Trầm Minh Thuần sinh năm 1993, sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở xã Long Hiệp (huyện Trà Cú, Trà Vinh). Hơn 10 năm đèn sách, anh có hai bằng đại học và một bằng thạc sĩ. Hành trang đủ để anh hiện thực hóa giấc mơ bước ra khỏi lũy tre làng, lập nghiệp nơi thị thành.
Gây dựng niềm tin
Thuần kể, sau khi lấy tấm bằng thạc sĩ kinh tế luật, anh được nhận vào làm tại một văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện, công việc mơ ước của bao người trẻ để thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn.
Nhưng với Thuần, việc học thật giỏi, rồi sau đó trở thành cán bộ “cổ cồn”, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về chưa bao giờ là đích đến lý tưởng của anh. Ngay từ nhỏ, những câu chuyện về 'được mùa dội chợ', cảnh tượng người dân quê hương đổ bỏ nông sản vì bị ép giá đã ám ảnh tâm chí chàng trai 9X.
Chính vì vậy, sau một thời gian ly hương để tìm kiếm tri thức, ở tuổi 26, Trầm Minh Thuần chính thức bỏ lại phố thị rực rỡ đèn hoa để trở về quê hương lập nghiệp. Mô hình được anh lựa chọn là hợp tác xã.
Trầm Minh Thuần (áo vàng) hướng dẫn nông dân trên cánh đồng lúa hữu cơ. |
Việc bỏ việc để về quê vốn đã là một đòn giáng mạnh vào tâm lý của người thân, khi biết anh chọn hợp tác xã để khởi nghiệp, họ lại càng sốc. Bởi, nhiều người thậm chí không hiểu rõ hợp tác xã là gì, chính điều này cũng khiến việc vận động nông dân vào hợp tác xã trở thành thách thức lớn.
Để tìm kiếm những người đồng hành, sau khi hoàn thành thủ tục lập hợp tác xã, Trầm Minh Thuần đã đến từng hộ, giải thích cho họ về cách làm, mục tiêu của mình. Ban đầu, nhiều người tỏ ra nghi ngại, nhưng khi hiểu được ý nghĩa của dự án, họ đã tự nguyện góp công, góp đất để làm "cổ đông".
Kết quả, đến tháng 8/2018, hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp chính thức đi vào hoạt động với 51 thành viên, tổng diện tích sản xuất hơn 50 ha, thực hiện mô hình chủ lực là nuôi trùn (giun) quế sản xuất phân hữu cơ, sản xuất gạo sạch và kết hợp nuôi tôm đạt chuẩn hữu cơ.
Vượt qua thách thức
Gây dựng được một hợp tác xã đã khó, nhưng để duy trì, phát triển, đồng thời đem lại lợi ích cho những người tham gia hợp tác xã còn khó khăn hơn gấp bội. Vì vậy, ngay từ đầu, Trầm Minh Thuần đã chủ động định hướng nông dân làm nông nghiệp sạch, lấy chất lượng sản phẩm làm gốc rễ.
Để làm gương cho các thành viên, anh đã phải tự mình vận hành máy móc, hì hục cải tạo đất trồng, áp dụng công nghệ mới như ủ, bón phân hữu cơ, tưới nước sạch... Cùng với đó, thời gian đầu, anh phải vay vốn ngân hàng, mua thiết bị, gối đầu phân thuốc bảo vệ thực vật và giống để cấp cho thành viên.
Những nỗ lực không ngừng nhiều lúc khiến Trầm Minh Thuần mệt đến kiệt sức, tuy nhiên, chính sự nhiệt huyết đó của anh đã thuyết phục các thành viên hợp tác xã dần tin tưởng và làm theo.
“Với những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, đòi hỏi họ thay đổi một thói quen, một tư duy khác là rất khó. Nhưng khi họ thấy được lợi ích, có được niềm tin thì họ đi theo mình liền. Những người nông dân không hề có bằng cấp nào trong tay, nhưng khi họ quyết tâm làm mới mình thì cũng đầy quyết liệt và sáng tạo”, anh Thuần bộc bạch.
Sản phẩm của hợp tác xã Long Hiệp đang được đón nhận nhiệt tình từ khách hàng cả trong và ngoài nước. |
Cùng với hoàn thiện quy trình sản xuất, anh đã cùng cộng sự dành nhiều thời gian, công sức khảo sát địa điểm để xem xét đặc trưng thổ nhưỡng, văn hóa canh tác của người dân, từ đó tìm ra nơi tốt nhất xây dựng nguồn nguyên liệu chất lượng cao, gây dựng thương hiệu gạo Hạt Ngọc Rồng sau này.
