Nhắc tới cái tên Lương Hoài Giang (sinh năm 1992), hầu hết người dân tại khu Nông trường Quý Cao (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) không ai là không biết. Là một người trẻ dám nghĩ, dám làm, Giang được nhiều người ví như tấm gương vượt khó vươn lên cho thế hệ trẻ học tập.
Hành trình đến với nghề nuôi ốc
Năm 2010, Giang tốt nghiệp THPT và cũng đi thi đại học như bao bạn cùng trang lứa, nhưng không đỗ. “Sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng em quyết định: Tạm nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ bố mẹ”, Giang trải lòng.
Gần 3 năm lăn lộn ở thành phố làm đủ nghề, từ bảo vệ siêu thị, tới phục vụ quán ăn, rồi sửa chữa xe máy. Trong quá lao động, kiếm sống tại thành phố, Giang vẫn nuôi ý nghĩ: “Phải làm gì đó trên chính mảnh đất ở quê nhà để giúp bố mẹ có thêm thu nhập”.
Mỗi tối, sau giờ sửa xe, em lại lang thang trên mạng đọc báo, nghe đài tìm hiểu về các mô hình làm nông nghiệp cho hiệu quả cao, em quan tâm đặc biệt tới mô hình nuôi ố cnhồi.
Sau quá trình tìm hiểu, cuối năm 2013, chàng thanh niên này quyết định nuôi ốc nhồi. Nhà có hơn 3 mẫu vườn, ao được nông trường cho thuê dài hạn 50 năm, trong đó có gần 2 mẫu vườn và 1,2 mẫu ao. Ban đầu không có tiền, Giang bỏ ra 250.000 đồng mua ốc giống từ một trang trại khác.
“Được 2 chén nhỏ ốc giống, em về bỏ ra đếm từng con một, tất cả được 769 con. Quý mấy con ốc này hơn vàng, em bỏ chúng ra bể trước nhà để nuôi thả. Cuối năm đó, từ 2 chén ốc giống em có đến mấy chục kg ốc thịt.
Tuy nhiên sau đó em phát hiện ốc trong bể cứ hao hụt dần, và chết dần… do chuột đồng kéo đến ăn.
Không bỏ cuộc, em mang những con ốc trưởng thành còn lại ra nuôi tại môi trường tự nhiên - khu đầm ao - để chúng dần thích nghi. Đến cuối năm 2015, sau 2 năm tích cực nhân giống tự nhiên, số lượng ốc đã sinh sôi, nảy nở dày khắp 1,2 mẫu ao nuôi”, Giang kể.
Loại ốc này không ăn cám công nghiệp. Thức ăn của chúng hoàn toàn tự nhiên như cỏ, các loại bèo, cây khoai nước, lá sắn tầu, bắp cải, su hào, các loại hoa quả băm nhỏ… miễn là không có hóa chất bảo quản. Nếu có hóa chất bảo quản trong những loại lá hay hoa quả cho ăn thì ốc sẽ chết, không có cách cứu chữa.
Mỗi năm Lương Hoài Giang cung cấp ra thị trường trên 3 tấn ốc nhồi |
Sạch như ốc
Xung quanh khu vực 1,2 mẫu nuôi ốc của gia đình là vườn cây ăn quả có diện tích gần 2 mẫu với nhiều loại như táo, vải, nhãn. Để tận dụng tối đa nguồn thức ăn có trong tự nhiên, chàng thanh niên 9x đã trồng xen kẽ dưới các gốc cây ăn quả các loại cây như khoai nước, khoai lang để phục vụ đàn ốc…
Nguồn nước nuôi ốc cũng phải bảo đảm 100% không bị nhiễm hóa chất. Ví dụ chỉ cần nước ao có nước xà phòng giặt quần áo xả ra là ốc sẽ chết.
Bên cạnh ốc thương phẩm bán giao cho các thương lái tại nhà, Giang còn bán ốc giống cho nhiều người từ các tỉnh thành lân cận.
Trong khoảng từ mùa Xuân tới hết mùa Hè, ốc đẻ trứng sẽ được em thu gom các tổ trứng cho vào bể và chăm sóc tới khi nở thành ốc con. Những con ốc giống đó sẽ được theo dõi kỹ lưỡng, sau khi trứng nở, ương khoảng 20 ngày là được bán.
“Trước kia, em chưa có kinh nghiệm ương, tỷ lệ trứng nở chỉ đạt 30 - 40%, hiện nay tỷ lệ trứng nở đã đạt khoảng 90%. Đối với ốc thương phẩm, nuôi 3 - 4 tháng/ lứa vào mùa Hè; 5 - 6 tháng/lứa vào mùa Thu Đông”, Giang cho biết.
Khoảng 30 năm về trước, ốc nhồi chỉ là loại nhuyễn thể, rẻ tiền, dân dã phục vụ cho những bữa cơm đạm bạc của nhà nông hay các quán nhậu bình dân ở nông thôn.
Tuy nhiên đứng trước nguy cơ bị tiệt chủng do môi trường sống ô nhiễm loại ốc này trở nên khan hiếm. Và nay, những món ăn chế biến từ ốc nhồi đã có mặt ở các nhà hàng, quán ăn cao cấp ở các đô thị lớn.
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, những người dám đầu tư, quyết tâm nuôi ốc đã thực sự thành công. Và chàng trai thế hệ 9x Lương Hoài Giang là một trong những trường hợp như thế.
Thanh Vân