Trong khi không ít vùng sản xuất rau trên cả nước liên tục lâm cảnh “được mùa, dội chợ”, các hộ trồng rau VietGAP tại Vạn Hà vẫn đều đặn thu trăm triệu mỗi ha sản xuất nhờ phương thức sản xuất khoa học, ứng dụng hiệu quả thành tựu công nghệ mới, như xây dựng nhà màng, tưới tiết kiệm…
Ứng dụng kỹ thuật mới
Ông Lê Văn Dung, Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Vạn Hà, đang là một trong những điển hình tiên phong trong phát triển mô hình trồng rau VietGAP, có ứng dụng một phần công nghệ cao, cho hiệu quả vượt trội tại địa phương.
Mô hình nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao đang phát huy hiệu quả ở Vạn Hà (Ảnh TL). |
Theo đó, để nâng cao giá trị cây trồng, ông Dung đầu tư hàng trăm triệu để lắp đặt hệ thống nhà màng hiện đại, phục vụ sản xuất rau, củ, quả sạch trên diện tích 1.300 m2, chủ yếu trồng dưa kim hoàng hậu.
Ông Dung cho hay, việc sản xuất trong nhà màng giúp gia đình ông giảm thiểu tác động tiêu cực của thời tiết, triển khai trồng trọt quanh năm, hạn chế sự xâm nhập của côn trùng gây hại, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
“Với hệ thống màng bao phủ, năng suất dưa có thể tăng 15 – 20% so với khi canh tác ngoài trời, đặc biệt quả dưa to, đẹp, sáng mã, giữ được hương vị đặc trưng của vùng đất đầy nắng và gió Vạn Hà”, ông Dung nhấn mạnh.
Không chỉ có hệ thống nhà màng, ông Dung còn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, đảm bảo lượng nước tưới đúng và đủ cho cây sinh trưởng, phát triển, tránh lãng phí, đồng thời giảm thiểu công lao động, nâng cao sức khỏe.
Nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học – công nghệ, bình quân mỗi năm ông Lê Văn Dung trồng gối 4 vụ dưa kim hoàng hậu, lợi nhuận bình quân đạt 70 – 90 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, với diện tích 3 sào đất, ông Dung để riêng trồng các loại cây như cà chua, bắp cải... theo chuẩn VietGAP, mỗi năm thu về 80 triệu đồng.
Tương tự, ông Phùng Văn Quyết, tiểu khu 6, thị trấn Vạn Hà, chia sẻ những năm trước đây, gia đình ông sản xuất rau màu trên 3 sào ruộng nhưng chưa bao giờ đạt doanh thu 100 triệu đồng/năm.
Nguyên nhân là do diện tích sản xuất còn nhỏ, manh mún, hàm lượng khoa học – công nghệ thấp nên quy trình canh tác gặp nhiều khó khăn, năng suất, chất lượng sản phẩm không cao, thị trường thiếu ổn định, việc quảng bá sản phẩm còn hạn chế.
Năm 2018, gia đình ông đã tham gia vào HTX dịch vụ nông nghiệp Vạn Hà, được chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Gia đình ông và một số hộ dân quanh vùng đã trồng rau tập trung theo cánh đồng mẫu lớn, áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Chinh phục người tiêu dùng
“Nhờ ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, những ruộng rau của gia đình tôi nay đã phát triển tốt và cho những vụ mùa bội thu với nhiều sản phẩm từ su hào, bầu, bí đến các loại rau. Các sản phẩm được HTX bao tiêu, cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch, thu nhập của gia đình tôi hiện đạt trên 100 triệu đồng/năm”, ông Phùng Văn Quyết hồ hởi cho hay.
Các mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới sẽ được hỗ trợ nhân rộng ở Vạn Hà (Ảnh TL). |
Theo đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp Vạn Hà, nếu theo sản xuất truyền thống, 1 ha rau màu tổng thu chỉ ở mức 150 - 200 triệu đồng/năm. Nhưng khi áp dụng khoa học - kỹ thuật, rau an toàn có thể cho thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm.
Trong thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ cho thành viên, tạo điều kiện để các thành viên tham gia các khóa tập huấn kỹ thuật của địa phương, nhằm nắm chắc quy trình sản xuất, liên tục cập nhật kiến thức mới.
HTX cũng sẽ tích cực hỗ trợ về nguồn lực, vốn đầu tư để các thành viên xây dựng các nhà màng, nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, chinh phục những người tiêu dùng khó tính nhất.
Theo đại diện UBND thị trấn Vạn Hà, HTX dịch vụ nông nghiệp Vạn Hà chỉ là một trong nhiều điển hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng toàn bộ hoặc một phần công nghệ cao, cho giá trị vượt trội.
Thống kê cho thấy, toàn thị trấn đang có gần 10 vùng rau quy mô lớn, sản xuất theo quy trình VietGAP, tổng diện tích gần 20 ha, thu hút hàng trăm hộ dân, người lao động tham gia.
Trong thời gian tới, để đổi mới phương thức trồng trọt, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển nông nghiệp, giảm nghèo bền vững, thay đổi phong tục, tập quán sản xuất tự phát, đảm bảo vệ sinh môi trường..., thị trấn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác để tạo sự liên kết giữa các các hộ sản xuất, tăng cường trao đổi, hỗ trợ nhau về kỹ thuật sản xuất, tạo thị trường tiêu thụ ổn định.
Lệ Chi