Theo Ban giám đốc HTX, nuôi tôm là hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, các loại bệnh xuất hiện trên tôm đang khiến cho các hộ nuôi chịu thiệt hại nặng nề. Một trong số những nguyên nhân dẫn đến tôm bệnh, chết có thể kể đến là việc ô nhiễm nguồn nước, môi trường nuôi tôm. Do đó, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để xử lý nước là điều cần thiết để đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho con tôm.
Hạn chế bệnh dịch
Trên cơ sở đó, vào năm 2019, được sự hỗ trợ của địa phương và Liên minh HTX tỉnh bà Rịa Vũng Tàu, HTX ứng dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn vào quá trình nuôi tôm. Công nghệ này đã được nghiên cứu và ứng dụng ở Na Uy, Hà Lan, Thái Lan, Trung Quốc… để phục vụ các trại sản xuất giống và nuôi thâm canh tôm nên HTX rất tin tưởng đầu tư.
Quá trình nuôi sẽ được chia làm 3 giai đoạn trong 3 bể khác nhau. Ở giai đoạn đầu tiên tại bể nuôi 100m2 được thả với mật độ 1.020 con/m2. Khi tôm bước qua tháng thứ 2 sẽ được chuyển qua 1 bể nuôi khác có diện tích 200m2. Đến giai đoạn cuối cùng, tôm sẽ được nuôi trong bể có diện tích 400m2.
Theo công nghệ này, toàn bộ diện tích nuôi đều sử dụng khung sắt lót bạt. Đáng lưu ý, mô hình này sẽ tái sử dụng được nguồn nước thải từ nuôi tôm, nguồn nước thải sẽ được chảy tuần hoàn qua các bể lắng, lọc nhằm xử lý đạt chuẩn trước khi đưa trở lại ao nuôi tái sử dụng.
Công nghệ này kiểm soát được chất lượng nguồn nước, các thông số kỹ thuật cũng như tỷ lệ ô xy trong nước. Từ đó, giúp giảm thiểu hao hụt con giống, năng suất gấp nhiều lần nuôi bình thường, chất lượng bảo đảm và không gây ô nhiễm môi trường từ nguồn nước.
Công nghệ lọc nước tuần hoàn cho phép nuôi tôm quanh năm mà không hề lo ngại vấn đề ô nhiễm nguồn nước. |
“Nước trong ao nuôi luân chuyển liên tục, sau khi qua xử lý, nguồn nước nuôi tôm được trả về hồ đảm bảo các tiêu chí sạch, an toàn để cho tôm phát triển, hạn chế tối đa dịch bệnh và hoàn toàn không sử dụng các chất kháng sinh”, ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, cho biết.
Trong quá trình sản xuất, HTX đã nhận thấy, thông thường, một con tôm ăn và tích tụ trong cơ thể khoảng 30% lượng thức ăn, còn lại sẽ thải ra các dạng chất rắn và các chất hòa tan không lắng lại. Nếu tích tụ lâu sẽ gây ô nhiễm môi trường nước và có thể gây hại hoặc làm con tôm bị chết hàng loạt.
Do đó, trong quá trình xử lý nguồn nước theo công nghệ lọc nước tuần hoàn sẽ có 1 máy tách chất thải rắn riêng. Còn các chất thải không thể lọc được bằng vật lý sẽ dùng bể chứa vi sinh để lọc, từ đó hạn chế vi khuẩn gây mầm bệnh.
Hướng đi trước thách thức biến đổi khí hậu
Vì chất lượng nguồn nước được kiểm soát nên tỷ lệ hao hụt tôm thấp, năng suất cao hơn nuôi thông thường, chất lượng bảo đảm và không gây ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải.
“Công nghệ này không thay nước nên sẽ ngăn chặn con đường lây lan từ nguồn bệnh đi theo dòng nước thay vào. Ngoài ra, khi nuôi theo các giai đoạn khác nhau thì mầm bệnh chưa kịp phát triển. Còn nuôi 1 bể trong thời gian dài thì mầm bệnh sẽ xuất hiện nhiều hơn”, ông Nguyễn Kim Chuyên chia sẻ.
Công nghệ tuần hoàn nước cũng khắc phục được những nhược điểm mà các công nghệ khác hiện nay chưa làm được, đó là gần như tự động hoàn toàn. Thành viên HTX không phải vào trong các bể nuôi vệ sinh mà chất lượng nước lúc nào cũng duy trì ở mức độ ổn định về các chỉ số, không gây ô nhiễm.
Chú trọng đầu tư công nghệ giúp người dân yên tâm nuôi tôm theo quy mô lớn. |
Ngoài đầu tư hệ thống lọc nước tuần hoàn, các bể bạt dạng tròn, HTX còn đầu tư thêm màng lưới để che các bể nuôi tôm nên cũng giảm nguy cơ dịch bệnh ảnh hưởng từ điều kiện thời tiết bên ngoài.
Được hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển Liên minh HTX, HTX Quyết Thắng đã quy hoạch và tận dụng khoảng 2ha nuôi tôm công nghệ cao, với 2 khu nuôi, mỗi khu 4 hồ nuôi (500m2), 2 ao thải và 3 ao lắng. HTX đang nuôi 3 vụ/năm, năng suất đạt 20-25 tấn/vụ/khu, doanh thu hàng năm khoảng 8 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về từ 2-3 tỷ đồng.
Mô hình nuôi tôm theo công nghệ tuần hoàn nước RAS của HTX Nông nghiệp Quyết Thắng đang mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng, giúp người nuôi phần nào yên tâm trước sự biến đổi khó lường của thời tiết, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một diện tích đất.
Như Yến