Khoa học Công nghệ | Thứ sáu, 17/11/2023 | 08:25 GMT+7
0 |

Trăn trở mô hình nông - điện ở vùng tôm - lúa Bạc Liêu

Mô hình sản xuất "2 trong 1" điện mặt trời gắn với nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp từng được coi là hướng đi sáng tạo để tăng lợi nhuận cho người nông dân trên đồng đất Bạc Liêu, nhưng đã rơi vào tình trạng “sớm nở, tối tàn”.

Vừa qua, chúng tôi có chuyến điền dã những cánh đồng tôm, lúa ở Bạc Liêu, được nghe nhiều chuyện vui buồn của nông dân, trong đó có những trăn trở, ưu tư về việc sử dụng năng lượng vào canh tác nông nghiệp.

Tại HTX Thủy sản Thành Đạt ở xã Long Điền, huyện Đông Hải, thiết bị sấy tôm sử dụng năng lượng mặt trời đem lại hiệu quả cao cho chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm. 

HTX Thuỷ sản Thành Đạt là một trong những đơn vị đi đầu ở Bạc Liêu  trong việc triển khai nuôi tôm đạt chứng nhận ASC (Tiêu chuẩn bền vững về tôm), với 3 sản phẩm đã đạt chứng nhận OCCOP 3 sao: Bánh phồng tôm, chà bông tôm, tôm khô.

Bà Trần Thúy Sang bên chiếc máy sấy tôm sử dụng năng lượng mặt trời. 

Bà Trần Thúy Sang, Trưởng Nhóm Phụ nữ, HTX Thủy sản Thành Đạt cho biết, HTX hiện có 39 hộ thành viên chuyên nuôi tôm – lúa (nuôi tôm dưới ruộng lúa) và nuôi tôm – rừng (trồng rừng ngập mặn và nuôi tôm dưới tán rừng). Mỗi năm, sản lượng tôm thu hoạch của toàn HTX đạt 4,5-5 nghìn tấn tôm tươi. 

Tiêu thụ tôm tươi thường xuyên bị thương lái ép giá vì áp lực phải bán ngay sau khi thu hoạch, nên các thành viên HTX chủ yếu bán sản phẩm tôm khô. Trước đây, phơi tôm thủ công vừa mất nhiều thời gian, mà tỷ lệ tôm hỏng rất nhiều do trong khi phơi thường hay gặp mưa. 

Năm 2023, HTX Thủy sản Thành Đạt được Dự án “Thúc đẩy chuỗi giá trị tôm - lúa theo hướng chứng nhận quốc tế” (do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc - UNDP phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ và Cục Thủy sản Việt Nam triển khai thực hiện), hỗ trợ đầu tư thiết bị sấy tôm sử dụng năng lượng mặt trời.

Theo bà Sang, với thiết bị sấy tôm, mỗi mẻ sấy được 50 -70 kg tôm trong thời gian khoảng 4 giờ khi trời nắng. Nhờ tấm hấp thu nhiệt mặt trời đặt trên mái nhà, đã cung cấp năng lượng cho máy hoạt động, không mất tiền mua điện cho việc sấy tôm. Tôm sấy đảm bảo đạt độ ẩm đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ tôm hỏng gần như bằng không, tôm sấy đạt chất lượng tối ưu, diệt sạch được vi khuẩn, nấm mốc và các mầm bệnh khác.

Trên cánh đồng của nông dân thuộc HTX Thành Công 1 ở ấp 18, xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai, anh Lương Văn Út có 1 ha lúa cho biết, từ 10 năm nay, nhiễm mặn ngày càng khốc liệt, nên không thể trồng được 2-3 vụ lúa như trước đây nữa, mà phải chuyển đổi sang nuôi 2 vụ tôm và trồng 1 vụ lúa. 

Suốt các tháng mùa khô, do nước mặn từ biển theo sông tràn vào, độ mặn trong ruộng lúa luôn vượt trên 4 phần nghìn. Chỉ đến mùa mưa, từ cuối tháng 8 trở đi, độ mặn giảm xuống dưới 2 phần nghìn thì mới gieo trồng được lúa, cho đến tháng 12 thì thu hoạch. 

Trong suốt vụ lúa, thường xuyên phải bơm nước để rửa mặn. Mỗi khi có mưa xuống, nước trong ruộng sẽ được ngọt hóa, nhưng chỉ một ngày sau, muối ở trong đất sẽ hòa tan vào nước khiến độ mặn tăng lên. Do đó, phải bơm nước từ ruộng ra kênh, làm khô ruộng lúa. Những khi nhiều ngày không có mưa, phải bơm nước ngọt vào trong ruộng lúa, để 1-2 ngày sau đó bơm toàn bộ nước từ trong ruộng lúa ra và để khô, có như vậy cây lúa mới sống và phát triển được.

