng, TP. Bắc Kạn có một HTX đang trở thành điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn.
Đó là nơi sản xuất ra các mặt hàng tinh bột nghệ Bắc Kạn với hàng chục sản phẩm cao cấp, dễ sử dụng và tốt cho sức khỏe, đã được bày bán trên cả nước và cả đối tác nước ngoài.
Ở Bắc Kạn đã xuất hiện ngày càng nhiều đồng bào người Dao tham gia HTX hoặc làm quản lý HTX. |
Chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành cho biết, bước khởi đầu, HTX chỉ đi thu mua nghệ lẻ trong dân, đến năm 2016 tiến tới liên kết với người dân trồng 15ha để đảm bảo nguồn nguyên liệu, đến năm 2022 tăng quy mô lên gần 10 lần trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn với 140ha.
Sản phẩm tinh bột nghệ của HTX Nông nghiệp Tân Thành đa dạng như tinh nghệ nếp đen, tinh nghệ nếp đỏ, nghệ viên mật ong, bột nghệ… được dùng trong hỗ trợ điều trị các bệnh về ung thư, dạ dày, trị nám, tàn nhang, bổ huyết, ngăn ngừa các loại ung thư, u xơ … được Bộ Y tế chứng nhận đạt tiêu chuẩn, được các chuyên gia đánh giá có chất lượng tốt như “thần dược” tự nhiên.
Song song với nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX Nông nghiệp Tân Thành đã tích cực thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường. Hiện nay, HTX đã có 20 đại lý tại các tỉnh trong nước và đã ký kết được hợp đồng cung cấp nghệ sấy lát với sản lượng 250 tấn cho một công ty xuất nhập khẩu.
Cùng với kênh bán hàng truyền thống, HTX Nông nghiệp Tân Thành đã tích cực học tập, tìm tòi hướng đi mới, tiếp cận với chuyển đổi số đưa nông sản, sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử.
“Để có được gian hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tất cả các sản phẩm của HTX đều phải đảm bảo về chất lượng, có chứng nhận của các cơ quan chức năng; phải đầy đủ nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, tem chống hàng giả”, Giám đốc Nguyễn Thị Hồng Minh chia sẻ.
Thu nhập ổn định từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Tại xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới, có 11 cô gái trẻ người Dao đã đứng ra thành lập mô hình HTX nông nghiệp sạch Tân Sơn, nhằm đưa những sản vật địa phương thành hàng hóa để cùng nhau vươn lên thoát nghèo.
Chị Lý Thị Ba, Giám đốc HTX chia sẻ, khi mới khởi nghiệp, chị cùng với những thanh niên khác góp vốn, vay mượn được 500 triệu đồng để thực hiện mô hình HTX theo kiểu tổng hợp: trồng, mua bán, trao đổi các sản phẩm bản địa như gừng, rau sạch, bí xanh, lúa nếp nương và chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, do thiếu những mặt hàng chủ lực khiến việc kinh doanh HTX chưa thực sự hiệu quả. Thậm chí, một số dự án trồng rau sạch đã thất bại khi không được người dân hưởng ứng.
Nhận thấy sản phẩm gạo nếp nương của đồng bào Dao ở Tân Sơn được ưa chuộng, lại có thể tạo được sự khác biệt với hàng trăm sản phẩm khác đang có trên thị trường, HTX đã quyết định tập trung xây dựng sản phẩm này thành mặt hàng chủ lực. Hiện, HTX đã mở rộng liên kết với hơn 30 hộ dân, trồng trên diện tích hơn 20ha và xây dựng thành công thương hiệu gạo nếp nương Đâyzang với tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Giám đốc Lý Thị Ba lý giải: “Đâyzang” tiếng Dao là gạo nương vàng, loại gạo có vị thơm đặc trưng vốn chỉ được người Dao trồng ở một số ít khu vực trong xã.
