Nói về vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao của bản thân công ty tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ông Đinh Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, cho biết đang tập trung ở các tỉnh Cà Mau và Kiên Giang với diện tích 1.000ha thông qua liên kết cùng HTX và nông hộ. Trong đó, 90% giống lúa canh tác ở vùng nguyên là ST25, phần nhỏ còn lại là lúa ST21.
Phải cạnh tranh tốt với gạo Thái
Theo ông Tâm, khi liên kết với HTX và nông hộ để trồng lúa chất lượng cao, công ty sẽ đầu tư giống lúa, hướng dẫn kỹ thuật canh tác để khi vào mùa vụ thực hiện theo đúng yêu cầu đặt ra.
“Đương nhiên khi đã liên kết thì đòi hỏi chất lượng lúa gạo mà HTX và nông hộ làm ra phải đáp ứng theo đúng tiêu chí của công ty. Điều này không khó đối với nông dân nếu như được hướng dẫn cặn kẽ kỹ thuật canh tác”, ông Tâm chia sẻ.
Để hướng đến 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Đề án vừa được Chính phủ thông qua, đòi hỏi rất nhiều việc phải làm. |
Chính vì vậy, qua trao đổi với VnBusiness, vị giám đốc của Công ty Cỏ May cho rằng với riêng chất lượng sản phẩm gạo ST25 của công ty đang cạnh tranh khá tốt với gạo Thái Lan từ giá cả cho đến chất lượng.
“Tôi nghĩ rằng, chỉ có sản phẩm gạo ST25 mới cạnh tranh được với gạo Hom Mali của Thái Lan. Điều quan trọng là chúng ta trồng giống lúa ST25 ở đâu, chất lượng như thế nào. Thực ra, chỉ có canh tác sinh thái (mô hình lúa - tôm) với giống lúa ST25 ở các tỉnh ven biển trên lưu vực sông Mekong mới có thể cạnh tranh với gạo Thái, còn nếu trồng giống lúa này với 2 vụ thì vẫn khó cạnh tranh”, ông Tâm nói.
Nêu ra chia sẻ của vị giám đốc một công ty xuất khẩu gạo chất lượng cao như trên để thấy, việc phát triển diện tích lúa chất lượng cao nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường lúa gạo thế giới là rất quan trọng.
Điều này có liên quan đến Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Đề án đã được Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào hạ tuần tháng 11/2023 với mục tiêu, hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo.
Trong Đề án có đề ra 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững và triển khai theo hai giai đoạn tại 12 tỉnh ĐBSCL. Trong Đề án có ưu tiên nâng cao năng lực cho HTX và DN, cũng như chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp giữa HTX với DN. Bên cạnh đó là việc hiện đại hóa hạ tầng sản xuất cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao và chương trình thí điểm chi trả carbon.
Trước việc Đề án nêu trên đã được Chính phủ thông qua, đứng ở góc độ của một DN hàng đầu về xuất khẩu gạo chất lượng cao vào những thị trường khó tính, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, đã bày tỏ sự vui mừng và chờ đợi Đề án sẽ sớm triển khai.
“Tôi tin rằng Đề án sẽ giúp nâng giá trị ngành lúa gạo ĐBSCL và thay đổi ngành hàng lúa gạo. Nhất là khi ĐBSCL có lúa gạo với tiềm năng rất lớn nhưng nhiều năm nay đang bị phát triển chậm, điều đó đồng nghĩa Việt Nam đang lãng phí tài nguyên lúa gạo”, ông Bình chia sẻ.
Chấm dứt “tự phát - sản xuất thiếu tổ chức”
Tuy vậy, ông Phạm Thái Bình đã từng có lưu ý Đề án như là “giai đoạn 2” của mô hình Cánh đồng mẫu lớn - mô hình mà bản thân ông rất tâm đắc và đã thực hiện nhiều năm nay rất thành công. Thế nhưng mô hình đã không phát triển được và Đề án này cần tránh lặp lại “vết xe đổ”. Bên cạnh đó, khi thực hiện Đề án đòi hỏi cần tháo gỡ các vướng mắc khi thực thi cơ chế chính sách hỗ trợ về vốn vay.
Với ngành hàng lúa gạo ở vùng ĐBSCL, để hướng đến phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, theo giới chuyên gia, điều quan trọng là phải chấm dứt hiện trạng “tự phát - sản xuất thiếu tổ chức” sẽ khắc phục hết những nguyên nhân đã khiến nông dân trồng lúa ở ĐBSCL bấy lâu nay tuy sản xuất nhiều nhưng vẫn chưa giàu.
Không chỉ vậy, thực tế cho thấy ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo cho an ninh lương thực và xuất khẩu, nhưng từ trước đến nay được đầu tư thấp và hiệu quả chưa cao vì thiếu đồng bộ, thiếu liên kết vùng. Sự gặp nhau giữa chính sách vĩ mô và vi mô còn nhiều bất cập.
Cho nên, để phát triển diện tích trồng lúa chất lượng cao cũng cần khắc phục bất cập này. Nhất là các thành phần trong chuỗi giá trị lúa gạo gồm nông dân, HTX, thương lái, hàng xáo, nhà máy xay chà đánh bóng và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần liên kết, hỗ trợ lẫn nhau một cách chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa để các bên cùng có lợi.
Ngoài ra, điều rất cần để nâng cao chất lượng lúa gạo ở ĐBSCL là phải hướng đến phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Để cụ thể hóa điều này, bà Trần Thu Hà, Trưởng nhóm Dự án Chuyển đổi Chuỗi giá trị lúa gạo hướng tới năng lực phục hồi khí hậu và phát triển bền vững tại ĐBSCL (SNV Việt Nam), cho biết trong giai đoạn 2023- 2027 dự án sẽ đầu tư 15 triệu AUD (đơn vị tiền tệ Australia) tại 3 tỉnh có diện tích lúa gạo lớn ở ĐBSCL là An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang.
Theo bà Hà, thông qua dự án và sự vào cuộc của các DN trong chuỗi giá trị lúa gạo, sẽ tạo ra các chất xúc tác hữu hiệu, mang tính tiên phong để thúc đẩy DN tổ chức vùng nguyên liệu lúa gạo liên kết theo hướng bền vững, đa giá trị. Từ đó, mang lại lợi ích kinh tế xã hội và môi trường cho khoảng 200.000 nông hộ.
Cùng đó, bà Hà cho biết dự án tạo tiền đề cho các DN lúa gạo của Việt Nam sản xuất kinh doanh bền vững của thị trường tín chỉ carbon và dán nhãn xanh cho mặt hàng lúa gạo, sẵn sàng cho giao dịch khi thị trường tín chỉ carbon tự nguyện được vận hành thí điểm năm 2025 và chính thức hoạt động từ năm 2028.
Nói chung, sẽ có rất nhiều việc phải làm để hướng đến 1 triệu ha lúa chất lượng cao cho vùng ĐBSCL. Đây là thời điểm cần làm và quyết tâm phải làm nhằm định hình tư duy mới cho nông dân trồng lúa, làm cho họ thấy rằng ngành hàng lúa gạo có sức “hấp dẫn” để giúp cho họ làm giàu.
Thế Vinh