Cách đây hơn 3 năm, sau thời gian dài đầu tư sản xuất cà phê, ông Nguyễn Tiến Cương, xã Long Sơn, huyện Đắk Mil quyết định chuyển đổi hơn 3 ha sang trồng cây ăn quả. Để giảm thiểu rủi ro, ông trồng xen canh cây ăn quả trong rẫy cà phê, sau 2 năm mới chặt bỏ cây trồng cũ.
Ứng dụng công nghệ mới
Ông Cương cho biết, thời gian qua, giá cả các loại cà phê, hồ tiêu, cao su giảm mạnh, thời tiết diễn biến thất thường đã gây khó khăn trong sản xuất, hiệu quả kinh tế không cao. Do vậy, gia đình ông đã quyết định chuyển hướng sang trồng các loại cây ăn quả.
![]() |
Các hộ trồng cây trên địa bàn huyện đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. (Ảnh TL). |
Ngoài bơ, gia đình ông trồng sầu riêng, mãng cầu, bưởi da xanh. Đây là các loại cây không kén đất và dễ trồng, ít bị sâu bệnh, vốn đầu tư, chăm sóc không cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương và đặc biệt là tốn ít công chăm sóc hơn.
Đến nay, vườn bơ booth của ông Cương bước vào năm thứ 4, cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỉ lệ ra hoa đậu quả cao. Mỗi cây bơ booth hiện cho thu hoạch khoảng 70 - 80 kg/mùa. Với 200 cây bơ booth, ông Cương thu hoạch khoảng 15 tấn quả. Giá loại bơ này dao động ở mức 35.000 - 60.000 đồng/kg.
Theo ông Cương, để có được thành công trên, cùng với chuyển đổi cây trồng, ông cũng đổi mới cả tư duy sản xuất bằng cách đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Hiện, 100% diện tích canh tác của gia đình ông được lắp đặt hệ thống tưới tự động.
Nếu trước đây, tưới tiêu là công việc cực nhọc, thì nay chỉ cần một cái bấm nút, nước sẽ được tự động bơm vào đầy bồn chứa, sau đó sẽ theo hệ thống ống dẫn đến từng gốc cây trong vườn, giúp nước tưới ngấm nhanh hơn, giảm tỉ lệ thất thoát, tiết kiệm lượng nước, điện năng.
“Áp dụng hệ thống tưới tự động giúp gia đình tôi giảm rất nhiều công lao động, thay vì tưới, phun cả buổi sáng thì bây giờ chỉ cần 5 đến 6 phút một ngày là đã xong cả vườn”, ông Cương phấn khởi cho hay .
Tương tự, năm 2018, gia đình bà Đỗ Thị Thu Hiền, xã Đăk Gằn chuyển đổi hơn 1,5 ha đất vườn sang trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, chủ yếu là xoài Đài Loan nên năng suất rất cao.
Sau 3 năm, vườn xoài đang vào thời kỳ thu hoạch ổn định, mỗi năm cho trên 20 tấn quả. Với giá bán hiện tại dao động ở mức 18 – 20 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, gia đình bà thu về trên 200 triệu đồng.
Cũng giống như nhiều hộ dân trên địa bàn, gia đình bà Hiền cũng tích cực ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật mới. Bên cạnh hệ thống tưới tự động, bà Hiền đang triển khai công nghệ bọc quả bằng màng chuyên dụng, giúp hạn chế côn trùng gây bệnh, tăng chất lượng sản phẩm.
“Trước đây, thông thường mỗi vụ tôi phải mất 8 - 10 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, sản lượng chỉ đạt 10 - 12 tấn/ha. Áp dụng công nghệ mới chỉ cần 1 - 2 lần thuốc (được chọn lựa kỹ càng, đúng danh mục cho phép) nhưng sản lượng lại đạt đến gần 20 tấn/ha”, bà Hiền nói.
Chủ động trồng xen canh
Bên cạnh việc chuyển đổi hoàn toàn sang trồng cây mới, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đăk Mil lại chọn giải pháp xen canh, và đang cho hiệu quả tích cực.
![]() |
Việc trồng xen canh cây ăn quả vào vườn cà phê, hồ tiêu giúp nông dân tăng giá trị cây trồng. (Ảnh TL). |
Ông Nguyễn Quốc, xã Đăk Rla, chia sẻ những năm qua giá cà phê, hồ tiêu xuống thấp, nếu không xen canh mít thì không ăn thua. Vườn nhà ông hiện có 300 cây mít Thái 2 năm tuổi xen với cà phê 10 năm. Cây cho trái bói nhưng từ tháng 3/2020 đến nay, ông đã bán được gần 10 tấn trái.
“Nhà tôi bắt đầu trồng xen canh cây ăn quả vào rẫy cà phê cách đây 6, 7 năm, cây mít được triển khai từ năm 2018, còn trước đó là cây bơ. Bây giờ tiền bán cà phê dành cho các chi phí sản xuất, còn lại, tiền thu từ mít và bơ xem như lãi ròng”, ông Quốc cho hay.
Theo thống kê, toàn huyện Đăk Mil hiện có khoảng 31.000 ha cây công nghiệp lâu năm, trong đó có trên 28.000 ha cà phê và hồ tiêu. Phần lớn diện tích trồng cà phê, hồ tiêu đang được nông dân trồng các loại cây ăn trái như mít, sầu riêng, bơ… để cải thiện nguồn thu nhập.
Cà phê cho thu hoạch mỗi năm một vụ và người làm vườn đầu tư theo hình thức “được ăn cả – ngã về không”. Nếu trồng thêm cây bơ, cây sầu riêng thì cơ hội tăng thu nhập được nhân lên, giảm được áp lực về nguồn thu để duy trì sản xuất.
Trong một năm, sau khi thu hoạch cà phê thì chủ vườn sẽ bước vào thu hoạch bơ, thu hoạch sầu riêng… Do vậy, lúc nào cũng có tiền. Nếu cây này thua lỗ thì có cây kia bù đắp.
Với những thành công đang có, trong thời gian tới, huyện sẽ tích cực hỗ trợ nông dân ứng dụng hiệu quả khoa học – công nghệ mới vào sản xuất, hướng dẫn người dân chuyển đổi, xen canh một cách thận trọng, tránh ồ ạt, mất kiểm soát, đảm bảo hiệu quả bền vững.
Lệ Chi