“Bình quân mỗi vụ lúa, chỉ tính riêng chi phí bơm nước đã mất khoảng 2-3 triệu đồng tiền điện và tiền dầu chạy máy bơm. Trong khi thu hoạch 1 ha lúa chỉ được khoảng 5,5 tấn lúa, bán được khoảng 45 triệu đồng, trừ các chi phí giống, phân bón, thuốc, công máy gặt, chỉ còn lãi khoảng 15 triệu đồng”, anh Út chia sẻ.

Theo anh Út, trước đây, chính quyền từng thông báo sẽ có dự án hỗ trợ nông dân lắp đặt các tấm pin mặt trời trên ruộng lúa. “Gia đình tôi háo hức mong chờ có điện mặt trời phục vụ việc bơm nước, sẽ không còn tốn tiền mua dầu và mua điện. Thế nhưng không hiểu sao, đến giờ vẫn không thấy triển khai dự án điện mặt trời trên ruộng lúa”, anh Út bày tỏ.

Đến tỉnh Bạc Liêu, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những đầm tôm kết hợp sản xuất điện mặt trời. Một cánh đồng nuôi tôm rộng 5,6 ha của Công ty Cổ phần Solan Việt Nam ở ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu (Hòa Bình, Bạc Liêu), san sát những tấm pin năng lượng mặt trời lắp trên hệ thống giàn xây dựng ở các ao nước.

Ông Vũ Văn Thành, quản lý tại đây cho biết, các giàn pin điện mặt trời được lắp đặt từ tháng 2/2020, sau đó toàn bộ trang trại với tổng công suất 4 MW được nối lưới bán điện cho EVN. Dự án được ký kết hợp đồng với điện lực huyện Hòa Bình; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 5 năm đầu, 5 năm tiếp theo chỉ phải nộp 50%.

“Với giá thành sản xuất từ 1.500-1.600 đồng/kWh và giá bán điện 1.940 đồng/kWh, mỗi ngày công ty thu được khoảng 20 triệu đồng, đấy là chưa tính lợi nhuận từ tôm nuôi dưới ao. Cứ một héc ta đầm tôm, đầu tư 13,5 tỷ đồng lắp đặt các giàn pin điện mặt trời, với giá bán điện hiện nay tính cả chi phí quản lý thì mỗi năm thu khoảng 3 tỷ đồng”, ông Thành cho hay.

Tuy vậy, không may mắn như Công ty Cổ phần Solan Việt Nam, hiện hàng trăm chủ trang trang trại nuôi tôm quy mô lớn ở Bạc Liêu cũng muốn đầu tư điện mặt trời trên đầm tôm để bán cho EVN, nhưng nay không thể được thực hiện do chính sách của Nhà nước và ngành điện đối với điện mặt trời đã thay đổi.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho hay, toàn tỉnh có diện tích nuôi tôm 140.000ha. Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 12 công ty, 2 đơn vị sự nghiệp, 318 hộ dân đang thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, cùng nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. 

Từ nhiều năm nay, phần lớn các trang trại, các chủ đầm nuôi tôm đã sử dụng hệ thống thiết bị dùng điện mặt trời chạy máy sục oxy nuôi tôm. Đáng chú ý, tại Bạc Liêu, nhiều doanh nghiệp và chủ trang trại nuôi tôm đã sáng tạo bằng cách xây dựng các tấm điện phía trên, dưới mặt đất đào ao nuôi tôm. Cách làm này nhằm tận dụng tối đa cơ số sử dụng đất, đảm bảo môi trường xung quanh, tăng lợi nhuận lên gấp 2-3 lần so với chỉ nuôi tôm.

“Tuy vậy, đến nay, mô hình nuôi tôm kết hợp với sản xuất điện mặt trời đã ngừng phát triển, do Nhà nước và EVN ngừng ký mới các hợp đồng mua điện mặt trời. Hiện nay, nhiều hộ dân, đơn vị muốn lắp điện mặt trời trên đầm tôm để bán điện cho các hộ, doanh nghiệp tiêu dùng điện ở địa phương. Tuy nhiên, do chưa có chủ trương, chính sách, quy định mới từ phía Nhà nước, nên chúng tôi đã yêu cầu tạm thời dừng đầu tư loại hình này”, ông Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ.

Chu Khôi - Lê Mạnh
 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu