Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia Chính phủ đã đề ra, mỗi nông dân sẽ là một thương nhân và mỗi HTX là một doanh nghiệp ứng dụng.
Đơn hàng tăng gấp 3-4 lần
HTX Sơ ri Bình Ân, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) là đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm từ trái sơ ri, trong đó mứt là mặt hàng chủ lực. Việc sản xuất các sản phẩm từ trái sơ ri đã góp phần nâng cao giá trị cho loại trái đặc sản này, giúp thương hiệu sơ ri Gò Công được nhiều người biết đến.
Ông Nguyễn Trọng Thế, Giám đốc HTX Sơ ri Bình Ân cho biết, thời gian đầu, HTX chưa nắm bắt quy trình bán hàng, quảng bá nên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, HTX đã tích cực tham gia các hội chợ thương mại để tìm kiếm đối tác. Ngoài việc phân phối thông qua kênh truyền thống, HTX còn đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Việc bán hàng qua mạng đã giúp sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến, không chỉ ở khu vực miền Nam mà tới cả các tỉnh, thành miền Trung và miền Bắc.
Dù thị trường có những thời điểm biến động, nhưng việc thu mua sản phẩm của HTX vẫn diễn ra bình thường, giá ổn định nhờ đầu ra luôn được đảm bảo. Trung bình mỗi ngày, HTX thu mua của thành viên khoảng 700 kg sơ ri để cung ứng cho đối tác.
“Thành viên thu hoạch bao nhiêu sơ ri mang đến, HTX cũng thu mua hết, nửa kg cũng bán được. Hiện, nông dân không phải lo đầu ra”, đại diện HTX cho biết.
Nhiều HTX đang dần mở rộng phương thức bán hàng online nhằm mở rộng đầu ra, tăng thu nhập cho các thành viên. |
Hiện, HTX Sơ ri Gò Công Đông có khoảng 130 thành viên tại 4 xã trên địa bàn huyện Gò Công Đông. Do nhận thấy lợi ích khi tham gia vào HTX nên có rất nhiều nông dân trồng sơ ri trên địa bàn huyện nộp đơn xin tham gia.
Dự kiến, trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục phát triển lên khoảng 300 thành viên. Ngoài ra, HTX đang xây dựng vùng sản xuất sơ ri theo chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 10 ha để phục vụ cho nhu cầu đa dạng thị trường khi cần thiết.
Cũng nhờ thay đổi từ duy, mở thêm kênh bán hàng online mà HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá) đã có đơn hàng tăng gấp 3 lần so với kênh bán hàng truyền thống. Ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX cho biết: Chỉ cần vào mạng gõ tên “nông sản an toàn Thanh Hóa” hoặc “postmart.vn”, “voso.vn”... và tìm kiếm tên các sản phẩm mình quan tâm, ngay lập tức thông tin các sản phẩm sẽ hiện ra với đầy đủ thông tin về giá, xuất xứ sản phẩm... Nhờ đó, nhiều sản phẩm của HTX đã được khách hàng biết đến, đặt hàng. Các đơn hàng trên các sàn TMĐT cao gấp 2-3 lần đơn hàng từ kênh bán truyền thống.
Tương tự, chị Nguyễn Lê Ngọc Linh, Giám đốc HTX Bản Thổ (xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, Thanh Hoá) chia sẻ, nhờ đưa sản phẩm lên sàn TMĐT mà việc tiêu thụ sản phẩm của HTX khá ổn định, doanh thu tăng hàng năm. Trong năm 2022, HTX dự kiến sẽ chế biến, tiêu thụ trên 20 tấn sản phẩm mật ong, gồm: mật ong lên men, các dược liệu lên men cùng mật ong như gừng, tỏi, nghệ... Gần như 100% đơn hàng của HTX đều được đặt và tiêu thụ thông qua các nền tảng số.
Phấn đấu năm 2025 có 40% HTX tiếp cận chuyển đổi số
Theo đánh giá của các sở ngành, địa phương, mặc dù thời gian qua, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT giúp HTX có thêm nhiều kênh tiêu thụ, song vẫn còn khiêm tốn. Nguyên nhân là do việc chậm tiếp cận, thay đổi phương thức kinh doanh mới đang là rào cản trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Do đó, để nông sản ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các sàn TMĐT, bên cạnh sự thay đổi tư duy kinh doanh, sản xuất của các HTX, cần có sự hỗ trợ của Liên minh HTX các tỉnh và chính quyền địa phương.
Tại Tiền Giang, lãnh đạo tỉnh xác định nông nghiệp là một trong 8 ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số. Theo đó, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý vùng trồng, truy xuất nguồn gốc các chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch… là một trong những nội dung hướng tới. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển TMĐT là một trong những mục tiêu quan trọng của chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp.
Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng TMĐT, tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Trong đó, chú trọng tuyên truyền về lợi ích của việc đưa các mặt hàng nông sản lên các sàn TMĐT đến các HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Điều này nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy hoạt động kinh doanh số, TMĐT, phát triển kinh tế số.
Liên minh HTX Việt Nam cũng cho biết mục tiêu trong vòng 3 năm tới sẽ có khoảng 35 - 40% các HTX nông nghiệp có thể tiếp cận việc chuyển đổi số và tăng cường bán hàng trên các nền tảng TMĐT. Vì vậy, các chương trình tập huấn bán hàng cho nông dân sẽ được triển khai mạnh hơn.
Mới đây, hơn 100 HTX nông nghiệp tại ĐBSCL đã được làm quen với công nghệ và mô hình kinh doanh online, từ đó tiếp cận thêm người dùng mới và cơ hội nâng cao doanh thu.
Theo Grab Việt Nam, sau một năm thí điểm cùng với Bộ NN&PT NT và Liên minh HTX Việt Nam, các bên đã hoàn thiện quy trình, chuẩn hoá thông tin để hỗ trợ nông dân đưa hàng lên nền tảng số. Tính đến năm 2022, đã có hơn 2 triệu nông hộ trong cả nước được đào tạo kỹ năng số và gần 50.000 sản phẩm nông sản đã được đưa lên các sàn TMĐT, song đây mới chỉ là bước đầu.
Các chuyên gia đánh giá, phương pháp làm việc hiệu quả với nông dân là "cầm tay chỉ việc", do vậy để đạt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 40% HTX có thể ứng dụng công nghệ vào bán hàng sẽ phải tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn.
Hoàng Hà