Chị Nguyễn Thu Thoan sinh ra trong gia đình thuần nông, thời học phổ thông, chị cũng mơ ước được ngồi trên ghế giảng đường đại học nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc học “đứt gánh giữa đường” bởi "có đỗ cũng không biết kiếm đâu ra tiền để đi học”.
Khởi nghiệp không đất, tiền và người đồng hành
Tạm gác chuyện học hành, chị Thoan ở nhà phụ giúp bố mẹ nuôi hai người em ăn học. Đợt dịch bệnh năm 1997 khiến gà, lợn chết hết, cả gia đình rầu rĩ vì nguồn thu duy nhất mất trắng. Chị Thoan quyết tâm xin bố cho đi học thú y với hy vọng nuôi gà không chết là có lãi.
Chị Nguyễn Thu Thoan và mô hình chăn nuôi gà, lợn bằng thức ăn vi sinh. |
Đằng sau câu nói bông đùa đó là tham vọng nghiên cứu các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm cho năng suất cao và tự chế thức ăn chăn nuôi vi sinh. 2 năm đến trường Trung cấp Nông nghiệp Hà Nội học những kiến thức chăn nuôi và 4 năm làm việc, quản lý trang trại lợn giúp chị vững vàng kiến thức và dày dặn kinh nghiệm. Sau đó, chị được nhận vào làm cán bộ thú y của xã, hỗ trợ bà con chăn nuôi, phòng dịch bệnh...
Trước thực trạng chăn nuôi bằng cám tăng trọng, chị Thoan đau đáu tìm mô hình sản xuất nông nghiệp sạch. Xuất thân từ gia đình thuần nông, hơn ai hết chị Thoan hiểu được cái khó của nhà nông là vốn. Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, thứ duy nhất chị Nguyễn Thu Thoan có chỉ là đam mê. Song, chị chưa bao giờ cảm thấy nản chí, bỏ cuộc.
“Nông nghiệp sạch không hóa chất cần nhất là người có lương tâm và đủ đam mê theo đuổi, dám chịu mất mát, chấp nhận rủi ro. Thất bại thì làm lại, tuyệt đối không bỏ cuộc”, chị Thoan nói.
Đàn gà mái ri có trọng lượng trung bình từ 1,2-1,5 kg. |
Chị tận dụng lợi thế của địa phương với vùng đất rộng, cao ráo, cây cối xanh mát, không khí trong lành để thiết kế chuồng trại. Ban đầu, chị thử nghiệm với quy mô nhỏ vài trăm con. Sau đó, nhờ vay người thân được 60 triệu để thuê 3ha đất, xây chuồng trại và mua giống, chị nhân rộng và chia sẻ mô hình nuôi gà vi sinh với bà con nông dân cả nước.
Nhiều người từ Hải Phòng, Yên Bái, Bình Thuận,...lặn lội đường xa về đây để học hỏi mô hình chăn nuôi này. Trong năm 2020, chị Thoan hỗ trợ xây dựng và chuyển giao kỹ thuật cho 20 mô hình trên cả nước, nhiều mô hình thành công và đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi.
Dù nhiều tuổi hơn chị Thoan nhưng anh Trần Anh Văn (Quan Nho, Ninh Bình) hay bông đùa, gọi chị Thoan là “sư phụ” bởi chị đã tận tình hướng dẫn anh nuôi gà và ủ thức ăn vi sinh. Anh chia sẻ: “Lứa gà đầu tiên của anh đã được 45 ngày, đạt 0,8 – 1kg. Khi nào gà đủ tháng, tôi sẽ mang gà đến gặp Thoan để chị đánh giá”.
Còn anh Bùi Văn Bân (TP.Yên Bái) chia sẻ: “Trang trại của tôi rộng 1,2 ha kết hợp trồng cây – nuôi gà. Sau khi nuôi thử nghiệm 500 con gà thấy hiệu quả, tôi tiếp tục nuôi thêm 1500 con. Tôi thấy phân gà công nghiệp vẫn tồn dư các chất tăng trưởng, không tốt cho cây nên chuyển sang nuôi gà vi sinh vừa lấy thịt vừa có nguồn phân sạch bón cây”.
Bí quyết chăn nuôi bền vững
Trang trại của chị Thoan rộng 3ha được phủ kín cây xanh, khu chuồng cũng có diện tích hơn 200 – 300m2 được chị phân thành từng ô gà lớn, gà nhỏ, một bên để nuôi lợn. Chị Thoan cho biết, nuôi và trồng là hai mắt xích cực kỳ quan trọng trong sản xuất nông nghiệp sạch an toàn. Để có con gà, lợn sạch thì cần nguồn thức ăn, nguồn nước đầu vào đảm bảo an toàn, không nhiễm độc tố kim loại nặng, không nhiễm khuẩn salmonella và ecoli. Để vật nuôi sống và thích nghi trong môi trường tự nhiên nhằm tăng sức đề kháng và chất lượng thịt.
Do đó, bí quyết chăn nuôi bền vững của chị Thoan là tạo môi trường sống tự nhiên cho vật nuôi và sử dụng đệm lót sinh học, thức ăn vi sinh an toàn.
Trang trại gà, lợn nằm ở xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội |
Rồi minh chứng cho cách nuôi sạch của mình, chị Thoan dùng tay đào lớp mùn màu nâu và nói rằng, mình nuôi cả nghìn con gà nhưng tuyệt nhiên không có mùi hôi thối nhờ thứ "bảo bối" là đệm lót sinh học. Đây là hỗn hợp: men vi sinh, mùn cưa và trấu, có độ dày 20cm. Trên diện tích 100m2 có thể nuôi 1000 con gà, đệm lót này giúp phân hủy vi khuẩn trong chất thải của gia súc, gia cầm nên nền chuồng khô ráo, không có mùi hôi thối, không tạo ra khí CO2.
Chi phí cho nền đệm lót này khoảng từ 2,5 - 3 triệu đồng/chuồng. Cứ hết một lứa gà khoảng 5 - 7 tháng, có thể thay nền lót một lần. Nền lót đã qua sử dụng được bán cho các trang trại rau sạch, cây dược liệu.
Dành nhiều thời gian đi học hỏi, trải nghiệm thực tế ở các trang trại lớn, chị Thoan tự chế thức ăn vi sinh cho gà được lên men từ hỗn hợp: cám gạo, cám mạch, cám ngô, bột đậu tương, bột tỏi nguyên chất, tinh bột nghệ, phấn hoa, bột quế, men vi sinh. Hỗn hợp được trộn đều, ủ trong 24 tiếng.
Thức ăn ủ men có tác dụng bảo vệ hệ tiêu hóa và hô hấp của gà, lợn tránh các bệnh về đường ruột, kích thích tiêu hóa và giảm khí amoniac từ phân. Đàn gà “lớn nhanh như thổi” khỏe mạnh, cứng cáp, sau 3 tháng nuôi đạt trọng lượng 1,2 - 1,5 kg.
Đàn lợn rừng ăn được cho ăn thức ăn vi sinh an toàn. |
Hiện nay, mô hình nuôi gà vi sinh sạch của chị Thoan cho sản lượng 1000 con/tháng, tiêu thụ ở nhiều tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Các sản phẩm đảm bảo quy trình giết mổ an toàn vệ sinh, đóng gói và tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, thịt lợn vi sinh cũng được khách hàng phản hồi tốt nên chị Thoan đang xây thêm chuồng lợn sức chứa khoảng 150 con, dự kiến tháng tới sẽ vào đàn.
Thương hiệu thịt gà, thịt lợn vi sinh đã và đang tạo được chỗ đứng trên thị trường do đó tham vọng của người phụ nữ nhỏ bé này là bao tiêu, hỗ trợ đầu ra cho các mô hình được chuyển giao kỹ thuật.
Xuân Mai