“Trước đó, sản phẩm gạo nếp Đâyzang chỉ được bà con trồng sử dụng hoặc làm quà, có một dạo còn bỏ do không có kỹ thuật chăm sóc, trồng ít nên chuột và sâu bệnh phá hoại không được thu hoạch. Khi HTX thành lập đã chú trọng mẫu mã, bao bì và xây dựng thương hiệu OCOP 3 sao, nhờ đó sản phẩm hiện không đủ cung ứng ra thị trường. Năng suất cũng đã tăng lên nhiều lần do các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật và cách chăm sóc”, Giám đốc Lý Thị Ba thông tin.
Sự phát triển và đổi thay của những thôn, bản người Dao ở vùng cao đã cho thấy hướng đi hiệu quả trong công tác dân tộc của Bắc Kạn. |
Vùng đất Tân Sơn chủ yếu là rừng già, núi cao và nhiều nương rẫy bạc màu. Với sự hỗ trợ của tỉnh, HTX đã tiếp tục phát triển sản phẩm cà gai leo ở dạng nguyên liệu trên quy mô 5 ha.
Theo Giám đốc Lý Thị Ba, loại dược liệu này dễ trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương và đặc biệt là thị trường tiêu thụ khá tốt. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã đầu tư hệ thống nhà lưới, quạt sấy để phơi giữ, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Hiện nay, lúa nếp nương được cung ứng cho 2 siêu thị ở Hà Nội, còn sản phẩm cà gai leo cũng được một doanh nghiệp ở tỉnh Thái Bình bao tiêu toàn bộ.
Trung bình mỗi năm, HTX có doanh thu từ 1-2 tỷ đồng, số lượng thành viên đã tăng lên 15 người và thực hiện liên kết sản xuất với hàng chục hộ dân của 4 bản trong xã. Nhờ đó, thu nhập, đời sống của nhiều người dân ở Tân Sơn - một trong những xã khó khăn nhất tại huyện Chợ Mới, từng bước được nâng lên, trung bình đạt khoảng 5-6 triệu đồng/tháng.
Phát triển HTX gắn với thế mạnh ở địa phương
Theo ông Cù Ngọc Cường, Chủ tịch HĐND thành phố Bắc Kạn, chính quyền địa phương đánh giá rất cao tinh thần quyết tâm khởi nghiệp của những thanh niên dân tộc Dao trong các HTX.
Điều này khẳng định khát vọng vươn lên và vị thế của những thanh niên dân tộc thiểu số. Mặc dù con đường khởi nghiệp phía trước còn khó khăn, nhưng tổ chức đoàn, hội liên hiệp thanh niên tỉnh cũng tin là các bạn trẻ sẽ là người dám nghĩ, dám làm, biết phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có để góp phần xứng đáng cho sự phát triển của địa phương.
Vượt qua định kiến, vượt qua những khó khăn của bước đầu khởi nghiệp, những thanh niên người Dao đã tự thay đổi cuộc sống kinh tế gia đình. Và với những thanh niên này, thành công nhất đó là đã khẳng định được khả năng, vai trò và vị thế của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Bên cạnh đó, theo bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, thời gian qua, công tác dân tộc được tỉnh Bắc Kạn chú trọng thông qua việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, dự án kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Đồng thời, bà con các dân tộc, trong đó có đồng bào người Dao, không còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà đã phát huy nội lực để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no.
Ngoài ra, trong Chương trình mục tiêu quốc gia đã có một dự án hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp. Đây sẽ là điều kiện để các HTX của đồng bào dân tộc Dao tiếp tục nhận được những hỗ trợ không chỉ về vốn mà còn về kỹ năng để nâng cao hiệu quả sản xuất.
“Sự phát triển và đổi thay của những thôn, bản người Dao ở vùng cao đã cho thấy hướng đi hiệu quả trong công tác dân tộc của Bắc Kạn. Và một trong những trọng tâm được tỉnh đề ra là tập trung thực hiện cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống cho người dân thông qua hỗ trợ sản xuất”, bà Triệu Thị Thu Phương cho hay.
Hoàng Hằng