Thuần chia sẻ, chỉ trong vài tháng, hàng chục, hàng trăm đợt thử nghiệm được anh và các thành viên hợp tác xã Long Hiệp thực hiện đã thất bại hết lần này đến lần khác. Khi thì giống lúa không hợp thổ nhưỡng, lắm sâu bệnh, năng suất kém, không đạt tiêu chuẩn. Khi thì vừa gieo giống đã gặp thời tiết xấu, mọi công sức đổ sông đổ bể, thiệt hại lớn, khiến tập thể lắm phen nản lòng.
Nhưng rồi trời không phụ lòng người, những đợt thử nghiệm dần cho kết quả, sản phẩm gạo hữu cơ chất lượng tốt nhất của hợp tác xã đã ra đời, mang thương hiệu gạo Hạt Ngọc Rồng. “Đây là loại gạo được trồng trên khu vực lúa - tôm kết hợp, được canh tác bởi tâm huyết và tình yêu của đồng bào Khmer giàu bản sắc văn hóa”, Trầm Minh Thuần chia sẻ.
Đến nay, sau nhiều năm hoàn thiện, gạo hữu cơ Hạt Ngọc Rồng của hợp tác xã Long Hiệp đã có mặt trên 20 tỉnh thành khắp trong Nam ngoài Bắc và hiện diện trên các sàn thương mại điện tử.
Phát triển bền vững
Hành trình khởi nghiệp của Trầm Minh Thuần cho thấy sản xuất nông nghiệp là một cuộc chinh phục tự nhiên khốc liệt, mà ở đó chỉ những người có kiến thức đủ dày và tận tâm mới có thể thành công.
Khi được hỏi: “Vì sao đang có công việc ổn định ở vai trò một kỹ sư, cơ hội rộng mở, lại về quê lập nghiệp”, Thuần bảo đó là vì anh khao khát được làm những điều mình thích, mang lại ý nghĩa cho cộng đồng thay vì chỉ nghĩ về những điều tốt đẹp cho bản thân.
Tình yêu với ruộng đồng quê hương cũng là cơ sở để anh có thể nhìn ra nỗi bế tắc của những người nông dân cần mẫn, quyết tâm thuyết phục họ tham gia vào hợp tác xã, bước lên con đường làm nông nghiệp hữu cơ, tạo ra những giá trị bền vững cho bản thân và cộng đồng.
Xuất phát điểm với 51 thành viên, tổng diện tích sản xuất 50 ha, đến nay, hợp tác xã Long Hiệp có 72 thành viên, triển khai hơn 120 ha trồng lúa, trong đó có trên 20 ha trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh. Gạo Hạt Ngọc Rồng của HTX đã đạt chuẩn OCOP 4 sao (đang chuẩn bị lên 5 sao).
Vượt qua những khó khăn ban đầu khởi nghiệp, Trầm Minh Thuần đang cùng hợp tác xã tạo nên những cuộc “cách mạng” trong sản xuất của người dân quê hương. Hiện, năng suất lúa trong hợp tác xã cao hơn 30%, giá lúa cũng được bao tiêu cao hơn 500 đồng/kg so với giá thị trường.
Cùng với sự lớn mạnh của hợp tác xã, đời sống của các hộ thành viên và nông dân liên kết trên địa bàn đã được cải thiện. Doanh thu hợp tác xã từ các hoạt động sản xuất tăng theo từng năm. Hiện, bình quân mỗi năm, hợp tác xã có tổng thu nhập hơn 3 tỷ đồng.
“Hoạt động ổn định, hợp tác xã chi cổ tức cho các thành viên bình quân từ 3,8 triệu đồng/người, tùy vào mức đóng góp thực tế. Đây là lợi nhuận thêm ngoài thu nhập từ nông nghiệp”, anh Thuần tiết lộ.
Đáng chú ý, không chỉ dày công tìm giống lúa để xây dựng thương hiệu gạo, anh Thuần còn kiên trì trong hành trình gây dựng mô hình sản xuất thuận theo tự nhiên, bảo vệ môi trường. Hiện, hợp tác xã đang thử nghiệm mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh trên diện tích hơn 20 ha.
Khi trồng lúa kết hợp tôm càng xanh, bình quân mỗi ha/năm, người dân thu nhập từ lúa là 6 triệu đồng và 120 triệu đồng từ tôm, sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận đạt từ 50 - 60 triệu đồng. Số lúa hữu cơ này được hợp tác xã bao tiêu, thu mua sản xuất gạo sạch Hạt Ngọc Rồng.
Với những thành công đang có, Trầm Minh Thuần và các thành viên hợp tác xã Long Hiệp đang mơ về những vận hội mới. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, những hiệp định thương mại tự do, họ mơ một ngày không xa, gạo hữu cơ Hạt Ngọc Rồng có thể chinh phục người tiêu dùng cả nước và vươn ra thị trường quốc tế.
Sáu Ngạn